Đảo Mayotte gồng mình với bão Chido

Hòn đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp Mayotte đã phải vật lộn với tình trạng quá tải, bệnh tật và nghèo đói ngay cả trước khi cơn bão tàn khốc Chido đổ bộ vào cuối tuần trước.

Nhiều ngôi nhà bị hư hại sau khi bão Chido đổ bộ đảo Mayotte (Pháp). Nguồn: Reuters.

Nhiều ngôi nhà bị hư hại sau khi bão Chido đổ bộ đảo Mayotte (Pháp). Nguồn: Reuters.

Đối mặt nhiều thiếu thốn

Hậu quả của bão Chido đã dẫn đến những lời chỉ trích rằng, Paris đã quan tâm chưa đủ đến các vùng lãnh thổ hải ngoại xa xôi, khiến họ không được bảo vệ khi thiên tai xảy ra. "Mayotte đã không được chuẩn bị" - ông Racha Mousdikoudine - Chủ tịch của nhóm vận động vì nước Mayotte Is Thirsty cho biết.

Cho đến ngày 18/12, số người chết tại đảo Mayotte sau khi bão Chido tấn công vẫn chưa rõ ràng, khi các khu ổ chuột - nơi trú ngụ của những người di cư không có giấy tờ - đã bị san phẳng và nhiều khu vực vẫn không thể tiếp cận được. Các quan chức địa phương và nhân viên y tế cho biết, hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn người có thể đã chết vì cơn bão tồi tệ nhất trong 90 năm qua tấn công quần đảo Ấn Độ Dương. Nhưng cho đến nay chỉ có 22 trường hợp tử vong được xác nhận tại bệnh viện.

"Tôi không thể đưa ra số người chết chính xác, nhưng tôi e rằng, con số này sẽ rất lớn" - Quyền Bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau trả lời kênh truyền hình BFMTV vào ngày 18/12.

Tình hình còn trở nên khó khăn hơn khi dân số của Mayotte vẫn chưa được xác định chính xác. Trong khi số liệu thống kê chính thức đưa ra con số là 321.000, thì nhiều người tin rằng, con số này cao hơn nhiều do tình trạng nhập cư bất hợp pháp, chủ yếu từ Comoros và Madagascar.

Chính quyền ở Mayotte đang tăng cường các hoạt động cứu trợ, với 120 tấn thực phẩm dự kiến sẽ được phân phối. Nguồn cung đã đến thông qua một cầu hàng không từ một lãnh thổ hải ngoại khác của Pháp, đảo Reunion.

Ông Retailleau cho biết, 2 cảnh sát đã bị thương do đạn pháo trong thời điểm lệnh giới nghiêm được ban hành để ứng phó với tình trạng cướp bóc được báo cáo vào ngày 17/12. Mayotte là lãnh thổ hải ngoại nghèo nhất của Pháp và đã trải qua nhiều đợt bất ổn trong những năm gần đây.

Tại thủ đô Mamoudzou, người dân đã lục tung những đống tôn, chăn ga gối đệm và các đồ đạc khác ở nơi từng là những ngôi nhà tạm bợ. Những người khác dùng các tấm kim loại để che mái nhà bị hư hại sau cơn bão.

Ông Nizar Assani - quản lý một doanh nghiệp bất động sản ở Mamoudzou, cho biết, hàng xóm của ông đã chết vì không có điện để cung cấp cho máy thở. Ông Assani kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hành động quyết liệt để giúp đỡ người dân Mayotte.

Việc Mayotte không thể đưa ra số liệu tử vong chính xác trong vài ngày sau khi cơn bão đổ bộ đã nhấn mạnh những thách thức mà hòn đảo này phải đối mặt. Mayotte có GDP bình quân đầu người thấp nhất trên toàn nước Pháp, với 10.600 euro so với 63.300 euro ở vùng Ile-de-France trong đó có Paris.

Mối lo khí hậu và dịch bệnh

Các chuyên gia cho biết những bất bình đẳng hiện tại có khả năng sẽ bị khuếch đại do biến đổi khí hậu. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nhiệt độ nóng hơn đe dọa các đảo nhỏ với những cơn bão dữ dội hơn và mực nước biển dâng cao.

"Tôi nghĩ rằng sự đầu tư là chưa đủ để bảo vệ Mayotte khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Và như chúng ta đã thấy ngay lúc này, mọi thứ đã bị phá hủy" - cô Samira Ben Ali, một nhà hoạt động vì khí hậu trẻ tuổi đến từ Mayotte cho biết.

Kế hoạch chiến lược Mayotte 2022 - 2026 của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) phát hiện ra rằng, quần đảo này đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Những cơn bão mạnh đe dọa cảng và sân bay của Mayotte. “Thiệt hại đối với các cơ sở hạ tầng này có thể làm tê liệt nền kinh tế của vùng lãnh thổ này" - báo cáo cho biết.

Theo AFD, nhiệt độ tăng đã gây ra hạn hán làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ngọt thường xuyên tại Mayotte. Năm ngoái, để ứng phó với cuộc khủng hoảng nước, chính phủ Pháp đã đóng băng giá nước bán tại các cửa hàng và sử dụng quân đội để vận chuyển nước đóng chai bằng máy bay cho hàng chục nghìn cư dân đang cần nước.

Ông Anthony Foucher - một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học Khí hậu và Môi trường ở Pháp - cho biết, sự gia tăng hoạt động canh tác thâm canh ở Mayotte trong 20 năm qua đã làm đất suy thoái, khiến nơi đây dễ bị lũ quét và ô nhiễm nước hơn.

Theo báo cáo của Thượng viện Pháp năm 2022, Mayotte phải hứng chịu các đợt bùng phát bệnh viêm gan A, bệnh tả và sốt thương hàn - những căn bệnh hầu như không tồn tại ở Pháp. Báo cáo cũng phát hiện ra rằng, hơn 1/4 dân số bị béo phì, một căn bệnh thường gắn liền với những vùng giàu có hơn nhiều.

Theo các nhà chức trách, cuộc di cư của người Comoros - khoảng 100.000 người sống ở Mayotte mà không có giấy tờ - đang gây thêm áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở đây. Làn sóng di cư cũng góp phần làm suy yếu an ninh công cộng của Mayotte, các vụ cướp bạo lực đã tăng gần 300% từ năm 2008 đến năm 2019, trong khi bạo lực tình dục tăng gần 200% trong cùng kỳ, một báo cáo của Thượng viện Pháp năm 2021 cho biết.

Theo báo cáo, với một nửa dân số dưới 18 tuổi và 1/3 dưới 10 tuổi, sự phát triển kinh tế của lãnh thổ Mayotte vẫn chưa đủ để mang lại triển vọng tương lai đầy đủ cho nhóm dân số trẻ và đông đảo này.

Các nhân viên y tế tại Mayotte cho biết, họ đang chuẩn bị đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh khi các xác chết vẫn chưa được tìm thấy và mọi người phải vật lộn để tiếp cận nước uống sạch. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cho biết, hiện tại không có đợt bùng phát nào.

Số người chết ở châu Phi - nơi bão Chido đổ bộ sau khi đi qua Mayotte - đã tăng vọt vào ngày 18/12. Số người chết ở Mozambique tăng lên 45 so từ 34 người một ngày trước đó và ở Malawi tăng lên 13 người từ con số 7 người trước đó, các quan chức ở 2 quốc gia trên cho biết.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dao-mayotte-gong-minh-voi-bao-chido-10296870.html
Zalo