Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Đại học cần trở thành trung tâm nghiên cứu

Muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cần nhân lực chất lượng cao. Muốn có nhân lực chất lượng cao, đại học cần phải trở thành trung tâm nghiên cứu.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định rõ thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài.

Muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cần nhân lực chất lượng cao

Muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cần nhân lực chất lượng cao

Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân.

Đại học cần “thỏi nam châm” hút nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành…

Phát biểu tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới đây ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khoa học công nghệ chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Để thúc đẩy thương mại hóa thì kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu.

“Để kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần, từ 30-50% kết quả thương mại hóa. Nhà nước thì thu lợi từ thuế, công ăn việc làm khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa và tạo ra doanh thu, lợi nhuận”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng

Viện nghiên cứu nhận tiền từ nhà nước để nghiên cứu dựa trên cơ sở của một hợp đồng nghiên cứu. Nhưng tiền mà cơ sở nghiên cứu nhận được từ nhà nước để nghiên cứu thì lại phải chi như là tiền ngân sách của một đơn vị hành chính nhà nước, như một cơ quan nhà nước.

Cơ quan nhà nước là làm những việc đã biết, đã được định nghĩa. Nghiên cứu là làm việc chưa biết, chưa có, vậy phải theo một cơ chế khác. Hãy để viện nghiên cứu chi đồng tiền mà họ nhận được từ nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán.

Nhà nước hãy quản theo kết quả nghiên cứu, tức là quản theo mục tiêu, thay vì quản cách làm, quản quy trình. Nhà nước chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, nhưng sẽ có các giải pháp quản lý rủi ro, như phân bổ ngân sách và quản lý kết quả nghiên cứu theo giai đoạn, phân loại nghiên cứu (cơ bản, ứng dụng và triển khai) theo mức độ rủi ro (cao, trung bình và thấp) để quản lý khác nhau, sử dụng chuyển đổi số để công khai minh bạch các nghiên cứu,...

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, muốn phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì cần nhân lực chất lượng cao. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao của các trường đại học thì cần thu hút nghiên cứu, cần nhà nước, các doanh nghiệp đặt hàng đại học nghiên cứu, cần đại học phải trở thành trung tâm nghiên cứu.

“Đại học cần một “thỏi nam châm” để hút nghiên cứu. Thỏi nam châm đó là các phòng thí nghiệm mà các doanh nghiệp không đủ sức đầu tư, nhất là các danh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy, nhà nước cần có một chương trình lớn đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 75.000 tỷ đồng của năm 2025 chi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì nên dành 5.000 tỷ đồng (khoảng 7%) cho đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các đại học.

“Làm liên tục việc này trong 5 năm thì sẽ thay đổi căn bản hạ tầng nghiên cứu của các trường đại học. Hiện nay, mỗi năm, chúng ta đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa được 500 tỷ đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN cần “phải làm được ngay”

Ngày 17/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Dự thảo Nghị quyết cần tập trung vào những vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết 57, với quan điểm sau khi ban hành Nghị quyết là “phải làm được ngay”.

"Những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, ít hướng dẫn cần kịp thời đưa ngay vào dự thảo Nghị quyết để triển khai, đặc biệt là các chính sách mang tính vượt trội, có thể phát huy tác dụng ngay, khơi thông nguồn lực, có sức lan tỏa góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần bảo đảm ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, dễ tổ chức thực hiện.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-dai-hoc-can-tro-thanh-trung-tam-nghien-cuu-post1154558.vov
Zalo