Bốn điểm vướng mắc trong đàm phán ngừng bắn ở Gaza

Mặc dù các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas đã nối lại tại Qatar, nhưng hai bên vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza.

Theo kênh Al Jazeera ngày 7/1, trong số đó, có bốn điểm bất đồng chính.

Vấn đề con tin

Khu trại tị nạn ở Dải Gaza bị trúng không kích của Israel. Ảnh: IRNA/TTXVN

Khu trại tị nạn ở Dải Gaza bị trúng không kích của Israel. Ảnh: IRNA/TTXVN

Ngày 5/1, truyền thông Trung Đông dẫn nguồn tin từ một thành viên cấp cao thuộc lực lượng Hamas cho biết, lực lượng này đã sẵn sàng trả tự do cho 34 con tin Israel trong khuôn khổ giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận trao đổi tù nhân có khả năng được thực hiện với phía Israel.

Theo quan chức này, 34 con tin trong thỏa thuận trao đổi bao gồm tất cả phụ nữ, trẻ em, người già và những người ốm yếu hiện bị giam giữ ở Gaza. Phía Hamas cần có thêm thời gian để xác định liệu những người này có còn sống hay không.

Ngày 4/1, phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine nói rằng các phe phái Palestine cần một tuần để chuẩn bị và chuyển giao danh sách các con tin Israel sẽ được trao đổi trong giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn.

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo Hamas chưa cung cấp danh sách tên các con tin Israel sẽ được thả.

Ngoài ra, các quan chức Israel yêu cầu Hamas phải tuyên bố rõ những con tin nào còn sống và bác bỏ lời kêu gọi của nhóm này về việc tạo điều kiện để xác định tình trạng của những người bị giam giữ tại Gaza.

Diễn đàn Con tin, một tổ chức đại diện cho nhiều gia đình con tin, cho biết đã đến lúc cần đạt được một thỏa thuận toàn diện. Tổ chức này tuyên bố: “Chúng ta biết hơn một nửa số con tin vẫn còn sống và cần được đưa về ngay lập tức, trong khi những người bị sát hại phải được đưa về để chôn cất đúng nghi lễ. Chúng ta không còn thời gian để lãng phí. Một thỏa thuận ngừng bắn liên quan đến con tin phải được ký kết ngay bây giờ!”.

Kết thúc chiến tranh

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) tại một cuộc họp ở Tel Aviv ngày 25/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) tại một cuộc họp ở Tel Aviv ngày 25/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hamas yêu cầu Israel cam kết thực hiện một lệnh ngừng bắn và rút toàn bộ binh lính khỏi Gaza. Đây được xem là điều kiện then chốt để đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực. Hamas khẳng định duy trì hiện diện quân sự của Israel tại Gaza sẽ chỉ làm gia tăng xung đột và khiến tình hình thêm căng thẳng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu nói rằng ông muốn có một thỏa thuận một phần để tạm dừng chiến tranh và bác bỏ lời kêu gọi rút hoàn toàn khỏi vùng lãnh thổ Palestine. Thủ tướng Israel cam kết đất nước ông sẽ chiến đấu đến khi đạt được chiến thắng hoàn toàn và Hamas bị xóa sổ.

Israel đã gây tổn thất nặng nề cho Hamas. Tuy nhiên, nhóm này vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công tại Gaza và bắn rocket vào Israel. Điều này có thể báo trước một cuộc chiến không có hồi kết, kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm.

Thả tù nhân Palestine tại Israel

Trong khuôn khổ thỏa thuận, Israel dự kiến sẽ phóng thích hàng trăm tù nhân Palestine, bao gồm cả hàng chục người đã bị kết án vì gây ra các cuộc tấn công đẫm máu.

Israel có tiền lệ thực hiện các cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn, trong đó hàng trăm người đã được thả trong thỏa thuận vào tháng 11/2023.

Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng về số lượng cụ thể và danh sách tù nhân sẽ được phóng thích. Hamas muốn Israel thả các tù nhân quan trọng trong danh sách, nhưng các quan chức Israel đã loại trừ khả năng thả Marwan Barghouti, người đứng đầu danh sách yêu cầu của Hamas.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu có các thành viên cứng rắn và họ phản đối mạnh mẽ việc thả tù nhân. Một số thậm chí cảnh báo sẽ rút khỏi chính phủ nếu có quá nhiều nhượng bộ với Hamas. Họ chỉ ra sự kiện thả tù nhân năm 2011, trong đó bao gồm cựu lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar, người bị cáo buộc là chủ mưu trong các cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và đã bị Israel tiêu diệt vào tháng 10/2024.

Cho phép người Palestine trở về nhà tại Gaza

Đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: IRNA/TTXVN

Đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo ước tính của Liên hợp quốc, chiến tranh đã khiến khoảng 90% trong số 2,3 triệu dân Gaza phải di tản, trong đó khu vực phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề và phần lớn dân cư tại đây đã rời đi.

Trong giai đoạn đầu của thỏa thuận đang được bàn bạc, Israel dự kiến sẽ rút quân khỏi các khu vực đông dân cư của Palestine và cho phép một số người dân bị di tản trở về nhà. Tuy nhiên, các quan chức cho biết mức độ rút quân của Israel và số lượng người được phép quay lại vẫn cần phải được thống nhất thêm.

Quan điểm của Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết họ vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas trong hai tuần cuối cùng nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/1 chia sẻ với truyền thông rằng, trong vài tuần qua đã chứng kiến nỗ lực hợp tác, bao gồm cả Hamas, nhưng vẫn chưa có đồng thuận về các điều khoản cuối cùng. Ông Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi rất muốn đưa điều này đến đích trong hai tuần tới, thời gian còn lại của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ nỗ lực từng phút, từng ngày trong hai tuần này để điều đó xảy ra”.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times ngày 3/1, Ngoại trưởng Blinken cho rằng Hamas là trở ngại lớn nhất để đạt được thỏa thuận. Thủ tướng Netanyahu cũng bị cáo buộc thay đổi các điều khoản của thỏa thuận tiềm năng và phải đối mặt với áp lực lớn trong nước vì không đảm bảo được việc thả con tin.

Trước đó, Tổng thống đắc cử Trump từng cảnh báo Hamas về nguy cơ phải trả giá đắt nếu những con tin bị bắt vào ngày 7/10/2023 không được thả trước lễ tuyên thệ nhậm chức của ông vào ngày 20/1. Ước tính Hamas đang giam giữ khoảng 100 người mà họ đã bắt cóc từ miền Nam Israel. Trong số những con tin vẫn chưa được thả có 7 công dân Mỹ. Vào cuối tháng 11/2024, Hamas đã công bố đoạn video bằng chứng cho thấy con tin người Mỹ Edan Alexander (21 tuổi) vẫn còn sống.

Mỹ ủng hộ lệnh ngừng bắn và coi đây là cách tốt nhất để tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở dải Gaza. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp cho Israel hàng tỷ USD vũ khí để tiến hành xung đột.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bon-diem-vuong-mac-trong-dam-phan-ngung-ban-o-gaza-20250107154131010.htm
Zalo