Đập lớn nhất thế giới được xây dựng thế nào?
Ông đã tác động để dự án được duyệt, bất chấp những lo ngại về việc di dời 1,5 triệu người, cũng như tổn thất về hệ sinh thái và hiện vật lịch sử.
Vào ngày 19/7/2010, ấy là một buổi tối thứ Hai, nước đổ ào ạt xuống sông Dương Tử. Mưa dữ dội theo gió mùa Đông Á đổ xuống tây nam Trung Quốc. Mưa như trút nước. Quãng nửa đêm thứ Hai, rạng ngày thứ Ba, lũ ập về ầm ầm: cứ mỗi giây, 70.000 m3 nước lại tràn qua, tương đương với 30 bể bơi cỡ Olympic.
Như trước kia, nước sẽ đổ về sông, tuôn trào giữa các bờ đá của ba hẻm núi ở giữa đoạn phía trên thành phố Nghi Xương. Sau đó, dòng sông dâng cao sẽ tràn qua các bờ kè, làm ngập các vùng đồng bằng ở hạ lưu. Thế nhưng đêm hôm ấy, dòng nước lại nhẹ nhàng chảy vào một cái hồ rộng gần thành phố Trùng Khánh, nằm phía trên cao hẳn so với ba hẻm núi đó, lặng lẽ rỉ ra khi đỉnh lũ tan biến. Sáu trăm ki lô mét về phía hạ lưu, mực nước trong hồ chứa tăng thêm 4 m, được giữ lại bởi 28 triệu m3 bê tông. Không có gì xảy ra nữa cả. Đập Tam Hiệp đã vượt qua cuộc thử nghiệm thực tế đầu tiên.

Một góc chụp đập Tam Hiệp. Ảnh: People Daily.
Kế hoạch xây dựng con đập lớn nhất thế giới đã được “bật đèn xanh” vào năm 1992, dưới thời Thủ tướng Lý Bằng. Cũng có không ít tranh cãi vào thời điểm kế hoạch được chấp thuận. Lý Bằng từng được đào tạo ngành kỹ sư thủy điện ở Liên Xô. Ông đã tác động để dự án được duyệt, bất chấp những lo ngại về việc di dời 1,5 triệu người, cũng như tổn thất về hệ sinh thái và hiện vật lịch sử. Cuối cùng công trình đã được đa số bỏ phiếu thuận tại Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc, và được khởi công vào năm 1994. Chỉ chín năm sau, hồ chứa bắt đầu tích nước, hoàn thành vượt tiến độ và chi dưới ngân sách.
Nguyên nhân và cách thức công trình hạ tầng khổng lồ này ra đời là một câu chuyện quen thuộc. Dự án hiện đại của thế kỷ 20 này là nhằm giải phóng xã hội khỏi một môi trường nhiều biến động, để tôn vinh chiến thắng chung cuộc của con người trong việc chinh phục thiên nhiên.
Ngày nay, mọi người đều tưởng rằng nước trên bề mặt Trái đất hẳn chỉ là một phông nền vô tri trên sân khấu các sự kiện của con người. Ảo tưởng đó được tạo ra chính bởi 45.000 công trình cao hơn 15 m đang ngăn các con sông trên thế giới, mà con số này có thể tăng lên tới hàng triệu nếu tính cả các đập ngăn suối.
Lượng cơ sở hạ tầng khổng lồ này có khả năng giữ khoảng 20% dòng chảy hằng năm trên thế giới, tức phần nước trong các sông suối trên khắp các vùng đất. Cơ sở hạ tầng thủy lợi hiện đại đã tái cấu trúc hệ thống dẫn nước của cả hành tinh. Đập Tam Hiệp là một trong những công trình mới nhất bổ sung cho số lượng hạ tầng vốn đã khổng lồ này, là bằng chứng rằng câu chuyện hiện đại về sự tiến bộ này vẫn chưa hoàn toàn đi đến hồi kết.
Những người đam mê công nghệ ăn mừng thành tựu của nó, trong khi các nhà bảo vệ môi trường thì than vãn về những tác động nó gây ra. Dù vui hay buồn, đó cũng là câu chuyện về sự giải phóng công nghệ khỏi tự nhiên, trong đó tốt xấu gì thì khoa học và kỹ thuật cũng đã trao cho nhân loại toàn quyền kiểm soát vận mệnh của chính mình.
Câu chuyện này thật quen thuộc. Và cũng thật sai lầm. Câu chuyện về nước không phải vấn đề công nghệ, mà là vấn đề chính trị. Tác động của nước lên xã hội hằn sâu qua những thích ứng liên tục mà con người phải thực hiện để chung sống với nước. Tất cả các cộng đồng đều gắn bó với nước theo thời gian, thông qua một quá trình hành động và phản ứng. Một con đê có thể bảo vệ những người định cư phía sau nó. Một con đập có thể tích trữ nước cho những khi nước trên trời không chịu rơi xuống.
Nhưng khi các thị trấn phát triển và các trang trại mở rộng, người ta lại quên mất lý do tại sao ban đầu những công trình đó lại được xây dựng. Xã hội phát triển và dần quen với sự an toàn mới có được. Các thể chế phát triển dưới cái bóng của cơ sở hạ tầng vốn được thiết kế để tạo ra ảo tưởng về sự ổn định.
Rồi một ngày, con đê bất ngờ bị vỡ, hay hồ chứa phía sau con đập bị cạn. Theo sau đó là mất mát, đôi khi tới mức thảm khốc. Thế rồi mọi người buộc phải xem xét lại cái môi trường mà giờ đây không còn chỉ là phông nền vô tri cho cuộc sống của họ. Người ta học hỏi, xây dựng lại, mở rộng, đạt đến một cấp độ an toàn mới. Thể chế của họ điều chỉnh, thói quen thay đổi. Và chu kỳ lặp lại.
Tiến bộ công nghệ và sự giải phóng của con người khỏi thiên nhiên là chủ đề phụ trong câu chuyện này. Những ảnh hưởng của mối quan hệ liên tục giữa con người với nước không đơn thuần được viết trên các dòng sông, mà chúng được khắc sâu vào cấu trúc xã hội, vào niềm tin, hành vi và hệ thống điều chỉnh cuộc sống hằng ngày. Không phải cảnh quan, mà chính các thể chế chính trị mới là thứ được sắp đặt nhiều nhất.