Luật bao bì EU: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp toàn cầu
Liên minh châu Âu (EU) đang tiên phong cải cách ngành bao bì toàn cầu với các quy định mới nhằm giảm rác thải và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Mỗi người dân EU tạo ra gần 180 kg rác thải bao bì mỗi năm, trong đó 40% là nhựa nguyên sinh và 50% giấy được dùng cho đóng gói. Trước thực trạng này, EU khởi động cải cách toàn diện, tập trung vào 'thiết kế để tái chế', thay đổi cách sản xuất, sử dụng và tái sử dụng bao bì...
Liệu ngành bao bì toàn cầu sẽ thích ứng thế nào với chính sách mới? Doanh nghiệp tiên phong về bền vững chuẩn bị ra sao? Ông Markus Dahl, Giám đốc Quản lý Sản phẩm tại Ecolean - công ty Thụy Điển dẫn đầu với giải pháp bao bì nhẹ, tiết kiệm tài nguyên - chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

Ông Markus Dahl, Giám đốc quản lý sản phẩm tại Ecolean.
Ecolean đang chuẩn bị như thế nào để đáp ứng các quy định mới của Eu về rác thải bao bì?
Luật bao bì mới tạo thách thức cho chuỗi giá trị ngành, nhưng cũng mở ra cơ hội hướng tới mô hình tuần hoàn, giảm lãng phí. Ecolean tiếp cận vấn đề với sự linh hoạt, chủ động và khả năng thích ứng cao, đảm bảo sẵn sàng trước mọi thay đổi pháp lý.
Đâu là thách thức lớn nhất đối với ngành và riêng với Ecolean?
Thách thức chung của ngành là, dù quy định có hiệu lực từ đầu năm 2025 yêu cầu mọi bao bì phải đạt chuẩn tái chế, hướng dẫn thiết kế và phương pháp đánh giá cụ thể chỉ được công bố vào năm 2028. Điều này khiến doanh nghiệp thiếu cơ sở rõ ràng để triển khai. Ngoài ra, việc tích hợp nhựa tái chế đạt chuẩn tiếp xúc thực phẩm gặp khó khăn do nguồn cung vật liệu này còn hạn chế.
Với Ecolean, thách thức lớn nhất là chuyển đổi từ vật liệu kết hợp dolomite và polymer sang mono-material polymer - một thay đổi mang tính cách mạng, ảnh hưởng cả sản phẩm và quy trình sản xuất.

Bao bì dạng túi cho thực phẩm lỏng do Ecolean phát triển.
Vậy còn cơ hội thì sao?
Ví dụ, quy định EU thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sử dụng nguyên liệu sau tiêu dùng, nâng cao tiêu chuẩn thiết kế sinh thái, đầu tư hạ tầng tái chế và đồng bộ phân loại rác. Với Ecolean, đây là đòn bẩy để đạt mục tiêu tái chế và kinh tế tuần hoàn.
Đến năm 2030, toàn bộ bao bì của Ecolean tại châu Âu sẽ tuân thủ “thiết kế để tái chế”, sử dụng ít nhất 10% polymer tái chế hoặc tái tạo, và phát triển hạ tầng hỗ trợ giải pháp bao bì. Các mục tiêu này định hình chiến lược toàn cầu của doanh nghiệp, dựa trên chính sách mới nhất từ EU.
Mono-material đóng vai trò như thế nào trong việc tái chế?
Vật liệu đơn chất (mono-material) là chìa khóa cho tái chế hiệu quả. Ít vật liệu pha trộn giúp bao bì dễ phân loại và tái chế, tạo nguyên liệu chất lượng cao cho vòng đời sản phẩm tiếp theo. Mono-material có giá trị lớn với đối tác tái chế vì chúng tiết kiệm chi phí hơn trong quá trình tái chế, và Ecolean đang phát triển bao bì tuần hoàn thực sự để đáp ứng toàn diện quy định EU.
Hợp tác có vai trò ra sao trong chiến lược của Ecolean?
Phối hợp với đối tác trong chuỗi giá trị, hiệp hội ngành, thậm chí đối thủ, là thiết yếu để thích nghi với luật mới và ảnh hưởng quá trình xây dựng chính sách. Ecolean không thể đơn độc, mà cần hợp tác chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp và các bên liên quan.
Ecolean là thành viên của CEFLEX (Kinh tế tuần hoàn cho bao bì mềm) và Europen (Tổ chức châu Âu về bao bì và môi trường), đồng thời tham gia Viện Tiêu chuẩn Thụy Điển (SIS) để xây dựng bộ tiêu chuẩn mới.
Luật mới của EU sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành bao bì toàn cầu?
Dù một số yếu tố chưa rõ ràng, việc các công ty điều chỉnh thiết kế bao bì theo quy định EU sẽ tạo ảnh hưởng vượt biên giới châu Âu. Nhiều thương hiệu đang xây dựng hướng dẫn nội bộ dựa trên luật EU và áp dụng toàn cầu. Các quốc gia khác cũng theo dõi sát sao để học hỏi hoặc lấy làm chuẩn mực tham chiếu.

Bao bì Ecolean thường ứng dụng cho sữa, sữa chua, đồ uống không ga, nước trái cây, sữa dừa, thạch…
Định hướng của Ecolean trong năm 2025 và những năm tới là gì?
Ecolean hiện đang phát triển và thử nghiệm các ý tưởng bao bì mới với khách hàng chiến lược để tìm giải pháp phù hợp với luật mới và nhu cầu thị trường. Công ty cam kết dẫn đầu trong bao bì nhẹ, bền vững, góp phần vào kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng ít vật liệu hơn.
Thỏa thuận Xanh châu Âu: Chấm dứt thời kỳ bao bì sử dụng lãng phí
Như một phần trong Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal), EU đã thông qua một bộ quy định mới về bao bì với mục tiêu cắt giảm rác thải và thúc đẩy việc tái sử dụng. Quy định mới đưa ra các mục tiêu ràng buộc về tỷ lệ tái chế, hạn chế bao bì dùng một lần, giảm khối lượng bao bì và yêu cầu bao bì phải có khả năng tái chế.
Đáng chú ý, Quy định về Bao bì và Rác thải bao bì – chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2025 nêu rõ tất cả bao bì được đưa ra thị trường châu Âu phải được thiết kế để có thể tái chế vào năm 2030. Quy định này cũng đặt ra mục tiêu tỷ lệ tái chế tối thiểu, mục tiêu tái sử dụng vào năm 2030 và 2040, đồng thời siết chặt yêu cầu về ghi nhãn, thành phần vật liệu để nâng cao tính bền vững và nhận thức người tiêu dùng.