Đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông
Hướng nghiệp, phân luồng học sinh là hoạt động không thể thiếu ở các trường phổ thông, giúp học sinh nâng cao nhận thức về ngành nghề và chọn ngành, chọn nghề phù hợp đối với việc lập nghiệp của mỗi người. Mặt khác đây cũng là bước sàng lọc quan trọng để tránh lãng phí trong đầu tư giáo dục. Thời gian qua, các trường phổ thông trong tỉnh ngày càng chú trọng thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh; do vậy nhận thức của người học, gia đình và xã hội về hướng nghiệp có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế như việc triển khai tại một số trường chưa đồng bộ, chưa đạt hiệu quả cao; học sinh và phụ huynh vẫn coi trọng việc học tiếp đại học mà không tính đến năng lực học tập và nhu cầu thực tế nên tỷ lệ học nghề còn thấp... Tình trạng thị trường lao động "thừa thầy, thiếu thợ" vẫn chậm được khắc phục.
![Học viện Nông nghiệp Việt Nam tư vấn tuyển sinh cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_441_51508122/50324f5961178849d106.jpg)
Học viện Nông nghiệp Việt Nam tư vấn tuyển sinh cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Trước thực tế đó, để làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, ngành GD và ĐT đã phối hợp các đơn vị liên quan chỉ đạo các nhà trường triển khai các giải pháp nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về phân luồng giáo dục. Đặc biệt, chú trọng các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục STEM (tích hợp các môn: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) vào các môn học trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại phục vụ giáo dục nghề nghiệp (GDNN); xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của hướng nghiệp và phân luồng học sinh; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong triển khai hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Các nhà trường cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để việc phân luồng học sinh, đặc biệt là đối với học sinh lớp 9, lớp 12 vào chiều sâu, đạt hiệu quả.
Năm học 2024-2025, Trường THCS Hải Hưng (Hải Hậu) có 172 học sinh lớp 9, dự kiến 100% học sinh sẽ được xét tốt nghiệp. Để phân luồng học sinh, nhà trường đã khảo sát nhu cầu nguyện vọng của phụ huynh và học sinh lớp 9 để sau khi tốt nghiệp THCS, trường tiến hành định hướng tư vấn phân luồng. Cùng với đó, trường thực hiện tốt việc phụ đạo cho học sinh yếu; đánh giá đúng năng lực học tập của từng học sinh. Trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các trường THPT, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDTX) và các trường trung cấp nghề, các cơ sở GDNN trên địa bàn, trường triển khai các yêu cầu về giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh và hướng các em chọn thi vào lớp 10 phù hợp; xây dựng kế hoạch tư vấn kỹ cho từng học sinh và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, họp, tư vấn cho phụ huynh có con học lớp 9. Dự kiến sau khi hướng nghiệp phân luồng, tỷ lệ học sinh của trường học lên các trường THPT là 87%. Tỷ lệ học sinh học tại các trung tâm GDNN-GDTX hoặc các cơ sở GDNN là 10%. Số học sinh còn lại do năng lực, nguyện vọng cá nhân và gia đình sẽ tham gia thị trường lao động tự do. Tuy nhiên, theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Đam, quá trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại trường còn gặp không ít khó khăn. Những em học tốt, giáo viên tư vấn lựa chọn các trường THPT có điểm tuyển sinh phù hợp; đối với học sinh năng lực học tập hạn chế hơn được khuyên lựa chọn hướng khác như học nghề để giảm áp lực thi cử. Tuy nhiên để tránh phụ huynh hiểu nhầm giáo viên ép học sinh không thi vào THPT, nhà trường chỉ đạo giáo viên thận trọng trong công tác tư vấn phân luồng.
Tại các trường THPT gặp không ít khó khăn, hạn chế khi thực hiện phân luồng, đó là: Trong tư tưởng và tâm lý của cả phụ huynh và học sinh vẫn còn xu hướng học theo trào lưu, nhiều phụ huynh và học sinh chưa thực sự quan tâm đến năng lực bản thân học sinh; chưa có nhiều thông tin mang tính chất thống kê về từng nghề (chính thống của các cơ quan, bộ, ngành, công ty...) để nhà trường và phụ huynh tham thảo; xu hướng nghề nghiệp thay đổi nhanh chóng, ảnh hưởng của mạng xã hội (nhiều kênh truyền thông xây dựng đăng tải các video clip nhảm nhí, không đúng (Làm giàu không khó; Giàu không cần làm…). Để khắc phục khó khăn trên, một số trường đã có giải pháp sáng tạo. Ngay từ khi học sinh nộp hồ sơ thi tuyển vào Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản), nhà trường đã tổ chức công khai giới thiệu về nội dung, Chương trình GDPT 2018, các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, các lớp học theo các phân môn dự kiến... cho tất cả các thí sinh. Sau khi có kết quả tuyển sinh, trường tổ chức 2 buổi để tư vấn, hướng dẫn học sinh và phụ huynh lựa chọn tổ hợp môn học theo năng lực học sinh và khả năng của nhà trường; tư vấn sự liên quan giữa tổ hợp môn học với khả năng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Cùng với đó, trường tổ chức các hoạt động Giáo dục trải nghiệm và hướng nghiệp với 4 loại hình hoạt động chủ yếu: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ được tổ chức trong và ngoài lớp, trường, theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; phân công cán bộ, giáo viên thực hiện các hoạt động hướng nghiệp, phân luồng theo Kế hoạch bài dạy của Hoạt động Giáo dục trải nghiệm và hướng nghiệp trong năm học 2024-2025. Năm học này, dự kiến 60% học sinh có xu hướng lựa chọn học tiếp đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp THPT; 25% học sinh mong muốn đi học nghề; 15% học sinh chưa xác định rõ ràng định hướng. Từ thực tiễn triển khai, thầy Hiệu trưởng Trần Mạnh Chiến cho biết: Để làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, cần quan tâm làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh; xây dựng nội dung ngắn gọn, cuốn hút như thống kê ngắn, các công việc cụ thể của từng ngành nghề, xu hướng nghề nghiệp được cập nhất nhanh, chính xác; tổ chức tốt các tiết học trải nghiệm thiết thực như đến nhà máy, bệnh viện, các cơ sở sản xuất… nhằm cho học sinh trải nghiệm công việc cụ thể. Tuy vậy, do nguồn kinh phí hạn chế, chưa có sự phối hợp đồng đều giữa các bên nên về cơ bản trường thực hiện rất hạn chế.
Để đẩy mạnh phân luồng học sinh trong GDPT, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND thực hiện Kế hoạch (số 153-KH/TU ngày 9/7/2024) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh. Kế hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: 80% trường có cấp THCS, trường có cấp THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Khoảng 15% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các trung tâm GDTX. Khoảng 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ trung cấp. Khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng trở lên.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp: Tích cực tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu, rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong GDPT. Đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động; tăng cường sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng; kịp thời biểu dương những cá nhân, những đơn vị có nhiều đóng góp tích cực và có kết quả cao trong công tác phân luồng học sinh.
Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, có cơ hội tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với những thay đổi của xã hội. Hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT lựa chọn chương trình giáo dục phù hợp, được thuận lợi trong chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, liên thông giữa các trình độ đào tạo GDNN và cấp học cao hơn...
Để công tác phân luồng học sinh đạt hiệu quả, các nhà trường cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh.