Đất 'nở hoa' sau nửa thế kỷ hòa bình
Ngót nửa thế kỷ trôi qua, vết thương chiến tranh trên mảnh đất Quảng Trị dần liền lại. Đất bom đạn giờ trở nên hiền hòa, được bồi dưỡng chăm chút cho đơm hoa kết trái.
Vượt qua dông bão
Người ta có thể viết cả tập tiểu thuyết dày cộp về cái khó, cái khổ của con người Quảng Trị sau ngày giải phóng, dễ lắm! Bởi nó quá nhiều tư liệu sống hiển hiện trong đời sống thường nhật. Người đến thăm Quảng Trị rồi trở về không khỏi bùi ngùi thương xót và chính con người Quảng Trị đôi khi bất lực phó mặc cho số phận.
Có một thời, đất nông nghiệp, gia tài lớn nhất-phần lớn ẩn trong lòng hàng triệu tấn bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau nhiều cuộc chiến vệ quốc ác liệt, nơi hiếm hoi canh tác được thì nhỏ lẻ, manh mún, gần sông biển thì phèn, mặn, đắng, chua. Thử thách bản lĩnh con người, có một thời, hè nắng cháy da cháy thịt, gió Lào thổi qua dãy Trường Sơn vụt vào mảnh đất nhỏ bé, hết nắng nóng sang mưa bão, ngọn gió Đông Bắc trực chỉ vuông góc với bờ biển dài hàng chục cây số, dông gió, lũ lụt, mất mùa làm cho cái nghèo, cái khó bó chặt cái khôn.

Công trường xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy.
Có một thời, người ta ngại bỏ tiền đầu tư vào Quảng Trị, bởi vì rủi ro thiên tai, bởi vì con người tinh túy hiếm khi chọn ở lại, bởi vì thiếu hạ tầng, bởi vì Quảng Trị không có lợi thế cạnh tranh như các địa phương bạn và vô số thứ khó khăn hiển hiện ra trước mắt. Có một thời, không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp đến rồi lẳng lặng ra đi, những gì đọng lại chỉ là phác thảo đại khái trên bàn làm việc. Từng một thời gian dài, người lạc quan nhất cũng không tin Quảng Trị sẽ có sân bay, đường cao tốc,... vài nghìn tỷ đồng; cảng nước sâu, nhiệt điện vài tỷ USD.
Khoảng hai thập kỷ trước, báo cáo kinh tế-xã hội cho thấy sự bế tắc: Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, sản xuất hàng hóa chưa phát triển, hoạt động du lịch còn ở dạng sơ khai, kết cấu hạ tầng yếu kém... Và dĩ nhiên, không thể thiếu nguyên nhân do hậu quả chiến tranh để lại còn nặng nề.
Và do vậy, từng có một thời, bạn bè tứ phương chỉ biết đến Quảng Trị bởi “thương hiệu khó khăn”. Cũng chỉ tại Quảng Trị đã từng hy sinh quá nhiều. Nhưng rồi những khó khăn mang tính “lịch sử cụ thể” dần lùi vào quá khứ. Từng bước, từng bước một, dẫu chậm nhưng Quảng Trị giờ đây đang rũ mình đứng dậy.
Tiến vào kỷ nguyên mới
Năm 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm Quảng Trị trong hai ngày 15 và 16-10. Khi đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thể hiện tinh thần hết mình hỗ trợ địa phương bắt tay thực hiện các dự án lớn bị “mắc kẹt” lâu nay. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với các đề xuất của tỉnh về xây dựng đề án phát triển kinh tế-xã hội.
Từ núi cao xuống bờ biển, từ phía Tây sang phía Đông tỉnh Quảng Trị đang đổi thay từng ngày nhờ hàng loạt dự án lớn. Điều đó không hề là viển vông, những đánh giá “một thời” bây giờ trở lại “đương thời” không hoàn toàn đúng. Công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng, khai thông ra biển lớn, mở cửa bầu trời, kết nối Đông-Tây, Nam-Bắc, kết nối trong nước và khu vực, quốc tế,... đang hình thành với tốc độ nhanh.
Tần suất doanh nghiệp lớn đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Quảng Trị ngày một dày, báo hiệu thời kỳ địa phương sẽ vươn lên cùng đất nước. Mọi thứ như bung ra sau thời kỳ dài dồn nén. Hàng loạt “siêu công trình” như: Cảng nước sâu Mỹ Thủy hơn 14.000 tỷ đồng; sân bay Quảng Trị hơn 5.800 tỷ đồng, Khu công nghiệp Quảng Trị (QTIP) hơn 2.000 tỷ đồng, Khu kinh tế Lao Bảo - Đen-sa-vẳn (Lào), trung tâm logistics, năng lượng xanh, siêu đô thị nghỉ dưỡng... bắt đầu cho thành quả.
Một trong những điểm nhấn động lực là cảng nước sâu Mỹ Thủy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2026 với 10 bến cảng đón tàu quốc tế. Có ý nghĩa như một “cú hích” xua tan hoài nghi rằng, Quảng Trị khó vươn lên do tiềm lực hạn chế. Tương lai gần, nhà đầu tư MTIP đặt ra chiến lược phát triển Mỹ Thủy thành cảng đa dụng tổng hợp trung chuyển khoáng sản, dăm gỗ, sản phẩm công nghiệp-đóng vai trò trung tâm logistics tầm cỡ khu vực.
Giờ đây, một vùng cát trắng mênh mông hoang vu ven biển từ Hải Lăng đến Cửa Tùng (Vĩnh Linh) đã mọc lên nhiều dự án lớn, đã được thổi vào luồng sinh khí mới, mang dáng dấp những ngành công nghiệp hiện đại, biểu tượng cho khát vọng đưa Quảng Trị tiến vào kỷ nguyên mới cùng dân tộc. Tháng 7-2024, Quảng Trị đã chạm tay vào giấc mơ “mở cửa bầu trời”. Hơn 15 năm ấp ủ, cảng hàng không Quảng Trị đã khởi công, đón thêm luồng sinh khí tăng trưởng phát triển mới. Công trình này trực tiếp giải quyết khó khăn kinh điển “hạ tầng yếu và thiếu”.
Vùng kinh tế phía Tây từng ngày thay da đổi thịt, giúp địa phương hoạch định chiến lược phát triển kinh tế biên mậu. Hoạt động thương mại qua hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay bùng nổ kéo theo nhiều tín hiệu tích cực. Không chỉ đóng góp phần ngân sách rất lớn cho địa phương mà còn thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
“Con đường khoáng sản” Việt-Lào đang thúc đẩy cao tốc Lao Bảo-Cam Lộ; gió Lào được vận dụng chuyển thành ngành công nghiệp năng lượng “sạch”, hình thành 6 trung tâm logistics dọc các hành lang kinh tế Đông-Tây. Sức bật kinh tế phía Tây không chỉ mở ra con đường cái quan kết nối quốc tế mà còn bảo đảm quốc phòng, an ninh, với vai trò địa chính trị-kinh tế đặc biệt quan trọng. Công nghiệp du lịch từ chỗ sơ khai đến thương hiệu đặc chủng được biết đến rộng rãi. Ví dụ tour DMZ, nâng cấp “Ngày hội thống nhất non sông” thành “Lễ hội vì hòa bình”, đô thị du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Không chỉ là kinh tế ban ngày mà kinh tế đêm cũng bắt đầu khai mở tiềm năng phát triển.
Tháo điểm nghẽn... hiện đại!
Với tấm lòng chung tay của cả nước, sự quan tâm sâu sát từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Quảng Trị từng bước thoát khỏi ràng buộc khó khăn của quá khứ, song đang đối diện với chuỗi vấn đề mang tính hiện đại, đó là năng lực cạnh tranh, thủ tục hành chính doanh nghiệp, chuyển đổi số, tính năng động sáng tạo của đội ngũ thừa hành công việc, cũng như nguồn nhân lực chất lượng,... Để Quảng Trị vươn lên trong “thiên thời” và “địa lợi” cần có “nhân hòa”-với ý chỉ con người là trung tâm của mọi chiến lược, mục tiêu. Khi các nhà lãnh đạo tạo ra niềm tin, cho thấy sự chân thành, doanh nghiệp sẽ bắt tay vào việc. Trong chiến tranh có thể một lòng đoàn kết, nay hòa bình lẽ dĩ nhiên phải nâng tầm mức đoàn kết!
Tháng 1-2022, khởi công Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị xúc động nói: “Tôi thực sự vui mừng khi cả một vùng đất rộng lớn bời bời cát trắng, cái nắng, cái gió cùng cái nghèo cứ bám lấy cư dân bản địa bao đời, giờ đang đổi thay”.
Mọi chiến lược lớn sẽ chẳng đến đâu nếu không bắt đầu từ những công việc cụ thể nhất. Doanh nghiệp sợ nhất là môi trường đầu tư kém an toàn, thiếu cam kết lâu dài. Còn rất nhiều “rào cản” tưởng chừng nhỏ nhặt, đòi hỏi lãnh đạo địa phương thực tâm, thực lòng để gieo niềm tin.