Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…
Kết thúc phiên 20/12, chỉ số Dow Jones tăng 498,82 điểm (+1,18%) lên 42.841,06 điểm, S&P 500 thêm 63,82 điểm (+1,09%) thành 5.930,90 điểm và Nasdaq Composite leo 199,83 điểm (+1,03%) đạt 19.572,60 điểm.
Dow Jones và S&P ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 6/11.
Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P đều ngập tràn sắc xanh, dẫn đầu là mức tăng 1,8% ở lĩnh vực bất động sản.
Cổ phiếu vốn hóa nhỏ, được đo lường qua chỉ số Russell 2000 cũng tăng 0,9%, do được cho là sẽ hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp hơn.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu cũng đánh dấu kỳ hết hạn của các hợp đồng phái sinh hàng quý gắn với cổ phiếu, quyền chọn và hợp đồng tương lai, còn được gọi là "triple witching”.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 21,58 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 14,87 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Trong tuần, chỉ số S&P 500 giảm 1,99%, Nasdaq giảm 1,78% và Dow giảm 2,25%. Nasdaq kết thúc chuỗi bốn tuần tăng điểm, trong khi S&P 500 có tuần giảm điểm lớn nhất trong 6 tuần và Dow Jones ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Về khía cạnh kinh tế, báo cáo lạm phát mới nhất, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), cho thấy mức tăng 2,4% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn một chút so với mức dự báo 2,5% của các nhà kinh tế.
Sau khi dữ liệu được công bố, các nhà giao dịch đã nâng nhẹ kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất vào năm 2025, dự kiến lần cắt giảm đầu tiên sẽ vào tháng 3 và lần thứ hai vào tháng 10.
Vào thứ Tư, Fed đã công bố đợt cắt giảm lãi suất thứ ba trong năm nay nhưng chỉ dự báo hai lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025 thay vì bốn lần như báo cáo hồi tháng 9. Thông báo này đã gây ra một đợt bán tháo mạnh vào cuối ngày thứ Tư, khiến thị trường chứng khoán không thể hồi phục vào thứ Năm.
Tuy nhiên, phiên giao dịch thứ Sáu đã nhận được một số hỗ trợ từ bình luận của các quan chức Fed, khi họ thừa nhận rằng họ bắt đầu tính đến sự bất định của chính sách tài khoán, chẳng hạn như thuế quan, trong các dự báo của mình.
“Số liệu PCE cộng với bình luận ôn hòa từ Fed đã bù đắp cho phản ứng thái quá của thị trường đối với dự báo chính sách tiền tệ mang tính thắt chặt. Điều này đã xảy ra khoảng 10 lần trong chu kỳ của Fed lần này. Thị trường luôn phản ứng thái quá, dù là ở phía tích cực hay tiêu cực”, ông Jay Hatfield, CEO của Infrastructure Capital Advisors nhận định.
GIÁ DẦU ĐI NGANG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu chốt phiên thứ Sáu ít có thay đổi khi thị trường cân nhắc nhu cầu của Trung Quốc và kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong năm tới.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 6 cent, tương đương 0,08%, lên 72,94 USD/thùng. Hợp đồng tương lai đầu WTI của Mỹ tăng 8 cent, tương đương 0,12%, lên 69,46 USD/thùng. Cả hai đều kết thúc tuần giảm khoảng 2,5%.
Sau khi có dữ liệu mới cho thấy lạm phát Mỹ đang hạ nhiệt, đồng USD đã trượt khỏi mức cao nhất trong hai năm nhưng vẫn đang hướng tới tuần tăng thứ ba liên tiếp. Đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu rẻ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
“Có những lo ngại trên thị trường về triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc”, ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital cho biết.
Tập đoàn lọc dầu quốc doanh Sinopec của Trung Quốc tiết lộ trong báo cáo triển vọng năng lượng hàng năm rằng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc có thể đạt đỉnh vào năm 2025 và tiêu thụ dầu của nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, khi nhu cầu đối với dầu diesel và xăng giảm.