Vì sao chim thường bay về phương Nam khi mùa đông tới?

Mỗi độ thu về, khung cảnh từng đàn chim sải cánh hướng về phương Nam đã trở nên quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Dưới góc nhìn khoa học, đây không chỉ là hình ảnh nên thơ của thiên nhiên mà còn là hành trình sinh tồn khốc liệt, trải dài hàng trăm ngàn dặm mà nhiều loài chim phải vượt qua mỗi năm.

Không phải loài chim nào cũng rời tổ

Mặc dù mùa đông là thời điểm nhiều người cảm thấy các loài chim biến mất khỏi khu vực mình sinh sống, nhưng thực tế không phải loài nào cũng di cư. Hiện chỉ có khoảng 40% loài chim định kỳ bay về phương Nam vào mùa đông. Những loài này được gọi là chim di trú.

Cũng cần phân biệt rằng không phải chim nào di cư cũng chọn phương Nam làm đích đến. Một số loài thay vì di chuyển theo hướng Bắc – Nam lại chọn thay đổi độ cao: sống ở vùng núi cao vào mùa hè và chuyển xuống vùng thấp hơn vào mùa đông. Một số loài khác có thể di cư bất chợt theo đàn để tìm kiếm thức ăn, hoặc di cư tạm thời để thay lông tại nơi trú ngụ an toàn hơn.

Tuy nhiên, hình thức di cư theo mùa vẫn là dạng phổ biến nhất ở các loài chim. Điều đáng nói là lý do chính khiến chúng rời đi không đơn thuần là để tránh rét.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mùa đông thiếu thức ăn, không phải chỉ lạnh

Các loài chim vốn có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, kể cả giá lạnh. Tuy nhiên, bài toán sinh tồn lớn nhất vào mùa đông lại nằm ở nguồn thức ăn và nơi trú ngụ. Khi nhiệt độ giảm sâu, các nguồn thức ăn quen thuộc như côn trùng, hạt, trái cây gần như biến mất. Những nơi làm tổ an toàn cũng trở nên khan hiếm hơn.

Chính vì vậy, nhiều loài chim chọn di chuyển về phương Nam – nơi có khí hậu ấm áp hơn, nguồn thức ăn phong phú và điều kiện trú ngụ thuận lợi hơn. Có loài chỉ di cư trong cự ly gần, nhưng cũng có loài vượt hàng nghìn dặm, thể hiện bản năng đáng kinh ngạc mà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

Các nhà khoa học nhận định yếu tố di truyền đóng vai trò trong việc quyết định hành trình di cư, bên cạnh các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng mặt trời. Kỳ diệu hơn, nhiều con chim non lần đầu di cư vẫn có thể tự bay đến đúng nơi cần đến và quay trở lại chính xác chốn cũ vào mùa xuân năm sau.

Định hướng bằng từ trường và khứu giác?

Một câu hỏi lớn đặt ra là: Làm sao những loài chim có thể định hướng chính xác đến thế? Nhiều nghiên cứu cho rằng chim có khả năng cảm nhận từ trường Trái Đất – một loại "la bàn sinh học" kết hợp với khứu giác nhạy bén, giúp chúng xác định phương hướng và đích đến.

Thực tế, khả năng di cư đường dài không chỉ là kỹ năng sống sót mà còn là yếu tố quyết định đến tỷ lệ sinh tồn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những loài chim di cư đường dài thường có tỷ lệ sống sót qua mùa đông cao hơn so với những loài chỉ di chuyển trong phạm vi ngắn.

Vì sao không ở lại phương Nam luôn?

Một câu hỏi phổ biến khác: nếu phương Nam ấm áp và có nhiều thức ăn, tại sao chim không ở lại đó mà phải quay về Bắc bán cầu?

Câu trả lời nằm ở những rủi ro tiềm ẩn tại vùng đất tưởng chừng lý tưởng ấy. Ở khu vực nhiệt đới, mối đe dọa từ động vật săn mồi cao hơn rất nhiều. Tỷ lệ tổ chim bị phá tại đây lên đến 90%, trong khi ở vùng ôn đới, tỷ lệ này chỉ khoảng 50% hoặc thấp hơn.

Không chỉ vậy, chim di cư còn phải cạnh tranh gay gắt với các loài bản địa. Khí hậu ấm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng và bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh mẽ.

Vì vậy, để cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ, nhiều loài chim đã chọn phương án hoàn hảo: quay về phương Bắc vào mùa xuân.

Trở về phương Bắc để sinh sản

Khi mùa xuân đến, phương Bắc trở thành “miền đất hứa” với vô vàn loại hạt, trái cây và côn trùng. Đây là thời điểm lý tưởng để các loài chim sinh sản. Ánh sáng ban ngày kéo dài hơn cũng giúp chim có thêm thời gian kiếm ăn nuôi con.

Hơn nữa, qua mùa đông khắc nghiệt, số lượng các loài săn mồi ở phương Bắc thường suy giảm đáng kể. Điều này mang lại một mùa sinh sản an toàn hơn cho chim di cư.

Rõ ràng, hành trình di cư không đơn giản chỉ là chuyến bay trốn rét. Đó là một chiến lược sống còn đã được rèn giũa qua hàng ngàn năm tiến hóa – nơi thiên nhiên buộc loài chim phải lựa chọn giữa an toàn, thức ăn, sinh sản và cả hy sinh.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/vi-sao-chim-thuong-bay-ve-phuong-nam-khi-mua-dong-toi/20250509043316998
Zalo