Đất hiếm của Ukraine và lý do Tổng thống Donald Trump muốn chúng

Tổng thống Trump muốn Ukraine cung cấp đất hiếm để đổi lấy hỗ trợ tài chính, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump ngày 3/2 tuyên bố muốn Ukraine cung cấp đất hiếm cho Mỹ để đổi lấy sự hỗ trợ tài chính từ Washington trong cuộc chiến chống Nga.

 Một khu khai thác đất hiếm tại Ukraine. Ảnh: INF

Một khu khai thác đất hiếm tại Ukraine. Ảnh: INF

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với Reuters rằng ông sẵn sàng ký thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump, trong đó Mỹ sẽ tham gia khai thác các mỏ đất hiếm và khoáng sản quan trọng của Ukraine.

Trước đó, Zelenskiy đã đưa ra đề xuất này trong chiến lược "kế hoạch chiến thắng", được trình bày với các đồng minh của Kyiv, bao gồm cả ông Trump, vào mùa thu năm ngoái. Một trong những nội dung của kế hoạch này là hợp tác với các đối tác quốc tế để cùng khai thác nguồn tài nguyên chiến lược của Ukraine.

Hiện chưa rõ liệu ông Trump đề cập đến tất cả các loại khoáng sản quan trọng hay chỉ riêng đất hiếm. Ông cho biết Mỹ muốn đạt thỏa thuận với Ukraine liên quan đến "đất hiếm và một số tài nguyên khác".

Vai trò của đất hiếm và sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Đất hiếm là nhóm 17 kim loại có vai trò quan trọng trong sản xuất nam châm – thành phần giúp chuyển hóa năng lượng thành chuyển động trong xe điện, điện thoại di động, hệ thống tên lửa và các thiết bị điện tử khác. Đây là loại khoáng sản không thể thay thế.

Trung Quốc, quốc gia từng bị ông Trump đe dọa áp đặt các biện pháp thương mại, hiện là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) xếp 50 loại khoáng sản vào danh sách khoáng sản quan trọng, trong đó có nhiều nguyên tố đất hiếm, cũng như nickel và lithium.

Ukraine sở hữu 22 trong số 34 loại khoáng sản mà Liên minh châu Âu (EU) coi là quan trọng, theo dữ liệu của Bộ Kinh tế nước này. Nguồn tài nguyên này bao gồm vật liệu công nghiệp, kim loại ferro, kim loại quý, kim loại màu và một số nguyên tố đất hiếm. Ukraine cũng có trữ lượng than đáng kể, nhưng phần lớn đã nằm dưới quyền kiểm soát của Nga tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Những tài nguyên đất hiếm của Ukraine

Ukraine không chỉ là "vựa lúa của châu Âu" mà còn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là các nguyên tố cần thiết cho công nghiệp quốc phòng, công nghệ cao, hàng không vũ trụ và năng lượng xanh.

Theo Viện Địa chất Ukraine, nước này có các nguyên tố đất hiếm như lanthanum và cerium, được dùng trong màn hình tivi và hệ thống chiếu sáng; neodymium, ứng dụng trong tuabin gió và pin xe điện; erbium và yttrium, có mặt trong các lò phản ứng hạt nhân và thiết bị laser. Một nghiên cứu do EU tài trợ cũng chỉ ra rằng Ukraine có trữ lượng scandium, nhưng dữ liệu chi tiết vẫn được giữ kín.

Tổng thống Zelenskiy cho biết Nga đã chiếm khoảng một nửa trữ lượng đất hiếm của Ukraine. Trong khi đó, giới phân tích nhận định Ukraine chưa có mỏ khai thác đất hiếm nào đang hoạt động ở quy mô thương mại.

Ngoài đất hiếm, Ukraine còn sở hữu trữ lượng titan và uranium lớn nhất châu Âu. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nước này cũng là nguồn cung tiềm năng của lithium, beryllium, mangan, gallium, zirconium, graphite, apatite, fluorite và nickel.

Cơ quan Địa chất Ukraine ước tính nước này có khoảng 500.000 tấn lithium, nguyên liệu thiết yếu trong sản xuất pin, gốm sứ và thủy tinh. Trữ lượng titan tập trung chủ yếu ở tây bắc và trung tâm Ukraine, trong khi lithium nằm rải rác ở miền trung, đông và đông nam.

Ukraine cũng sở hữu 20% trữ lượng graphite toàn cầu, thành phần quan trọng trong pin xe điện và lò phản ứng hạt nhân. Các mỏ graphite nằm chủ yếu ở miền trung và tây nước này.

Những tài nguyên nào vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kyiv?

Chiến sự đã gây tổn thất nghiêm trọng cho Ukraine, với khoảng 20% lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát. Phần lớn các mỏ than của nước này từng là nguồn nhiên liệu chính cho ngành thép nằm ở miền đông và hiện đã thất thủ.

Theo ước tính của các tổ chức nghiên cứu Ukraine, bao gồm We Build Ukraine và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, khoảng 40% trữ lượng kim loại của nước này đã rơi vào tay Nga, tính đến giữa năm 2024. Tuy nhiên, các tổ chức này không cung cấp số liệu chi tiết.

Từ thời điểm đó đến nay, Nga tiếp tục mở rộng quyền kiểm soát tại vùng Donetsk ở miền đông. Tháng 1/2025, Ukraine phải đóng cửa mỏ than luyện cốc duy nhất còn lại gần thành phố Pokrovsk, nơi đang bị quân đội Nga bao vây.

Ngoài than, Nga cũng đã kiểm soát ít nhất hai mỏ lithium của Ukraine – một ở Donetsk và một ở Zaporizhzhia, vùng đông nam đất nước. Dù vậy, Kyiv vẫn giữ được các mỏ lithium ở tỉnh Kirovohrad, miền trung Ukraine.

Cơ hội và thách thức trong khai thác khoáng sản của Ukraine

Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Oleksiy Sobolev cho biết chính phủ đang đàm phán với các đồng minh phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Italy, về các dự án khai thác khoáng sản quan trọng. Chính quyền Kyiv ước tính lĩnh vực này có thể thu hút tổng vốn đầu tư từ 12 đến 15 tỷ USD vào năm 2033.

Cơ quan Địa chất Ukraine cho biết chính phủ đang chuẩn bị mở thầu khai thác khoảng 100 địa điểm nhưng chưa công bố chi tiết.

Dù có nguồn nhân lực trình độ cao với chi phí lao động tương đối thấp cùng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, Ukraine vẫn gặp nhiều rào cản trong thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư cho rằng quy trình cấp phép và quản lý còn phức tạp, dữ liệu địa chất khó tiếp cận và vấn đề pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất vẫn là trở ngại lớn.

Ngoài ra, các dự án khai thác khoáng sản đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn ngay từ đầu và cần nhiều năm mới có thể đi vào khai thác thương mại.

Dũng Phan (Theo ET Auto)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dat-hiem-cua-ukraine-va-ly-do-tong-thong-donald-trump-muon-chung-post333675.html
Zalo