Đảo cò Chi Lăng Nam, Hải Dương: Món quà quý sau trận đại hồng thủy
Đảo cò Chi Lăng Nam (Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương) được Nhà nước xếp hạng là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2014.
Với sự hiện hữu của gần 25 nghìn con cò, vạc và các loài chim nước, đảo cò Chi Lăng Nam đang trở thành điểm du lịch sinh thái, hấp dẫn du khách tại Hải Dương.
Đất lành chim đậu
Đảo cò Chi Lăng Nam (Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương) được Nhà nước xếp hạng là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2014. Với hàng vạn con cò, vạc cùng nhiều loài chim nước khác nhau đang trú ngụ, nơi đây là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế.
Đảo cò được UBND tỉnh Hải Dương quy hoạch có tổng diện tích 67,9ha, bao gồm: 3 đảo nổi, toàn bộ lòng hồ An Dương và một vùng đệm bảo vệ các loài chim.
Đảo nằm ở giữa vùng quê thanh bình, trù phú, gần ngã 3 sông Luộc, nơi tiếp giáp các tỉnh Hải Dương, Thái Bình và Hưng Yên; Cách Hà Nội 60km và cách trung tâm TP Hải Dương 30km về hướng Nam.
Về thăm đảo cò những ngày đầu Thu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi vùng quê nghèo năm nào nay đã thay da đổi thịt, đang trên đà phát triển. Cơ sở hạ tầng giao thông được mở rộng.
Thoát khỏi nơi phố thị ồn ào, chúng tôi đã đặt chân đến khu danh lam thắng cảnh đảo cò vào lúc 4 giờ chiều. Khi đó trời còn sáng, Mặt trời đang dần xuống thấp, nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành phố lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội cũng về đến nơi. Họ ngồi nghỉ ngơi, rồi ai nấy háo hức mua vé tham quan, xuống thuyền ra đảo ngắm đàn chim trời đang ríu rít chuyền cành và chao liệng trên những ngọn tre, mặt hồ.
Ông Nguyễn Đăng Chắm, nhân viên tổ dịch vụ cho biết, theo các cụ cao niên trong thôn An Dương kể lại, vào thế kỉ XV, một trận đại hồng thủy đã làm vỡ đê sông Luộc, nước tràn vào ngập trắng xóa cả một vùng.
Quanh gò đất cao nằm giữa đầm phá thôn An Dương xuất hiện những xoáy nước khổng lồ. Khi nước rút, khu đầm phá trở thành một hồ nước lớn rộng hơn 20ha với nhiều loài thủy sản. Điểm sâu nhất của hồ gần đây cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đo được lên đến trên 20m.
Cây cối tốt tươi, mặt nước mênh mông, con người hiền hòa, rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sinh thái nên chim muông từ khắp nơi bay về làm tổ, trú ngụ.
Nhận thấy “đất lành chim đậu”, chính quyền và nhân dân xã Chi Lăng Nam đã chung sức, chung lòng bảo vệ, biến toàn bộ không gian xung quanh hồ An Dương trở thành khu bảo tồn thiên nhiên cho các loài chim di cư cũng như các loài chim bản địa sinh sống. Đảo cò Chi Lăng Nam ra đời từ đó và trở thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Hải Dương.
Cũng theo ông Chắm, từ khi Nhà nước xếp hạng đảo cò là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2014, các đảo đã được tỉnh Hải Dương đầu tư kè đá, mở rộng từ 1 đảo nguyên thủy lên 3, trồng thêm nhiều cây xanh, thay vì chỉ có mỗi giống tre.
Đảo nguyên thủy còn gọi là đảo số 1 có diện tích hơn 4.000m2. Trước đây, đảo này chỉ có tre nên chỉ sau một mùa Đông, lượng chim, cò, vạc về nhiều, chúng tranh nhau đậu, làm tổ, khiến các bụi tre trên đảo trơ trụi.
Năm 2003, Nhà nước cấp ngân sách, tỉnh tiến hành đền bù, di dời 7 hộ dân sinh sống bên hồ, kiến tạo thành đảo số 2 với diện tích hơn 7.000m2.
Đến năm 2022, tỉnh Hải Dương tiếp tục thu hồi một phần diện tích đất canh tác của người dân tại cánh đồng An Dương, mở thêm đảo số 3 với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông.
“Ý thức bảo vệ đàn chim của người dân quê tôi giờ rất cao, tuyệt đối không có ai săn bắt hay lấy trứng chim về ăn. Đàn chim không chỉ mang lại sinh khí cho làng quê, mà còn tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân”, ông Chắm hồ hởi khoe.
Ông Chắm cho hay, những người cao tuổi như ông xin vào các công ty, xí nghiệp làm công nhân không ai nhận. Kể từ khi đảo cò được Nhà nước công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, 10 năm nay, du khách thập phương đổ về khá đông, đặc biệt là vào các ngày nghỉ lễ.
Có cung ắt có cầu, những người cao tuổi bắt đầu học cách làm du lịch tại chỗ. Người tham gia tổ bảo vệ, người đăng ký bán hàng nước, người lái thuyền đưa khách tham quan. Số ít hộ dân có điều kiện mở nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ…
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn
Đại diện Ban Quản lý đảo cò Chi Lăng Nam cho biết, giá vé vào tham quan được tỉnh Hải Dương quy định: 5.000 đồng/người. Vé đi thuyền thăm đảo cò người lớn 20.000 đồng/lượt, trẻ em 10.000 đồng/lượt.
Hiện, đảo cò Chi Lăng Nam luôn duy trì số lượng gần 25 nghìn con, trong đó có khoảng 16 nghìn con cò và gần 8 nghìn con vạc. Ngoài ra còn có các loài chim nước khác, như: Diệc xám, chim bói cá, chim trả, cú mèo, cuốc, bồng chanh. Đặc biệt, vào thời điểm tháng 9, tháng 10 khi gió mùa Đông Bắc tràn về, đảo cò đón nhận thêm hàng nghìn con chim di cư từ nơi khác bay về trú tránh, trong đó có cả các loài chim to lớn như cò nhạn (còn gọi là cò ốc). Chúng kiếm ăn cho tới tận tháng 4 năm sau mới lại bay đi.
Đến với đảo cò, du khách được tận mắt chứng kiến từng đàn cò trắng, vạc bay đi kiếm ăn cho tới khi chúng trở về chao liệng trên mặt hồ. Được nghe âm thanh của các loài chim gọi nhau ríu rít. Được thấy những chú cò con chân đi chưa vững, đứng, bám nghiêng ngả trên những ngọn tre tập bay nhảy.
Anh Vũ Đạt, đến từ Hải Phòng, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm đảo cò và thật bất ngờ trước cảnh thiên nhiên nơi đây. Cảm giác như tìm được về ký ức tuổi thơ”.
Đến từ Hà Nội, nữ du khách Nguyễn Thị Nhung cho hay, hình ảnh con cò trắng bám theo con trâu trên cánh đồng mùa đổ ải không xa lạ với bà, bởi bà Nhung vốn sinh ra và lớn lên bên gốc rạ tại quê hương của chị Hai năm tấn. Hơn 30 năm rời xa quê lên Thủ đô Hà Nội lập nghiệp, nay về đảo cò du lịch, được tận mắt ngắm nhìn đàn cò trở về tổ ấm lúc chiều tà, nữ du khách thấy nhớ quê hơn, yêu quê hương hơn.
Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam Nguyễn Đức Minh cho biết, danh lam thắng cảnh đảo cò đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê thuần nông.
Năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương lập dự án đầu tư gần 45,5 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, mở rộng khu bảo tồn, trong đó 23 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương dành cho phát triển hạ tầng du lịch, phần còn lại từ nguồn ngân sách tỉnh.
Để bảo vệ đàn chim, ông Minh khẳng định, người dân và chính quyền xã đồng thuận, làm rất tốt trong những năm qua. Các trường hợp đánh bẫy hay săn bắt cò, vạc nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Tuy nhiên, cò, vạc là loài chim kiếm ăn rất xa, sang các huyện khác trong tỉnh, thậm chí chúng bay sang: Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam… Ông Minh cho rằng không có cách nào để bảo vệ chúng, mà chỉ trông chờ vào sự quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền các địa phương nói trên.
“Tôi chỉ mong muốn các địa phương trong bán kính kiếm ăn của cò, vạc có biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với vấn nạn săn bắt chim trời, đặc biệt là săn bắt cò, vạc cũng như các loài chim quý, chim trong Sách Đỏ để không còn cảnh những con chim non ở tổ bị chết vì đói, khát”, ông Minh nói.