Dù ai đi ngược về xuôi...

Những ngày này, dòng người từ khắp nơi đã tụ về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để thực hành tín ngưỡng Giỗ Tổ Hùng Vương.

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

Câu ca dao này, bao thế hệ người Việt thuộc nằm lòng. Đây không chỉ là lời nhắc về một sự kiện mà còn hiện thân cho di truyền văn hóa của dân tộc ta: không quên nguồn cội, luôn khắc ghi công đức tiền nhân. Vua Hùng là thỉ tổ của người Việt dòng giống "con Lạc cháu Hồng". Chủ tịch Hồ Chí Minh trong diễn ca "Lịch sử Việt Nam" đã khẳng định "Hồng Bàng là tổ nước ta". Qua mấy nghìn năm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đều được gìn giữ, muôn dân thành kính phụng thờ, thể hiện sâu sắc tình cảm và lòng tri ân đối với tổ tiên; cùng qua đó thắt chặt tinh thần đoàn kết toàn dân trong bảo vệ và dựng xây đất nước.

Tâm thức nguồn cội của người Việt Nam được thể hiện đa dạng. Thờ cúng tổ tiên là tập tục, tín ngưỡng hiển thị rõ nét nhất điều đó. Nó có từ ngàn xưa, từ buổi đầu của lịch sử dân tộc, mà chúng ta đã được kể qua huyền sử chàng Lang Liêu làm ra bánh chưng, bánh giầy để dâng cúng trời đất và tổ tiên. Bây giờ, trong gia đình người Việt Nam, ngoài ban thờ gia tiên còn thờ long thần, thổ địa. Ngoài sân có bàn thờ ông Thiên. Rộng hơn, chung phường nghề thì cùng thờ tổ nghề; chung làng xã thì thờ Thành hoàng, Tam phủ, Tứ phủ; cả vùng rộng lớn hơn thì thờ chung một vị phúc thần. Và rộng nhất, chung đất nước thì cùng thờ Quốc Tổ (Hùng Vương).

Ngay cả khi xã hội đã văn minh, hiện đại rồi thì tâm thức nguồn cội vẫn được kết nối bằng sợi dây truyền thống. Tại các đình làng, nhà thờ tộc trong Nam ngoài Bắc, chúng ta thường thấy bức hoành treo chính giữa, trên cao, khắc ba chữ "Triệu Cơ Từ", tức: nơi thờ dấu tích, nền móng đầu tiên; hoặc hai chữ "Triệu Tổ": tôn kính người đầu tiên khai sáng tộc họ; và hoành phi "Ẩm hà tư nguyên", tức: Uống nước nhớ nguồn, cũng khá phổ biến trong các nhà thờ tộc hoặc khắc trên thành giếng làng. Trong số các thiết chế làng xã truyền thống Việt Nam, có nơi nào kết nối nhân quần và giáo dục truyền thống hiệu quả, dễ thấm, dễ cảm bằng đình làng, bằng giếng nước? "Thứ nhất gần mẹ gần cha/ Thứ nhì gần giếng, thứ ba gần đình".

Đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc khốc liệt. Bao lớp ông cha, anh hùng - liệt sĩ không tiếc máu xương đã ngã xuống cho một Việt Nam oai dũng "rũ bùn đứng dậy sáng lòa". Những nghĩa trang liệt sĩ, những đài tưởng niệm tôn nghiêm ở mọi miền đất nước và chính sách chăm lo chu đáo cho gia đình có công cách mạng, thương - bệnh binh… hôm nay là bằng chứng cho lòng biết ơn vô hạn của thế hệ sau đối với sự hy sinh lớn lao đó.

Biết ơn nguồn cội, vì thế, không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sức mạnh mềm của dân tộc. Nó lý giải vì sao đất nước này, dân tộc này có đủ sức mạnh để vượt qua bao cuộc bể dâu, có lúc như "ngàn cân treo sợi tóc", để chiến thắng kẻ thù, giành độc lập, thống nhất, hòa bình; đẩy lùi đói nghèo, vươn mình phát triển, đem lại sự ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng.

Dương Quang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-ai-di-nguoc-ve-xuoi-196250406220220524.htm
Zalo