Dạy con gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết: Gìn giữ nét cổ truyền

Tết Nguyên Đán là dịp đặc biệt để mỗi người con đất Việt trở về bên gia đình, tận hưởng niềm vui sum họp và cùng nhau ôn lại những giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, phong tục gói bánh chưng, bánh tét từ lâu trở thành truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về, gắn liền với ý nghĩa sâu sắc về lòng biết ơn tổ tiên và sự gắn kết gia đình.

Quây quần cùng nhau gói bánh chưng là một trải nghiệm thú vị cho các bé dịp Tết đến xuân về. Ảnh: Minh Hạnh

Quây quần cùng nhau gói bánh chưng là một trải nghiệm thú vị cho các bé dịp Tết đến xuân về. Ảnh: Minh Hạnh

3 thế hệ cùng ngồi bên nhau gói bánh

Vào những ngày cuối năm, không khí Tết ngập tràn trong căn nhà nhỏ của gia đình bà Nguyễn Thị Mai (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa). Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, cả gia đình bà lại quây quần bên nhau để gói bánh chưng, bánh tét. Năm nay, gia đình bà dự định gói khoảng 40 cặp bánh để cúng tổ tiên và biếu tặng họ hàng, bạn bè.

Từ hôm trước, bà Nguyễn Thị Mai đã đi chợ để chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu: nếp dẻo thơm, đậu xanh đã đãi sạch vỏ, thịt ba chỉ tươi ngon được ướp vừa vặn và những tàu lá dong, lá chuối xanh mướt được lựa chọn cẩn thận. Các cháu nội, cháu ngoại của bà Mai, dù nhỏ tuổi nhưng đều háo hức tham gia.

Bà Mai chia sẻ: “Ngày Tết bận rộn lắm, nhưng năm nào gia đình tôi cũng tự gói bánh. Tôi dạy cho các cháu cách gói bánh chưng, bánh tét để các cháu hiểu thêm về truyền thống gia đình, biết quý trọng công sức và ý nghĩa của những chiếc bánh chưng ngày Tết”.

Việc gói bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Người lớn kiên nhẫn chỉ dẫn các em nhỏ từng bước một, từ việc cắt lá, xé lạt, cách xếp lá sao cho vuông vức, cách cho nhân vào bánh vừa đủ và cách buộc lạt sao cho chắc chắn nhưng không làm bánh bị quá chặt.

Bà Mai bồi hồi kể lại ký ức về những cái Tết xưa: “Ngày xưa ở quê đến ngày 27, 28 là mấy gia đình sẽ cùng chung một con heo làm thịt. Từ lúc tôi đi vô đây thì không còn truyền thống đó nữa, thịt heo thì toàn ra chợ mua. Nhưng mà bánh thì năm nào cùng phải gói”.

Các cháu nội ngoại của bà Mai tỏ ra thích thú, háo hức tham gia. Ảnh: Minh Hạnh

Các cháu nội ngoại của bà Mai tỏ ra thích thú, háo hức tham gia. Ảnh: Minh Hạnh

Những đứa trẻ trong gia đình, dù chưa quen tay, nhưng bé nào cũng đều hào hứng làm theo hướng dẫn của người lớn. Đối với các em, đây là cơ hội để hiểu thêm về phong tục ngày Tết.

Em Nguyễn Ngọc Đăng Khôi, cháu ngoại của bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ: “Con cảm thấy rất vui và tự hào khi được phụ bà và mẹ gói bánh. Những năm trước con còn nhỏ nên chưa được tham gia vào công việc này cùng cả nhà. Năm nay là năm đầu tiên con được tập làm, được bà và mẹ chỉ dạy rất nhiều.”

Đăng Khôi cho biết, em thích nhất là lúc ban đêm, cả nhà cùng ngồi canh nồi bánh và trò chuyện, tâm sự với nhau. Trong cái không khí se lạnh của những ngày cuối năm, khoảnh khắc đáng nhớ này sẽ mãi lưu giữ trong ký ức của cậu bé 14 tuổi.

Thế hệ sau có thể học hỏi nhiều điều mới mẻ, tiếp thu những nét đẹp của văn hóa thế giới, nhưng khi những đứa trẻ hiểu và yêu truyền thống, chúng sẽ có một nền tảng vững chắc để phát triển. Những giá trị đó sẽ giúp các con sống có trách nhiệm hơn, biết yêu thương gia đình và trân trọng nguồn gốc của mình.

Gìn giữ truyền thống là góp phần định hình tương lai

Truyền thống gói bánh chưng, bánh tét tuy giản dị nhưng mang lại những giá trị văn hóa, tinh thần sâu sắc. Qua mỗi thế hệ, việc gìn giữ phong tục này không chỉ giúp người Việt bảo tồn bản sắc dân tộc mà còn là cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình.

Anh Trần Thanh Quang (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) bắt đầu phụ gia đình gói bánh từ năm học lớp 9. Giờ đây, sau hơn chục năm kinh nghiệm, anh Quang đã trở thành người gói bánh thành thạo nhất trong nhà.

“Lúc đầu nhìn thấy người lớn làm thì rất tò mò, nên ra xin làm thử cho biết. Ai dè gói xong cả nhà thấy đẹp quá nên bố mẹ cho vào gói luôn!” - Anh Quang chia sẻ.

Anh Trần Thanh Quang dù bận rộn công việc cuối năm nhưng vẫn dành thời gian gói bánh cùng gia đình. Ảnh: Minh Hạnh

Anh Trần Thanh Quang dù bận rộn công việc cuối năm nhưng vẫn dành thời gian gói bánh cùng gia đình. Ảnh: Minh Hạnh

Những chiếc bánh chưng thành phẩm vuông vắn. Ảnh: Minh Hạnh

Những chiếc bánh chưng thành phẩm vuông vắn. Ảnh: Minh Hạnh

Không chỉ bánh chưng, gia đình anh Quang còn gói bánh tét với đa dạng các loại nhân. Ảnh: Minh Hạnh

Không chỉ bánh chưng, gia đình anh Quang còn gói bánh tét với đa dạng các loại nhân. Ảnh: Minh Hạnh

Nồi bánh chưng được nấu bằng bếp củi là hình ảnh rất đỗi thân thương với mỗi người dân Việt. Ảnh: Minh Hạnh

Nồi bánh chưng được nấu bằng bếp củi là hình ảnh rất đỗi thân thương với mỗi người dân Việt. Ảnh: Minh Hạnh

Với anh Quang, việc tiếp nối truyền thống không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào. Anh chia sẻ rằng sau này sẽ dạy cho con cháu cách gói bánh, không chỉ để giữ truyền thống mà còn để các thế hệ tiếp theo hiểu rằng mỗi chiếc bánh không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng của gia đình, của cội nguồn.

"Sau này, dù các con có đi xa, có trưởng thành và tiếp thu nhiều văn hóa mới, tôi mong chúng vẫn nhớ về truyền thống gói bánh chưng, bánh tét của gia đình vào mỗi dịp Tết. Đây là cách để chúng biết mình đến từ đâu và trân trọng giá trị của quê hương".

Minh Hạnh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202501/day-con-goi-banh-chung-banh-tet-ngay-tet-gin-giu-net-co-truyen-a7c17f5/
Zalo