Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn: Học sinh nhận thức hơn về giá trị độc lập dân tộc

Hòa trong không khí cả nước hướng về các ngày kỷ niệm lịch sử lớn của dân tộc, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức đa dạng hoạt động nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị của độc lập dân tộc, từ đó có ý thức tự hào, phấn đấu trở thành người có ích.

Tưởng nhớ công ơn các vua Hùng

Tuần qua, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TPHCM) tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương lồng ghép hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học với chủ đề “Tự hào Việt Nam” nhằm giáo dục học sinh tinh thần yêu nước, biết quý trọng công ơn của các thế hệ đi trước. Lần lượt các tác phẩm văn học về lịch sử trong chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc như truyền thuyết Con rồng cháu tiên, tác phẩm Nam quốc sơn hà, những hình ảnh kiên cường về nữ anh hùng Võ Thị Sáu… đã được học sinh các khối 6, 7, 8, 9 tái hiện lại bằng hình thức sân khấu hóa. Hoạt động nhằm giúp học sinh bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương, đất nước, đồng thời có hứng thú tìm hiểu các tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm văn học về chủ đề lịch sử.

Tương tự, tại Trường Mầm non Anh Đào (quận Gò Vấp), lễ Giỗ tổ Hùng Vương với nhiều hoạt động phong phú giúp học sinh cùng nhau ôn lại truyền thống uống nước nhớ nguồn. Bên cạnh các tiết mục văn nghệ đặc sắc, học sinh còn được tham gia lễ rước cờ, dâng lễ vật lên bàn thờ tưởng nhớ công ơn các vua Hùng. Lễ vật gồm bánh chưng, bánh giầy, hoa quả và hương trầm, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Không khí buổi lễ càng trở nên trang trọng khi học sinh toàn trường tham gia đồng diễn tiết mục Nổi trống lên, tái hiện hình ảnh hào hùng, quật cường của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), hội thi trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam do Tổ bộ môn Địa lý phối hợp Đoàn trường tổ chức với chủ đề “Tỏa sáng bản sắc” giúp học sinh hiểu rõ hơn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó thể hiện lòng biết ơn, xác định ý thức trách nhiệm. Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập, việc giáo dục học sinh các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những hình thức góp phần giúp lưu giữ và phát triển các giá trị lịch sử.

Hướng về ngày thống nhất đất nước

Mới đây, 215 học sinh khối 5 Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11) đã có tiết mục đồng diễn ấn tượng tại Ngày hội Thiếu nhi vui khỏe nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Ngoài ra, giáo viên và học sinh toàn trường còn tham gia dâng hương tại Bia tưởng niệm an ninh T4 (quận 11, TPHCM).

Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, chia sẻ, thông qua các hoạt động, nhà trường mong muốn tuyên truyền, giáo dục học sinh ý nghĩa lịch sử của cột mốc kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó, học sinh được khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, biết quý trọng nền độc lập, tự do của nước nhà để có thêm động lực phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, không phụ công ơn của các thế hệ đi trước.

 Học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học An Lạc 3 (quận Bình Tân, TPHCM) tham gia hoạt động kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học An Lạc 3 (quận Bình Tân, TPHCM) tham gia hoạt động kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Với cách làm khác, thầy Lê Quang Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1, Trường Tiểu học An Lạc 3 (quận Bình Tân) tổ chức cho học sinh xem phim tài liệu về chiến dịch giải phóng miền Nam, hình ảnh về chiến thắng 30-4-1975 lịch sử, học sinh cùng ghép tranh về bản đồ Việt Nam, thiết kế thiệp in hình cờ đỏ sao vàng.

Thông qua các hoạt động, giúp học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày 30-4 lịch sử, hình thành lòng biết ơn và trách nhiệm đối với đất nước, có ý thức tốt hơn trong học tập. Hoạt động không chỉ giúp học sinh tiếp cận các bài học lịch sử một cách sinh động mà còn góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm, phát triển năng lực và phẩm chất cho các em. Đặc biệt, hoạt động ghép tranh và làm thiệp giúp học sinh có thêm sự yêu thích, chủ động tìm hiểu các sự kiện, nhân vật lịch sử của nước nhà. Đây là một trong những hình thức đổi mới phương pháp dạy học thông qua trò chơi và hoạt động, giúp không khí lớp học trở nên sôi động, học sinh tiếp thu kiến thức một cách chủ động, gia tăng hiệu quả về kỹ năng, kiến thức cho các em.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM DƯƠNG TRÍ DŨNG:

Hoạt động kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương là một trong những hoạt động hàng năm của các trường học. Tùy vào điều kiện thực tế, trường học chủ động lồng ghép tổ chức các hoạt động dưới cờ, chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa... bằng nhiều hình thức sinh động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, qua đó giáo dục học sinh về cội nguồn dân tộc, biết thể hiện lòng tự hào, ghi nhớ công ơn của các thế hệ tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Trường học tổ chức kết hợp phần “lễ” với phần “hội” một cách trang nghiêm, thiết thực, không phô trương, lãng phí với nhiều hoạt động văn nghệ, kể chuyện, đố vui có thưởng… nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh.

MINH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/to-chuc-nhieu-hoat-dong-ky-niem-cac-ngay-le-lon-hoc-sinh-nhan-thuc-hon-ve-gia-tri-doc-lap-dan-toc-post789505.html
Zalo