Chất lượng tài sản nhiều ngân hàng suy giảm, chủ yếu nợ xấu vay mua nhà

Theo chuyên gia phân tích, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang có sự phân hóa mạnh. Đáng lưu ý là chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng nhỏ bị suy giảm, chủ yếu do nợ xấu từ các khoản vay mua nhà.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng, chuyên viên phân tích VIS Rating cho hay, năm 2024, sự phục hồi của các khoản vay mua nhà với lợi tức cao và tỷ lệ hình thành nợ xấu chậm lại trong quý IV/2024 đã thúc đẩy lợi nhuận và cải thiện chất lượng tài sản cho các ngân hàng lớn.

Trái lại, năng lực tín nhiệm của một số ngân hàng nhỏ vẫn ở mức yếu, do nợ xấu cao và chi phí tín dụng tăng từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cùng với áp lực biên lợi nhuận và vấn đề thanh khoản giữa bối cảnh cạnh tranh huy động tiền gửi gia tăng.

Rủi ro tài sản của ngành ngân hàng ổn định khi tỷ lệ hình thành nợ xấu phát sinh mới giảm đối với một số ngân hàng quốc doanh và ngân hàng lớn. Tỷ lệ nợ xấu của ngành giảm nhẹ 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,25% trong năm 2024.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng có sự khác biệt giữa nhóm ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ. Một số ngân hàng lớn đã chủ động thắt chặt việc cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng mới (ví dụ VPBank) và có tỷ lệ nợ xấu các khoản vay mua nhà thấp hơn trong nửa cuối năm 2024 (ví dụ Techcombank).

Trong các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới của VietinBank đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2024, trong khi BIDV và Vietcombank đã giảm nợ xấu thông qua việc đẩy mạnh xóa nợ.

Ngược lại, chất lượng tài sản của các ngân hàng nhỏ tập trung vào khách hàng cá nhân và SMEs (ví dụ SaigonBank, ABBank, BAC A Bank) bị suy giảm, chủ yếu do nợ xấu từ các khoản vay mua nhà.

"Trong năm 2025, chúng tôi kỳ vọng điều kiện kinh doanh tích cực hơn sẽ thúc đẩy việc giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu trong ngành”, ông Tùng chia sẻ.

Đến thời điểm này, toàn bộ các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024. Theo đó, quy mô nợ xấu (NPL), tỷ lệ nợ xấu, và nợ xấu hình thành ròng (trước xử lý rủi ro) của toàn ngành trong quý IV/2024 đều giảm so với quý trước.

Đáng chú ý, quy mô nợ xấu hình thành ròng đã giảm về mức thấp nhất kể từ quý I/2022, thời điểm trước khi nợ xấu bắt đầu chu kỳ tăng mạnh trước những ảnh hưởng tiêu cực từ yếu tố vĩ mô và thị trường bất động sản.

Trong quý IV/2024, một số ngân hàng đáng chú ý ghi nhận nợ xấu giảm ròng (trước xử lý rủi ro), do nợ xấu nội bảng chuyển về các nhóm nợ tốt hơn, bao gồm VietinBank, Techcombank, TPBnak, NamABank.

Theo chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán VDSC, xu hướng nợ xấu hình thành ròng giảm được hỗ trợ bởi khả năng trả nợ của các khách hàng đã khả quan hơn trong quý, thể hiện một phần qua số dư lãi, phí phải thu, số ngày phải thu lãi bình quân giảm đáng kể so với quý trước. Diễn biến này được dự báo có thể tiếp tục củng cố cho chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong 2025.

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2024 của 27 ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành đã tăng từ mức 82,4% cuối năm ngoái lên 91,4% vào cuối quý IV/2024. Theo số liệu thống kê, có 14/27 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng trong năm qua.

Tuy vậy, toàn hệ thống chỉ còn 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ trên ngưỡng 100% là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank. Các ngân hàng còn lại đều có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 100%.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chat-luong-tai-san-nhieu-ngan-hang-suy-giam-chu-yeu-no-xau-vay-mua-nha-d247629.html
Zalo