Trăm năm làng ngói Lũng Rì

Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 30km, làng Lũng Rì được biết đến là một trong những nơi làm ngói âm dương lâu đời ở Việt Nam. Những viên ngói mang đậm dấu ấn thời gian và bàn tay khéo léo của người nghệ nhân góp phần bảo tồn một di sản văn hóa quý báu.

Lũng Rì thuộc xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, là một bản làng nép bên triền núi vùng rẻo cao, ngày ngày âm ỉ lửa lò nghề làm ngói âm dương suốt hơn 200 năm nay. Qua bao thế hệ, người dân nơi đây vẫn giữ gìn và phát huy những kỹ thuật làm ngói độc đáo.

Một di sản văn hóa đã qua thời hoàng kim

Là một điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá văn hóa và muốn tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, tại làng Lũng Rì, thật không khó để du khách có thể bắt gặp hình ảnh người dân trong làng tất bật, cần mẫn nhào nặn những viên ngói làm từ đất sét. Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa nghề làm ngói âm dương tại làng vẫn phồn thịnh như thuở ban đầu.

Chị Lương Thị Liên, người dân làng Lũng Rì cho biết, những năm 1979-2000 là thời kỳ đỉnh cao của nghề làm ngói âm dương tại làng, với khoảng hơn 150 hộ tham gia sản xuất, cùng nhau làm nên tiếng tăm cho sản phẩm ngói âm dương của người Nùng An. Khoảng thời gian này, mỗi hộ làm từ 2-4 vạn viên ngói mỗi năm, xuất xưởng tới đâu bán hết tới đó.

Sau năm 2000, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự trỗi dậy của các vật liệu xây dựng hiện đại như tôn, ngói xi măng, với ưu điểm nhẹ, bền, dễ thi công và đa dạng mẫu mã, đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt với ngói âm dương truyền thống. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhanh chóng nhu cầu xây dựng hiện đại mà còn có giá thành rẻ hơn, khiến ngói âm dương mất đi chỗ đứng trên chính thị trường mà vốn dĩ đã “xưng hùng, xưng bá” bấy lâu nay.

Thế nhưng, bất chấp việc ngói âm dương đã đi qua thời hoàng kim của nó, người dân làng Lũng Rì vẫn quyết tâm giữ lửa nghề. Với họ, đó không chỉ đơn giản là chén cơm mưu sinh mà còn là một phần không thể tách rời trong đời sống, một nét văn hóa đầy tự hào.

Ngói âm dương – Không đơn thuần chỉ là ngói lợp nhà

Ngói âm dương là một loại vật liệu thường thấy trong kiến trúc truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc ở Việt Nam. Ngói âm dương gồm hai phần: một phần lõm (tượng trưng cho tính âm) và một phần lồi (tượng trưng cho tính dương). Khi lợp, hai phần này được sắp xếp xen kẽ nhau, tạo nên sự cân bằng và hài hòa. Điều này gợi liên tưởng đến quan niệm âm dương trong triết học phương Đông, đại diện cho hai mặt đối lập nhưng bổ sung cho nhau để tạo nên sự hoàn chỉnh.

Trong nhiều truyền thuyết dân gian, đặc biệt là tại vùng núi cao phía Bắc, ngói âm dương còn được xem như một lá chắn bảo vệ ngôi nhà khỏi những tác động xấu từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, ngói âm dương cũng mang đến những trải nghiệm thú vị khi tương tác với thiên nhiên. Những lúc trời đổ mưa, nước mưa sẽ chảy dọc theo các đường cong của ngói, tạo ra âm thanh nhỏ giọt đều đặn. Âm thanh này được cho là mang lại cảm giác thư thái và cân bằng cho người nghe.

Để làm nên một viên ngói âm dương đòi hỏi người thợ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Người dân Lũng Rì thường chọn những loại đất sét đặc biệt, có tính chất kỹ thuật phù hợp với việc làm ngói.

Theo đó, họ phải lấy ba loại đất khác nhau, rồi dùng dụng cụ có căng một đoạn dây để xẻ từng lớp đất đặc ra để nhặt tạp chất. Tiếp theo, họ lùa trâu đi vòng quanh nhào đất với nước, dẫm cho nhuyễn. Sau khi nhào xong, đất sẽ được ủ khoảng 5-6 ngày và tiếp tục lọc bỏ sỏi, đá còn sót.

Khi đất đã sẵn sàng để dùng làm ngói, người thợ cắt đắp phần đất thành khối vuông vức, mất 15-20 phút để lên khung và xoa đều, rồi dàn mỏng viên ngói, sau mới đem phơi cho khô. Cuối cùng là nung trong lò lửa đỏ bảy ngày bảy đêm, tuyệt đối phải giữ lửa luôn ổn định thì mới cho ra một mẻ ngói chất lượng. “Vào mùa hè trời khô ráo cũng phải mất đến 3 tháng để làm được một lò ngói”, chị Lương Thị Liên cho biết thêm.

Không để nghề mai một

Mỗi viên ngói âm dương chất chứa biết bao tâm huyết của người thợ làm ra, ấy vậy mà sản phẩm lại không thể tìm thấy chỗ đứng trong lòng thị trường. Hơi thở của truyền thống hòa quyện vào từng viên ngói, nhưng lại không thể chống lại sự xói mòn của thời gian và sự cạnh tranh của thời đại. Đó là những nghịch lý đang tồn tại ngay chính tại làng Lũng Rì – “thủ phủ” một thời của ngói âm dương.

Anh Lục Văn Sáng cho biết, kinh tế gia đình mình không thể chỉ trông mong vào lò ngói. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đất rất khó khăn, phải đi các vùng xung quanh để tìm loại phù hợp. Củi để đốt lò cũng khan hiếm. Ngói này cũng không có công nghệ phủ dầu nên không chống mốc, hay bị bám rong rêu. “Bây giờ tấm lợp tôn xuất hiện, ngói âm dương ngày càng khó bán hơn”, anh chạnh lòng.

Ngôi làng yên bình bao đời nay, giờ đây lại vang lên tiếng thở dài của những người thợ già. Nhưng dẫu vậy, trái tim của những con người quanh năm bầu bạn với đất và lửa vẫn hừng hực hy vọng. Chính quyền xã Tự Do vẫn đang cố gắng tìm lối ra cho những viên ngói âm dương, hướng đến xây dựng thương hiệu để quảng bá làng nghề, phát triển du lịch. Từ đó, nghề làm ngói âm dương - một di sản văn hóa quý báu của làng Lũng Rì - sẽ không trở thành dĩ vãng một thời mà vẫn hoài vang vọng trong tương lai.

Bài: Nguyễn Bảo. Ảnh: Nguyễn Khánh Vũ Khoa

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/tram-nam-lang-ngoi-lung-ri-c14a85614.html
Zalo