Dấu ấn lịch sử từ chiếc xe tăng số hiệu 980

Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng, xe tăng mang số hiệu 980 đã cùng bộ binh quyết liệt đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy tại Buôn Ma Thuột, tháng 3.1975. Chiến công ấy góp phần mở đầu thắng lợi vang dội của Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt chiến lược cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân lịch sử.

 Trung tâm Ngã Sáu, TP. Buôn Ma Thuột nơi đặt mô hình mô hình chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 980

Trung tâm Ngã Sáu, TP. Buôn Ma Thuột nơi đặt mô hình mô hình chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 980

Những kỷ vật mang dấu ấn chiến thắng

Đầu tháng 4, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng - nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 đã trân trọng bàn giao những hiện vật quý giá gắn liền với chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3.1975. Đồng chí chính là người đã trực tiếp chỉ huy xe tăng T-54 mang số hiệu 980 - chiếc xe góp phần quan trọng trong việc đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy, mở đầu cho thắng lợi vang dội của Chiến dịch Tây Nguyên và tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng xúc động hồi tưởng lại thời khắc lịch sử ấy. Tháng 3.1975, khi giữ cương vị Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3), đồng chí cũng đồng thời là trưởng xe tăng 980. Đại đội của ông được giao nhiệm vụ then chốt, đột kích từ hướng Tây, đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy - mục tiêu mang tính quyết định để giành quyền kiểm soát toàn bộ thị xã Buôn Ma Thuột.

 Những kỷ vật gồm đài thông tin liên lạc P-123 trên xe tăng, 4 chiếc mũ chuyên dụng có gắn tai nghe và chiếc đồng hồ hành trình thời gian đã theo Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng suốt hơn nửa thế kỷ

Những kỷ vật gồm đài thông tin liên lạc P-123 trên xe tăng, 4 chiếc mũ chuyên dụng có gắn tai nghe và chiếc đồng hồ hành trình thời gian đã theo Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng suốt hơn nửa thế kỷ

Xe tăng mang số hiệu 980, dòng T-54B hiện đại bậc nhất thời bấy giờ, do Liên Xô sản xuất đã được Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng tiếp nhận từ Lạng Sơn, vượt qua hàng nghìn cây số trong hành trình hành quân kéo dài nhiều tháng để tiến vào chiến trường Tây Nguyên ác liệt. Trên xe là bốn chiến sĩ kiên trung, mỗi người đảm nhận một vị trí chiến đấu trọng yếu: đồng chí Đoàn Sinh Hưởng vừa là trưởng xe, vừa là Đại đội trưởng; đồng chí Mai Đình Mỹ phụ trách lái xe; đồng chí Phan Lạc Vinh giữ vị trí pháo thủ số 1 và đồng chí Nông Văn Vĩnh là pháo thủ số 2. Giữa khói lửa chiến trường, họ phối hợp chặt chẽ thông qua hệ thống thông tin liên lạc P-123, kết nối với chiếc mũ chuyên dụng có gắn tai nghe, máy nói để thường xuyên nắm bắt thông tin và liên lạc với nhau. Đây được xem là thiết bị sống còn trong môi trường chiến đấu đầy khói lửa và tiếng động cơ gầm rú.

 Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ về vai trò của các vật dụng, thiết bị trên xe tăng 980

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ về vai trò của các vật dụng, thiết bị trên xe tăng 980

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho biết, 4 chiếc mũ là hệ thống liên lạc nội bộ và với sở chỉ huy, giúp các xe trong đội hình tác chiến trao đổi thông tin theo nhiều tần số khác nhau. Với tầm quan trọng này, chiếc đài được đặt bên trái của trưởng xe tăng. “Nếu không có chiếc đài này thì xe tăng không hoạt động được. Bởi đây là hệ thống thông tin liên lạc để chỉ huy, tiếp nhận mệnh lệnh của cấp trên và chỉ đạo thực tế hành động. Ban đầu, khi mới tiếp nhận, không ai biết sử dụng chiếc đài này. Do đó, trên đường hành quân từ Lạng Sơn vào Buôn Ma Thuột, chúng tôi vừa học vừa khai thác để phát huy tối đa hiệu quả phục vụ chiến đấu”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể lại.

Ngoài những thiết bị chuyên dụng, trong khoang xe tăng 980 còn có một chiếc đồng hồ hành trình đặc biệt, là vật kỷ niệm đã theo Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng suốt hơn nửa thế kỷ, như biểu tượng cho ký ức thiêng liêng không thể phai mờ.

Từ chiến thắng Buôn Ma Thuột đến biểu tượng bất diệt

Rạng sáng 10.3.1975, dưới làn đạn ác liệt, xe tăng 980 cùng bộ binh tiến công qua cửa mở gần kho Mai Hắc Đế, nơi phòng tuyến kiên cố của địch được gia cố dày đặc bằng lô cốt. Tại đây, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Trong khi chiến sự diễn ra ác liệt, pháo 2 Nông Văn Vĩnh bị thương, buộc các chiến sĩ còn lại phải nhanh chóng hoán đổi vị trí tác chiến. Trưởng xe Đoàn Sinh Hưởng lúc này không chỉ chỉ huy mà còn trực tiếp vận hành pháo 1, kiên cường dẫn dắt đồng đội vượt lên.

 Xe tăng 980 húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Ngụy trong trận giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 11.3.1975. Ảnh tư liệu

Xe tăng 980 húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Ngụy trong trận giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 11.3.1975. Ảnh tư liệu

Khoảng 9h sáng 11.3.1975, xe tăng 980 là chiếc xe đầu tiên cùng bộ binh Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) đột kích vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy, đánh tan phòng tuyến then chốt của địch, tạo đà giải phóng toàn bộ thị xã Buôn Ma Thuột.

Dù bị thương vào chân bởi mảnh bom sáng 12.3, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng vẫn quyết tâm trở lại đơn vị ngay trong đêm để tiếp tục chỉ huy trận đánh tại thị xã Cheo Reo (tỉnh Phú Bổn, nay là thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Hành động ấy là minh chứng sống động cho tinh thần chiến đấu quật cường, vì độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

 Mô hình xe tăng T-54 mang số hiệu 980 trên Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột

Mô hình xe tăng T-54 mang số hiệu 980 trên Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, xe tăng 980 tiếp tục chiến đấu tại thị xã Cheo Reo. Đến giữa tháng 3.1975, xe được bàn giao cho đơn vị khác và đã bị bắn cháy tại khu vực cầu Xáng (nay thuộc huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để khắc ghi chiến công vang dội ấy, năm 1995, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột tại Ngã Sáu trung tâm thị xã (nay là trung tâm Ngã Sáu, TP. Buôn Ma Thuột) với hình ảnh biểu tượng là chiếc xe tăng mang số hiệu 980. Chiếc xe không chỉ là một phương tiện chiến đấu, mà đã trở thành tượng đài sống động của lòng quả cảm, của tinh thần thép và niềm tin tất thắng trong những ngày tháng không thể nào quên của dân tộc.

Djuang Niê

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dau-an-lich-su-tu-chiec-xe-tang-so-hieu-980-post409434.html
Zalo