Cầu truyền hình 'Bản trường ca hòa bình': Sống dậy một thời hào hùng của dân tộc Việt Nam
Cầu truyền hình 'Bản trường ca hòa bình' không chỉ tái hiện những khoảnh khắc lịch sử hào hùng mà còn khiến khán giả nghẹn ngào qua lời kể của các nhân chứng.
Tối 6-4, Chương trình cầu truyền hình trực tiếp Bản trường ca hòa bình Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) diễn ra tại ba điểm cầu Hà Nội, Đắk Lắk và TP.HCM.

Cầu truyền hình 'Bản trường ca hòa bình' tại TP.HCM
Tham dự tại điểm cầu TP.HCM có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Thượng tướng Trần Đơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM; Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM…
Gợi nhớ một thời oanh liệt của dân tộc
Theo ban tổ chức (BTC), 3 điểm cầu của Bản trường ca hòa bình mang ý nghĩa lớn.
Cụ thể, Hà Nội biểu trưng cho sự chỉ đạo, quyết tâm thực hiện chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Buôn Ma Thuột biểu trưng cho Chiến thắng Buôn Ma Thuột (ngày 10-3-1975), mở màn thắng lợi, tạo bước ngoặt lịch sử cho Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Hội trường Thống Nhất là biểu tượng của chiến thắng, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, là nơi đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hình ảnh cha ông thế hệ đi trước được gợi nhắc
Qua 3 điểm cầu, bức tranh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được tái hiện một cách chân thực với những hi sinh mất mát của cha ông thế hệ đi trước. Họ đã đánh đổi xương máu để có được hòa bình như hôm nay.
Tại điểm cầu Đắk Lắk, Trung tướng, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 9 Trung đoàn Tăng thiết giáp 273 Quân đoàn 3 (năm 1975) bày tỏ sự xúc động khi được trở lại nơi mình từng chiến đấu khi chỉ vừa 25 tuổi cùng đồng đội chỉ vừa mới đôi mươi.

Trung tướng, AHLLVTND Đoàn Sinh Hưởng
"Sau 50 năm trở lại đây tôi rất tự hào phấn khởi khi đất nước đổi mới, TP Buôn Ma Thuột khang trang nhưng tôi cũng bồi hồi khi nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống trước cửa ngõ Buôn Ma Thuột để chúng ta có được ngày hôm nay. Hòa bình ngày hôm nay là công sức và cả xương máu của người đi trước" - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bày tỏ.

"Hòa bình rồi, về nhà thôi! Mẹ chờ"
Tại cầu truyền hình Bản trường ca hòa bình điểm cầu TP.HCM, khán giả được giao lưu với Đại tá, AHLLVTND Từ Đễ và nhà báo Trần Mai Hưởng, họ là những chứng nhân lịch sử chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của ngày thống nhất.
Nhớ về giai đoạn lịch sử đó, Đại tá, AHLLVTND Từ Đễ cho biết ông và bố mình cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đại tá, AHLLVTND Từ Đễ
"Bố tôi tham gia hỗ trợ công tác hậu cần cho chiến dịch. Còn tôi lúc đấy đang là phi công thuộc phi đội Quyết thắng.
Tôi nhớ đầu tháng 4 -1975, bố tôi đã linh cảm tới ngày giải phóng đang đến rất gần nên từ Tây Nguyên bố tôi điện ra Hà Nội đặt may lễ phục cho cán bộ chiến sĩ duyệt binh trong ngày đầu thống nhất đất nước.
Còn với tôi, ngày 28-4, tôi và phi đội nhận nhiệm vụ là sử dụng chính máy bay thu được của địch ném bom vào khu vực bãi đậu trực thăng sân bay Tân Sơn Nhất.
Chúng tôi được lệnh của trên là tuyệt đối không ném bom vào đường băng, nhà ga dân sự,… với mong muốn gửi tới đối phương thông điệp là "các ông hãy về với quê hương của mình đi và trả lại hòa bình cho chúng tôi".
Đến ngày 5-4 thì hai cha con tôi đã gặp lại nhau trong niềm vui thống nhất đất nước, và cha vỗ vai nói với tôi là “Hòa bình rồi, về nhà thôi! Mẹ chờ" - Đại tá, AHLLVTND Từ Đễ kể.


Các bạn trẻ xúc động với câu chuyện của các chứng nhân lịch sử
Bên cạnh đó, cựu chiến binh Trần Bình Yên, Nguyễn Ngọc Quý, những chiến sĩ lái xe tăng tiến vào dinh Độc Lập năm xưa cũng có mặt tại chương trình.
Chia sẻ cảm xúc, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quý bày tỏ nỗi nhớ về các đồng đội đã ngã xuống. Ông cũng khóc nấc khi nhắc về những hi sinh mất mát của đồng đội. "Những người con không được về với mẹ" - cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quý nghẹn ngào.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quý (giữa)
Vang mãi khúc ca khải hoàn
Cầu truyền hình Bản trường ca hòa bình quy tụ đông đảo dàn nghệ sĩ gồm NSND Tạ Minh Tâm, NSUT Phạm Thế Vỹ, ca sĩ Võ Hạ Trâm, Vũ Thắng Lợi, Đăng Dương, Y Joel Knul, Viết Danh, Đỗ Tố Hoa, Đào Tố Loan, Hoàng Hồng Ngọc...
NSND Tạ Minh Tâm thể hiện ca khúc Đất nước trọn niềm vui
Với thời lượng 120 phút, Bản trường ca hòa bình đã tái hiện hành trình 21 năm gian khổ hi sinh nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam qua những thước phim, trong đó cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 chính là chương đẹp nhất và rực rỡ nhất.
Khán giả cũng được thưởng thức những ca khúc đi cùng năm tháng như Dậy mà đi, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người,Miền Nam nhớ mãi ơn Người, Lời ca dâng Bác, Tiến về Sài Gòn, Đất nước trọn niềm vui, Màu hoa đỏ, Đất nước…
Bên cạnh đó là những ca khúc được khoác lên bản phối mới gồm Lá xanh, Nổi lửa lên em, Tiếng chày trên sóc Bom Bo.
Đặc biệt là phần trình diễn độc đáo ánh sáng 3D mapping với chủ đề Miền Nam - Thành đồng Tổ quốc và sự phát triển của đất nước lên mặt tiền công trình kiến trúc di tích lịch sử dinh Độc Lập.