Du kích quân Nicaragua và tấm ảnh Bác Hồ trong túi ngực

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trong cuộc đột kích đầy quả cảm vào Tòa nhà Quốc hội Nicaragua ngày 22/8/1978, 25 du kích quân Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino (FSLN) đã bắt giữ khoảng 1.000 nghị sĩ và lãnh đạo chính quyền độc tài Anastasio Somoza nhằm yêu cầu trao trả tự do cho 50 chiến sĩ Sandino đang bị giam cầm.

Edén Pastora trên chiếc xe buýt chở các nghị sĩ bị du kích quân bắt. Ảnh: Getty Images

Edén Pastora trên chiếc xe buýt chở các nghị sĩ bị du kích quân bắt. Ảnh: Getty Images

Chỉ huy chiến dịch này là Edén Pastora, người trong những khoảnh khắc sinh tử đã luôn mang theo ảnh Hồ Chí Minh trong túi áo ngực của mình.

Cuộc đột kích đã tạo tiếng vang quốc tế lớn, tạo tiền đề cho sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền độc tài Somoza tại Nicaragua một năm sau đó, đồng thời tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Đặc biệt, hình ảnh Edén Pastora dũng cảm bỏ khăn che mặt trên chiếc xe buýt chở các nghị sĩ bị du kích quân bắt trở thành bức ảnh được truyền thông toàn cầu liên tục đăng tải trên trang nhất như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Lật mở lại ký ức, nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Hữu Động – chuyên gia cố vấn về bầu cử của Liên hợp quốc tại Nicaragua - nhớ lại buổi gặp ông Edén Pastora tại nhà riêng tại thủ đô Managua năm 1996. Trong không khí thân tình của buổi gặp gỡ, cựu lãnh đạo du kích quân Sandino có biệt danh “Comandante Cero - Chỉ huy số 0” đã chia sẻ về con đường đến với cách mạng, cũng như tình cảm cá nhân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sinh năm 1937 trong một gia đình trung lưu tại miền Bắc Nicaragua, mới 8 tuổi, Edén Pastora đã phải chứng kiến việc cha của mình bị chính quyền Somoza sát hại. Kể từ đó, cậu bé đã nuôi dưỡng lòng căm thù chính phủ độc tài và đây chính là động lực để chàng thanh niên Edén Pastora quyết tâm đi theo con đường cách mạng nhằm lật đổ ách thống trị của chế độ Somoza.

Edén Pastora mang theo hoài bão cháy bỏng đó trong những năm tháng học Y khoa tại Mexico, nơi chàng sinh viên có điều kiện được tiếp cận thêm thông tin về các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, về tư tưởng Marx - Lenin, cách mạng Cuba, Fidel Castro, cuộc đấu tranh vệ quốc đầy anh dũng của nhân dân Việt Nam cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh - người mà ông ngưỡng mộ nhất trong cuộc đời cách mạng của mình.

Gác lại việc học hành còn đang dang dở, cuối những năm 1960 của thế kỷ trước, chàng sinh viên Y khoa Edén Pastora quay về quê hương tham gia phong trào cách mạng, giữ vị trí chỉ huy lực lượng du kích quân hoạt động tại khu vực miền Nam Nicaragua, cùng lực lượng Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino tạo thế gọng kìm chống lại chính quyền Somoza tại thủ đô Managua.

Thuật lại lời kể của Edén Pastora, ông Nguyễn Hữu Động cho biết trong suốt quãng đường chiến đấu kể từ khi bắt đầu tham gia cách mạng cho đến khi cách mạng thành công năm 1979, từ những trận chiến trong rừng thẳm cho đến các cuộc đấu súng nơi thị thành, vị chỉ huy du kích quân huyền thoại mang biệt danh “Comandante Cero” đã luôn mang trong người ảnh Hồ Chí Minh - người mà ông luôn ngưỡng mộ, coi là nguồn cảm hứng cho mọi chiến thắng của cách mạng, đặc biệt là tư tưởng “ trường kỳ kháng chiến” của Người là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với Sandino trong những giai đoạn khó khăn của cách mạng.

Edén Pastora trong một chiến dịch. Ảnh: Getty Images

Edén Pastora trong một chiến dịch. Ảnh: Getty Images

Tiếp tục câu chuyện, ông Nguyễn Hữu Động - người từng làm công tác thông tin tại Hội nghị Paris về Việt Nam - cho biết tại buổi gặp, Edén Pastora đã cho ông xem bức ảnh Hồ Chí Minh mà đã theo lãnh đạo du kích quân trong hàng chục năm chiến đấu. Đó là ảnh của Bác cắt ra từ trang bìa của một tạp chí nước ngoài và được bao bọc một cách rất cẩn thận.

Nuối tiếc vì thời điểm đó không mang máy ảnh để lưu lại hình Edén Pastora cùng ảnh Bác, ông Động - người Việt đầu tiên được Chính phủ Việt Nam giới thiệu làm việc cho Liên hợp quốc từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước với hàng chục năm công tác trên cương vị là chuyên gia giám sát bầu cử quốc tế tại hơn 40 nước cho đến khi về hưu tại Mexico – cho biết đó là những khoảnh khắc thật đáng nhớ, tự hào và xúc động khi ông cảm nhận được tình cảm đặc biệt của bạn bè quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không chỉ ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam, "Comandante Cero" còn có nhiều câu nói bất hủ liên quan tới nền tảng lý luận cũng như lý tưởng cách mạng mà ông đã đặt trọn niềm tin trong suốt cuộc đời binh nghiệp.

Đó là lời phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi cách mạng Sandino thành công. Tại đây, Edén Pastora nêu rõ “học thuyết chiến tranh nhân dân” chính là đường lối giúp ông và đội quân du kích do ông lãnh đạo đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, bởi đó là việc “biết dựa vào nhân dân, vì dân là người cung cấp thực phẩm, thuốc men, thậm chí là đôi ủng để chúng tôi có thể ra trận và họ cũng là người cung cấp những nguồn thông tin quan trọng cho cách mạng”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của một nhà báo Mexico hồi năm 2013 trên vai trò là thành viên chủ chốt của Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino trong chiến thắng lật đổ chế độ độc tài Somoza năm 1979, Edén Pastora khẳng định: “Du kích quân không bao giờ đặt nặng tính mạng bản thân, vì ngay ngày mai họ có thể hy sinh vì lý tưởng. Cái mà họ mất mát nhiều nhất chính là gia đình, đời sống riêng tư và cuối cùng mới là cái chết”.

Trước khi mất vào tháng 6/2020 giữa giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19, “Comandante Cero” và vợ vẫn sống trong một ngôi nhà gỗ nhỏ bên bìa rừng sát biên giới Costa Rica, nơi mà gần nửa thế kỷ trước ông và những đồng đội từng cầm súng để giải phóng đất nước.

Phi Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/du-kich-quan-nicaragua-va-tam-anh-bac-ho-trong-tui-nguc-20250210080259864.htm
Zalo