Căn cứ huấn luyện phòng thủ tên lửa cho Ukraine của Đức bị theo dõi bằng UAV
Nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) đã xuất hiện liên tục trên căn cứ huấn luyện phòng thủ tên lửa Patriot dành cho binh sĩ Ukraine.
Điều này làm dấy lên lo ngại về hoạt động do thám và bộc lộ những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Berlin.
Quân đội Đức đang tiến hành điều tra nghi vấn gián điệp, sau khi phát hiện sáu vụ xâm nhập của UAV trên không phận căn cứ Schwesing ở miền Bắc nước này, nơi binh sĩ Ukraine được huấn luyện sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.
Theo báo Süddeutsche Zeitung, từ ngày 9 đến 29/1, nhiều UAV không xác định đã liên tục xuất hiện trên không phận bị hạn chế của căn cứ Không quân Đức tại Schwesing. Dù quân đội Đức đã triển khai các biện pháp tác chiến điện tử, bao gồm thiết bị gây nhiễu HP47, nhưng vẫn không thể bắn hạ hoặc truy tìm nguồn điều khiển các thiết bị này.
Do mức độ nghiêm trọng của sự việc, quân đội Đức đã xếp các vụ xâm nhập này vào diện khả năng gián điệp và báo cáo lên cơ quan tình báo. Tuy nhiên, phía lực lượng vũ trang Liên bang Đức chỉ xác nhận có vụ việc xảy ra mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Căn cứ Schwesing có giá trị chiến lược quan trọng, đặc biệt là khi Đức đã bàn giao nhiều hệ thống phòng thủ Patriot cho Ukraine nhằm giúp Kiev đối phó với các cuộc không kích của Nga. Vì vậy, nơi này có thể trở thành mục tiêu do thám của các lực lượng nước ngoài.
Theo Süddeutsche Zeitung, các quan chức quân sự Đức nghi ngờ rằng các UAV không phải loại thương mại thông thường, mà là sản phẩm công nghệ cao. Một số quan chức quốc phòng thậm chí còn nhận định các thiết bị này có thể đã được phóng đi từ tàu trên Biển Bắc hoặc Biển Baltic, làm dấy lên giả thuyết về hoạt động do thám do một nhà nước hậu thuẫn.
Ngoài Schwesing, các căn cứ quân sự khác của Đức cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Cách đây vài tuần, UAV đã xuất hiện trên không phận căn cứ quân sự Mỹ tại Ramstein, nơi được xem là trung tâm hậu cần quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vụ việc này khiến chính phủ Đức phải soạn thảo sửa đổi luật, cho phép quân đội bắn hạ các thiết bị bay không người lái đáng ngờ.
Các vụ xâm nhập tại Schwesing cũng làm bộc lộ những hạn chế trong năng lực phòng thủ thiết bị bay không người lái của Đức.
Theo báo Süddeutsche Zeitung, nhiều hệ thống phát hiện và chống UAV của lực lượng vũ trang Liên bang Đức như Wingman và RADIS đã không hoạt động hiệu quả khi vụ việc xảy ra. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ các căn cứ quân sự trước các mối đe dọa trên không.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thừa nhận rằng việc nâng cao năng lực phòng thủ trước thiết bị bay không người lái là ưu tiên hàng đầu, nhưng ông cũng thừa nhận rằng quá trình này đang diễn ra chậm chạp. Sau các sự kiện tại Schwesing, quân đội Đức đã triển khai thêm các thiết bị phát hiện và gây nhiễu để bảo vệ căn cứ này.