Đầu xuân tham gia lễ hội cổ xưa và độc đáo bậc nhất Hải Phòng

Màn 'kiệu bay' là một trong những phần đặc sắc được mong chờ nhất tại Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lưu giữ nguyên bản lễ hội cổ trăm năm

Từ 12/2 - 15/2 (tức từ 15 - 18 tháng Giêng), quận Hải An (Hải Phòng) sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm – căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 và tổ chức Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm năm 2025, kỷ niệm 1087 năm chiến thắng Bạch Đằng, 1081 năm ngày mất của Đức Vương Ngô Quyền.

Tượng Đức Vương Ngô Quyền trong Cụm di tích Từ Lương Xâm – căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng).

Tượng Đức Vương Ngô Quyền trong Cụm di tích Từ Lương Xâm – căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 (phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng).

Đền Lương Xâm được dựng ngay trên khu đất vốn là nơi Đức Vương Ngô Quyền đắp thành vành kiệu và đóng trại quân doanh tiền phương thuở trước. Nơi đây đang lưu giữ các hiện vật xuyên suốt thời kỳ dài hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc bao gồm: 125 hiện vật, cổ vật và 25 đạo sắc phong niên đại từ năm 1522 - 1924 của các triều đại Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Đặc biệt, trong từ còn lưu giữ 3 chiếc cọc - được cho là chứng tích của trận Bạch Đằng lịch sử năm 938.

Tượng ngài Đức Vương Ngô Quyền được đặt trong khám thờ trong cung cấm của đền.

Tượng ngài Đức Vương Ngô Quyền được đặt trong khám thờ trong cung cấm của đền.

Năm 2022, lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo lệ xưa, lễ hội Từ Lương Xâm diễn ra chủ yếu trong 3 ngày từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng. Tuy nhiên tùy từng năm trước 3 ngày chính lễ, từ ngày 13, 14, 15 tháng Giêng các hoạt động tế lễ đã được thực hiện nhằm tái hiện trọn vẹn không khí của lễ hội cổ xưa.

Hiện nay, các nghi thức tế lễ “tam dân” truyền thống, hợp tế hàng quận tiếp tục được chính quyền và Nhân dân quận Hải An bảo lưu và thực hiện, góp phần tạo nên không gian văn hóa tâm linh, gắn liền với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Từ Lương Xâm.

Ngày 17/1/2025, Thủ tướng ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938. Trước đó, ngày 11/2/2022, Bộ trưởng Văn hóa -Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống đó, năm 2025, lễ hội Từ Lương Xâm diễn ra với các nghi lễ truyền thống như: Lễ tế hàng tổng vào 8h, lễ rước truyền thống diễn ra từ 17h30 ngày 12/2 (tức ngày 15 tháng Giêng) và các hoạt động văn hóa sôi nổi: Giải thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ người, nhảy bao bố, viết thư pháp và các trò chơi dân gian.

Đặc biệt, lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm – Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 và khai mạc Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm năm 2025 được tổ chức vào 19h30 ngày 12/2. Nằm trong chương trình lễ đón nhận có chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với sự tham gia của 250 diễn viên, nghệ sỹ nổi tiếng đến từ các đoàn nghệ thuật của Trung ương, thành phố.

Độc đáo màn “kiệu bay” có một không hai

Nét độc đáo, khác với các lễ hội làng xã là nghi thức hành lễ với các đội tế “tứ linh từ” của Lương Xâm và một số di tích thờ Ngô Quyền thuộc quận Hải An về hợp tế tại Từ Lương Xâm cùng lễ rước truyền thống với sự tham gia của các đoàn rước của các làng có Di tích thờ Ngô Quyền như: Lương Xâm, Xâm Bồ Hạ Lũng, Hạ Đoạn… hội tụ về chầu trước cửa “Từ Cả” Từ Lương Xâm - một trong “tứ linh từ” linh thiêng của huyện cổ An Dương và là “tam linh từ” của quận Hải An ngày nay..

Lễ rước kiệu truyền thống gồm 7 đoàn thuộc các làng, các phường trong quận.

Lễ rước kiệu truyền thống gồm 7 đoàn thuộc các làng, các phường trong quận.

Lễ rước truyền thống gồm 7 đoàn rước Lương Xâm, đoàn rước Xâm Bồ phường Nam Hải và đoàn rước của các phường Đằng Hải, Tràng Cát, Đông Hải 1, Đông Hải 2, Đằng Lâm với đầy đủ các đồ tế, khí: cờ thần, chiêng, trống, chấp kích, bát âm, long đình, lọng, bát biểu, kiệu bát cống rước về “Từ Cả” - Từ Lương Xâm. Mỗi đoàn rước lên đến hàng trăm người là các bô lão, những nam thanh, nữ tú, Nhân dân ở các địa phương tổ chức rước kiệu với trên 100 đồ tế khí.

Đi đầu đoàn rước lễ là màn rước cờ, rước chiến thuyền và cọc Bạch Đằng với những nét đặc trưng tái hiện chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Tiếp ngay sau đó là tất thảy các đoàn rước mà đi đầu là đoàn của khu Nam Hải bắt đầu tiến về “Từ Cả” để làm các nghi lễ tế yết truyền thống.

Mang nét tâm linh độc đáo được nhiều người mong đợi nhất là màn “kiệu bay”, khi đi ngang qua khu vực Tượng đài Đức Vương Ngô Quyền, tạo hình ảnh ấn tượng, linh thiêng trong lễ hội…

Mang nét tâm linh độc đáo được nhiều người mong đợi nhất là màn “kiệu bay”, khi đi ngang qua khu vực Tượng đài Đức Vương Ngô Quyền, tạo hình ảnh ấn tượng, linh thiêng trong lễ hội…

Mang nét tâm linh độc đáo được nhiều người mong đợi nhất là màn “kiệu bay”, khi đi ngang qua khu vực Tượng đài Đức Vương Ngô Quyền, tạo hình ảnh ấn tượng, linh thiêng trong lễ hội… Ngay khi các đoàn rước đã tề tựu trước sân linh Từ, là màn múa lân sư rồng rộn rã.

Theo lời kể của các bậc cao niên, trước đây để chuẩn bị tốt cho hoạt động của lễ hội, ngay từ ngày 14 tháng Giêng, Nhân dân tổng Lương Xâm đã tiến hành các hoạt động tế lễ như: lễ trình, lễ mở cung, lễ mộc dục, lễ di cung thánh thượng, lễ an vị.

Sáng ngày 15 tháng Giêng, lễ rước thánh tượng ra đình Lương Xâm được tổ chức từ sáng sớm với nghi lễ thành kính, trang nghiêm cùng với sự tham gia nô nức của đông đảo Nhân dân trong vùng. Thánh tượng được rước ra đình để làm lễ và phụng thờ một đêm ở đó.

Thánh tượng được rước ra đình để làm lễ và phụng thờ một đêm ở đó.

Thánh tượng được rước ra đình để làm lễ và phụng thờ một đêm ở đó.

Tham gia lễ rước còn có đoàn rước của các làng lân cận cùng có di tích thờ Ngô Vương Quyền như đoàn rước của làng Hạ Lũng, làng Hạ Đoạn, làng Xâm Bồ… Đi đầu đoàn rước bao giờ cũng là đoàn của làng Lương Xâm, sau đó là Hạ Đoạn, Xâm Bồ, Hạ Lũng và các đoàn của các địa phương khác.

Sáng 16 tháng Giêng, tượng thánh được rước từ đình về Di tích Từ Lương Xâm làm đại tế với những nghi lễ truyền thống. Kể từ đây các hoạt động của lễ hội chính thức được bắt đầu.

Cũng theo các cụ già làng kể lại, trước đây, cứ 5 năm một lần, gặp thời “phong đăng hòa cốc”, mùa màng bội thu, Nhân dân no đủ thì mọi người dân ở các làng xã thuộc vùng An Dương cũ (diện tích Hải An ngày nay là một phần của An Dương trước đây) lại tưng bừng mở hội và hợp tế tại “Từ Cả” Lương Xâm.

Nghi thức hợp tế, hợp rước của các đội tế “Tứ linh từ” cùng đội tế của một số di tích ở các làng khác trong tổng được diễn ra bài bản, quy mô, nhịp nhàng và vô cùng cẩn trọng.

Nghi thức hợp tế, hợp rước của các đội tế “Tứ linh từ” cùng đội tế của một số di tích ở các làng khác trong tổng được diễn ra bài bản, quy mô, nhịp nhàng và vô cùng cẩn trọng.

Nghi thức hợp tế, hợp rước của các đội tế “Tứ linh từ” cùng đội tế của một số di tích ở các làng khác trong tổng được diễn ra bài bản, quy mô, nhịp nhàng và vô cùng cẩn trọng. Đứng chân chủ tế trong các dịp tế lễ này đích thân phải là chánh tổng. Sau lễ hợp tế, các đoàn mới cùng nghi vệ Thành hoàng của làng mình tỏa về các làng mở hội vui chơi, diễn trò “bách hý” và các trò chơi dân gian đặc sắc.

Theo UBND quận Hải An, công tác chuẩn bị tổ chức đang được khẩn trương hoàn thiện, để Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 và Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm năm 2025 diễn ra an toàn, trang trọng và vui tươi.

Minh Khang - Minh Hương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dau-xuan-tham-gia-le-hoi-co-xua-va-doc-dao-bac-nhat-hai-phong-ar924564.html
Zalo