Đây có thể là người 'cứu' TikTok ở Mỹ
Nhà đầu tư bất động sản tỷ phú Frank McCourt đang nỗ lực tối đa để trở thành chủ nhân mới của ứng dụng TikTok trước hạn chót.
Là mạng xã hội video ngắn nổi tiếng với hàng trăm triệu người dùng tại Mỹ, TikTok đang tiến gần với hạn chót ngày 19/1/2025. Khi đó, công ty hoặc phải được bán cho một công ty không thuộc sở hữu Trung Quốc, hoặc phải chịu lệnh cấm hoạt động trên lãnh thổ Mỹ.
Bất chấp hạn chót đã tới gần, công ty mẹ ByteDance Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng họ không có kế hoạch bán TikTok. Tuy nhiên, nhà đầu tư bất động sản tỷ phú Frank McCourt dường như không hề nao núng trước phát biểu mới nhất này.
Tiền không phải vấn đề
Ông trùm bất động sản này gần đây đã bất ngờ nổi lên như một người theo đuổi ồn ào thương vụ mua lại ứng dụng video này trước hạn chót ngày 19/1.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, McCourt tiết lộ ông và cộng sự đã trao đổi với hơn 60 quan chức và các nhà hoạch định chính sách về nỗ lực đấu thầu của mình, đồng thời trò chuyện với các thành viên trong nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump để trình bày lập luận về một thỏa thuận khả thi.
Một trở ngại của thương vụ này là McCourt hiện không có số tiền ước tính 25 tỷ USD mà ông tin rằng sẽ cần để mua lại TikTok khi giá trị tài sản ròng chỉ là 2,4 tỷ USD.
Để giải quyết, chủ cũ của đội bóng chày Los Angeles Dodgers đã tổ chức các cuộc họp gây quỹ ở New York và San Francisco để giúp củng cố các đối tác ngân hàng tiềm năng. Thậm chí, McCourt còn tự tin khẳng định "tiền không phải là vấn đề ở đây".
Theo Bloomberg, điều quan trọng nhất có lẽ là việc McCourt có mối quan hệ tốt với ông Donald Trump thông qua những lần gặp của cả hai trong ngành bất động sản.
“Ông ấy và tôi biết nhau. Khi ông ấy nói rằng không muốn thấy TikTok bị cấm, chúng tôi cũng không muốn thấy điều đó. Với tôi, điều đó có nghĩa là sẽ cần một giao dịch hay thỏa thuận nào đó và chúng tôi có một giải pháp”, ông McCourt nói.
Giải pháp được McCourt nhắc đến là việc ông không muốn thuật toán bị cấm của ứng dụng này. Thay vào đó, McCourt nghĩ rằng bản thản có thể tạo ra một hệ thống tốt hơn, giống với một số nền tảng phi tập trung đã bắt đầu xuất hiện và tạo tiếng vang như Bluesky.
Những ứng dụng này ra đời nhằm mục đích cho phép người dùng lựa chọn từ vô số nguồn cấp dữ liệu khác nhau và cho họ nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu của chính mình.
Trong khi đó, New York Times gọi các ứng dụng này là "khu vườn đóng kín", nghĩa là những gì được đăng trên từng nền tảng chỉ nằm lại trên nền tảng đó.
"Bạn sẽ mua ứng dụng và giao diện của nền tảng và không mua 'ruột' của nó, tức thuật toán. Đó là chìa khóa", nhà đầu tư bất động sản giải thích.
TikTok phiên bản mới
Thực tế McCourt không lạ gì với nền tảng phi tập trung. Ý tưởng trao cho người dùng mạng xã hội nhiều quyền tự quyết hơn đã được thực hiện kể từ năm 2021, khi McCourt ra mắt dự án có tên Liberty.
Khi đó, đây là sáng kiến trị giá 100 triệu USD dựa trên quan niệm cho rằng các công ty mạng xã hội đang quá lớn mạnh và kiểm soát dữ liệu của người dùng.
Về kế hoạch cho TikTok bản 2.0 như McCourt gọi, người dùng và nội dung của TikTok sẽ chuyển sang một mạng lưới máy chủ khác do Mỹ sản xuất, tương tự những gì mà dự án Liberty đã xây dựng.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng kế hoạch này còn lâu mới được hoàn thiện và McCourt sẽ phải đối mặt với những trở ngại đáng kể đối với một thỏa thuận có thể xảy ra.
Mặc dù có sự quan tâm từ nhiều cổ đông người Mỹ của ByteDance để môi giới cho cuộc đấu thầu, ông trùm bất động sản này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận với các giám đốc điều hành của ByteDance mặc dù đã nỗ lực đàm phán.
Ngoài ra, McCourt cũng đang thiếu sự chứng thực từ các nhà đầu tư chủ chốt người Mỹ như Jeff Yass, đồng sáng lập của Susquehanna International Group, người sở hữu một trong những cổ phần lớn nhất tại ByteDance và cũng là một người ủng hộ lớn với ông Trump.
Ngay cả trong trường hợp ByteDance bị thuyết phục và quyết định bán TikTok, McCourt cũng có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ có nhiều tiền hơn.
Khi TikTok gần như bị bán trong một tình huống buộn phải thoái vốn tương tự vào năm 2020 dưới thời Tổng thống Trump, ứng dụng đã nhận được sự quan tâm nghiêm túc từ một số công ty công nghệ lớn bao gồm Microsoft và Oracle.
Lần này, Bloomberg tiết lộ Amazon đã được nêu tên như một ứng cử viên sáng giá để sở hữu nền tảng này, bên cạnh những cái tên nổi tiếng khác như cựu CEO Activision Blizzard, Bobby Kotick hay cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Ngoài ra, Oracle, công ty đang là đối tác lưu trữ dữ liệu chính cho các hoạt động của TikTok tại Mỹ, hoàn toàn có thể trở lại và xuất hiện trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào trong tương lại.
Thực tế, việc McCourt có thực sự thành công hay không cuối cùng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. ByteDance hoàn toàn có thể chọn để chính phủ Mỹ đóng cửa TikTok thay vì buộc phải bán tài sản giá trị của mình.
Mặc dù vậy, tỷ phú này tin rằng ông đang ngồi trên giải pháp giải quyết vấn đề của mọi người. “Trung Quốc sẽ thắng vì họ không cần phải bán thuật toán. Các cổ đông thắng vì họ nhận được một số giá trị cho nền tảng của nước Mỹ. Ông Trump thắng khi thực hiện cam kết. Và cuối cùng là công dân Mỹ cũng chiến thắng”, McCourt nói về giải pháp của mình.