Đầu xuân về với Sơn Tây

Thị xã Sơn Tây là vùng đất 'địa linh nhân kiệt', là quê hương của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh... Dưới đây là một số địa điểm du khách nên ghé thăm dịp đầu năm.

Đền thờ và lăng Ngô Quyền

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền thờ và lăng Ngô Quyền nằm trên đồi Cấm, thuộc thôn Cam Lâm (xã Đường Lâm). Lăng Ngô Quyền được xây dựng vào thời vua Tự Đức năm 27 (1873). Tại trung tâm của lăng có tấm bia đá khắc 4 chữ: “Tiền Ngô Vương lăng”. Hai bên là hai bức phù điêu hình tượng rồng bay mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Mặt sau được che chắn bằng bức phù điêu hình tượng mặt hổ phù.

Đền thờ Ngô Quyền có quy mô khiêm tốn. Đại bái gồm 5 gian, chính giữa treo bức hoành phi đề 4 chữ Hán: “Tiền vương bất vong”. Hậu cung là ngôi nhà dọc 3 gian, ở giữa bài trí tượng Ngô Quyền cùng long ngai, bài vị.

Văn Miếu Sơn Tây

Văn Miếu Sơn Tây được khánh thành vào năm 1892 (đời vua Thành Thái), tọa lạc tại thôn Văn Miếu (xã Đường Lâm) ngày nay. Di tích bao gồm tam quan, hồ nước, lầu chuông, lầu khánh, bái đường, tả - hữu vu, sân... được xây trên một trục thần đạo chạy theo hướng Bắc - Nam. Nơi đây thờ Khổng Tử cùng 4 học trò: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử và 72 vị hiền triết cùng các danh nhân khoa bảng của xứ Đoài.

Trải qua các cuộc chiến tranh, Văn Miếu Sơn Tây từng bị phá hủy, đến năm 2012 được phục dựng và trở thành điểm tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đình Văn Khê

Đình Văn Khê tọa lạc trên một thế đất đẹp của làng cổ Văn Khê (xã Xuân Sơn). Phía trước đình không xa là núi Đùm, gắn với truyền thuyết về Đức thánh Tản Viên Sơn - vị Đệ nhất phúc thần của người Việt xưa.

Đình Văn Khê được xây dựng vào năm Dương Hòa thứ 8 (1642). Đến thời Nguyễn, đình được tôn tạo thêm phần hậu cung nên kiến trúc tổng thể hiện nay theo kiểu hình chữ “Đinh”. Bên trong đình có những bức cốn đẹp được chạm theo lối bong kênh; trung tâmcủa bức cốn là mặt hổ phù, miệng ngậm viên ngọc quý. Hậu cung là nơi thờ Tam vị Tản Viên Sơn thánhvới khám thờ có 3 cỗ long ngai bài vị cổ, sơn son thếp vàng. Để tưởng nhớ công ơn của Đức thánh Tản, hằng năm, từ ngày 7 đến 10 tháng Hai là dịp diễn ra hội làng Văn Khê. Lễ hội không chỉ có ý nghĩa tinh thần mà còn mang tính giáo dục chân - thiện - mỹ cho con người.

Mộc Lam

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dau-xuan-ve-voi-son-tay-693175.html
Zalo