Dấu ấn ngành Y trong thực hiện Nghị quyết 57
Ngành Y tế Thái Nguyên đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ chưa từng có, khi đồng loạt triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tích hợp sổ sức khỏe điện tử vào nền tảng định danh VNeID, kết nối dữ liệu y tế lên hệ thống quốc gia G-medical và phổ cập ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến từng cán bộ. Đó là những dấu ấn đậm nét trong hành trình hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tính đến tháng 5-2025.

Bệnh nhân đăng ký khám bệnh trên cây kiosk tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên.
Dấu ấn từ sự chỉ đạo thống nhất
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57-NQ/TW), UBND tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời cụ thể hóa bằng những kế hoạch hành động. Trong đó, Kế hoạch số 202/KH-UBND và Kế hoạch số 03/KH-TCTTKĐA đã xác định ngành y tế là một trong những lĩnh vực tiên phong trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh.
Sở Y tế Thái Nguyên đóng vai trò đầu mối điều phối triển khai. Hàng loạt văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn chuyên môn được ban hành liên tục, trong đó nhiều nội dung đi trước các tỉnh, thành khác như: Cảnh báo rủi ro an ninh mạng trong lĩnh vực y tế, bảo đảm an toàn dữ liệu bệnh án, hướng dẫn cài đặt phần mềm AI hỗ trợ công việc hành chính và chuyên môn, hay tích hợp thông tin y tế vào ứng dụng định danh VNeID.
Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế: Sự chỉ đạo không dừng ở cấp tỉnh, tại cấp huyện, các trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám tư nhân đều vào cuộc đồng bộ. Vai trò điều hành liên ngành được phát huy, tạo thành một “trục xuyên suốt” từ cấp tỉnh đến các trạm y tế xã, phường. Nhờ vậy, việc triển khai các hạng mục chuyển đổi số y tế không bị ngắt quãng mà hình thành được quy trình liên thông, thống nhất.
Chuyển đổi toàn diện
Một trong những điểm sáng lớn nhất của ngành Y tế tỉnh chính là việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (HSBAĐT). Toàn tỉnh hiện có 27 bệnh viện, trong đó có 3 bệnh viện thuộc bộ, ngành; 7 bệnh viện tư nhân; 17 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế. Tính đến ngày 10-5, toàn tỉnh có 12/17 bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế, 1/7 bệnh viện tư nhân hoàn thành triển khai HSBAĐT; 5 bệnh viện trực thuộc Sở còn lại đang gấp rút hoàn thiện và dự kiến hoàn thành trước ngày 20-5.

Bác sĩ Khoa Giải phẫu bệnh - Bệnh viện A sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ chẩn đoán xét nghiệm mô bệnh học.
Đây là một con số ấn tượng khi ở cùng thời điểm, cả nước mới có 174/1.700 cơ sở y tế công bố triển khai HSBAĐT. Ngoài ra, 100% bệnh viện tư nhân và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đều đã liên thông dữ liệu với Cổng Giám định Bảo hiểm xã hội, giúp rút ngắn thời gian xử lý, minh bạch hóa thủ tục thanh toán BHYT.
Đặc biệt, theo số liệu cung cấp của Bộ Y tế ngày 7/5/2025, Thái Nguyên đang xếp thứ 3 cả nước về tỷ lệ tích hợp sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) trên ứng dụng VNeID - một ứng dụng quốc gia cho phép người dân quản lý toàn bộ hồ sơ y tế, lịch sử điều trị, giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến ngay trên điện thoại. Với hơn 647 nghìn thẻ BHYT được tích hợp, 3,1 triệu lượt tra cứu thành công, Thái Nguyên đang tiến rất gần tới mục tiêu số hóa hoàn toàn hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Không dừng lại ở đó, tỉnh còn là một trong bốn địa phương đi đầu trong thí điểm G-medical - hệ thống điều phối dữ liệu y tế quốc gia. Tính đến đầu tháng 5-2025, hơn 248 nghìn hồ sơ y tế đã được đồng bộ lên hệ thống trung tâm. Đáng chú ý, 100% bệnh viện công - tư, cùng 71,4% phòng khám đa khoa đã hoàn thành kết nối. Đây là bước đi nền tảng để hình thành hệ sinh thái dữ liệu y tế quốc gia, phục vụ điều phối, dự báo và quản lý hệ thống y tế theo hướng minh bạch, chính xác, thời gian thực.
Những kết quả này không chỉ cho thấy năng lực triển khai, mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn của ngành Y tế tỉnh: Từng bước xây dựng nền y tế không giấy tờ, không chờ đợi, không lặp lại, phục vụ hiệu quả người dân.
Học để làm chủ công nghệ
Trong bức tranh chuyển đổi số, yếu tố con người luôn là then chốt. Nhận thức rõ điều đó, ngành Y tế Thái Nguyên không chỉ tập trung vào máy móc, phần mềm, mà đặt trọng tâm vào nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
Thực hiện Kế hoạch số 233/KH-UBND về “Bình dân học AI”, trong tháng 4-2025, ngành Y tế đã triển khai sâu rộng phong trào học tập, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc hàng ngày. Từ lãnh đạo bệnh viện đến điều dưỡng, nhân viên hành chính - tất cả đều được khuyến khích làm quen với các công cụ AI như ChatGPT, Copilot, phần mềm tóm tắt văn bản, tự động hóa thống kê báo cáo, dịch y khoa…

Khi chính thức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, các y bác sĩ sẽ không còn phải nhập nhiều loại giấy tờ để quản lý bệnh nhân như hiện nay.
Kết quả đến đầu tháng 5 cho thấy, hơn 5.500 người trong ngành đã tham gia chương trình, trong đó có nhiều cán bộ đã đạt đẳng 5. Hình ảnh quen thuộc tại nhiều bệnh viện là cán bộ mở máy tính luyện AI vào những lúc rảnh rỗi, hay ứng dụng AI viết kế hoạch khám sức khỏe lưu động, chuẩn bị nội dung truyền thông phòng bệnh, xây dựng quy trình tự động hóa tiếp nhận bệnh nhân…
Phong trào này không chỉ giúp giảm tải công việc thủ công, mà còn thay đổi tư duy làm việc: Từ “làm tay” sang “làm thông minh”, từ “phản ứng” sang “chủ động”. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngành y luôn áp lực cao, nhân lực mỏng.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là một văn bản định hướng, mà tại Thái Nguyên nghị quyết đã được cụ thể hóa thành kế hoạch, hành động và kết quả thực tế. Dưới sự điều hành thống nhất của UBND tỉnh và nỗ lực không ngừng của ngành y tế, mô hình y tế thông minh đang từng bước hình thành. Từ dữ liệu - bệnh án - hồ sơ sức khỏe - AI - nền tảng liên thông, tất cả tạo nên một hệ sinh thái y tế mới, lấy người dân làm trung tâm, lấy công nghệ làm công cụ, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo.
Kết quả bước đầu đạt được là rất đáng kể, song phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, như: Chuẩn hóa phần mềm giữa các tuyến, bảo mật hệ thống, đầu tư đường truyền, đào tạo nhân lực số chuyên sâu… Nhưng với những gì đã đạt, Thái Nguyên chắc chắn sẽ không chỉ tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu, mà còn có những bước tiến vững chắc trên con đường số hóa y tế.