Đánh thức tiềm năng sông Sài Gòn
Trong nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh nỗ lực 'xoay trục' hướng đến kinh tế ven sông, được kỳ vọng có thể phát triển hàng chục cảng hàng hóa và cảng hành khách, bên cạnh dịch vụ đô thị và thu hút du lịch. Dù vậy, các nỗ lực này của 'đầu tàu' kinh tế cả nước chịu thử thách lớn do tác động của ngập lụt, nhiễm mặn, quá trình đô thị hóa nhanh, trong khi nguồn lực cho kinh tế ven sông còn là bài toán lớn cần lời giải thỏa đáng.
Tiềm năng đặc biệt lớn
Hệ thống sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 256km chảy qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Con sông này chảy qua 2 huyện, 5 quận và TP Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 80 km, bề rộng từ 225 - 370 m, độ sâu tối đa khoảng 20m, cùng diện tích lưu vực hơn 5.000 km².
![Sông Sài Gòn giàu tiềm năng để khai thác, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, du lịch.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_113_51480984/c2ecbfe08dae64f03dbf.jpg)
Sông Sài Gòn giàu tiềm năng để khai thác, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, du lịch.
Do sở hữu mạng lưới dày đặc đường sông, kênh, rạch trải dài từ đông sang tây, nam đến bắc, TP Hồ Chí Minh đã sớm tính toán các giải pháp khả thi để khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch dọc sông Sài Gòn. Trong đó, đã có nhiều “bước đi” quan trọng trong việc khai thác kinh tế ven sông trong gần 10 năm qua. Tài nguyên ven sông được chính quyền thành phố dự báo sẽ đóng góp nguồn ngân sách lớn cho ngân sách thành phố.
Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường ven sông Sài Gòn có chiều dài gần 80 km, từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến huyện Cần Giờ với quy mô tuyến đường tối thiểu 4 - 8 làn sẽ sớm được triển khai. Hạ tầng này được kỳ vọng mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, thu hút phát triển du lịch.
Để sớm khai thác kinh tế ven sông, UBND TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông từ 2024 – 2025. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, đề án thực hiện nghiên cứu, rà soát và thiết lập cơ chế, chính sách, nguyên tắc tổ chức thực hiện, triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình thí điểm dọc hành lang sông.
![Với chiều dài gần 80 km, cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, là lợi thế to lớn để TP Hồ Chí Minh phát triển đô thị theo hướng sông Sài Gòn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_113_51480984/8b72097d3b33d26d8b22.jpg)
Với chiều dài gần 80 km, cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, là lợi thế to lớn để TP Hồ Chí Minh phát triển đô thị theo hướng sông Sài Gòn.
TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ để triển khai. Trong đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc hỗ trợ đề xuất tích hợp các nội dung liên quan phát triển du lịch đường thủy; phối hợp với Sở Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất mô hình công viên bến tàu thủy, phục vụ du lịch và phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, gắn với các chương trình tích hợp giao thông đường thủy với hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu của thành phố.
Đề án thể hiện tham vọng rất lớn của TP Hồ Chí Minh trong việc tăng sức cuốn hút, tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn. Trên cơ sở đề án, là bước quan trọng để thành phố triển khai các dự án đầu tư xây dựng kè bờ sông, hạ tầng xanh đa chức năng cải thiện môi trường đô thị, đóng góp cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ tri thức và công nghệ cao. Kết quả từ đề án sẽ giúp chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh bổ sung yêu cầu quy hoạch phát triển không gian khu vực dọc bờ sông Sài Gòn vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Mở ra không gian kinh tế ven sông
Đánh giá về kỳ vọng của TP Hồ Chí Minh khi ngày càng quan tâm hơn đến tài nguyên ven sông, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh cho biết, từ hơn 10 năm trước vấn đề kinh tế sông đã được UBND Thành phố đưa vào quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau đó được Thủ tướng phê duyệt. Theo quy hoạch này, hành lang đường ven sông Sài Gòn được lên kế hoạch xây dựng dài tới hơn 78 km, từ ranh tỉnh Tây Ninh đến huyện Cần Giờ, với quy mô tuyến đường tối thiểu 4-8 làn.
![Trải nghiệm du lịch đường thủy Water Bus trên sông Sài Gòn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_113_51480984/c50d4602744c9d12c45d.jpg)
Trải nghiệm du lịch đường thủy Water Bus trên sông Sài Gòn.
Mới đây nhất, TP Hồ Chí Minh triển khai thêm Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020 - 2025” với nhiều nội dung, nhiệm vụ và công việc cụ thể được đề ra, để định hướng lộ trình triển khai tài nguyên ven sông. “Những động thái này không những thể hiện tham vọng của các lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, mà còn cho thấy nỗ lực để TP Hồ Chí Minh khẳng định được vị trí chiến lược, vai trò “đầu tàu” kinh tế phía Nam và cả nước của mình” - bà Sâm nhìn nhận.
Quyết tâm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về chiến lược “xoay trục” kinh tế hướng sông Sài Gòn còn được thể hiện cụ thể bằng chuyến công tác của đoàn chuyên gia thành phố, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đi tham quan, học kinh nghiệm quy hoạch sông Senine ở Paris (Pháp) vào tháng 6/2023. Sau đó UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine” để lắng nghe giải pháp, hiến kế từ giới chuyên gia, nhà khoa học. Tiếp sau đó, nhóm nghiên cứu TP Hồ Chí Minh đã đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu, và từng chức năng cụ thể. Trong đó, phân khu 1 được gọi là “phân khu kết nối bản sắc” (đoạn từ huyện Củ Chi, Bến Cát từ thị xã Thủ Dầu Một đến ranh giới TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh). Phân khu 2 với giao diện trù phú bao trùm. Phân khu 3 - bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận, với chức năng “trải nghiệm hạnh phúc”. Phân khu 4 là “Trung tâm cánh cửa tương lai”, từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến cầu Quốc lộ 52.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_113_51480984/4bf7cbf8f9b610e849a7.jpg)
Theo KTS. KS Trần Văn Long, thành viên Đoàn giám sát các dự án của Công ty CP Vinhomes, với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, đã được định hình qua các giải pháp/đề xuất cụ thể thì hành lang ven sông Sài Gòn tương lai gần sẽ trở thành trục “xương sống” kết nội ngoại thành với nội thành, kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ. Dù vậy, ông Long cho rằng, hạ tầng giao thông đường thủy và giao thông ven sông của TP Hồ Chí Minh cho đến nay chỉ mới được khai thác một phần nhỏ. Điều này kéo theo giá trị cảnh quan ven sông Sài Gòn cũng chưa rõ nét. Cũng vì vậy, việc tận dụng cảnh quan ven sông gắn kết với phát triển du lịch, dịch vụ đô thị ven sông còn khá khiêm tốn. Cùng chung quan điểm này, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn khi góp ý về giải pháp quy hoạch tài nguyên ven sông TP Hồ Chí Minh, cũng đã chỉ ra giá trị môi trường xanh rất lớn mà hành lang ven sông mang lại cho đô thị đông dân nhất nước. Hiện nay, dân số TP Hồ Chí Minh đã trên 10 triệu người nhưng chuyên gia này cho rằng không gian xanh trên đầu người lại thấp nhất so với các đô thị lớn trên cả nước, chỉ khoảng 0,5m2/người. Vì vậy, việc tạo thêm cảnh quan, không gian xanh ven sông, kênh rạch thì sẽ đóng góp không nhỏ vào mục tiêu quy hoạch không gian xanh của TP Hồ Chí Minh.
Nhiều góp ý, hiến kế của chuyên gia, nhà nghiên cứu đã và đang giúp chính quyền TP Hồ Chí Minh xem xét, lựa chọn mục tiêu tích hợp quy hoạch dọc hành lang sông Sài Gòn vào quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh, với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, làm rõ hơn sự đóng góp của kinh tế sông cho sự phát triển bền vững, bảo đảm vị thế đô thị “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Đảm bảo khai thác tài nguyên ven sông bền vững
Góp ý về quy hoạch và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành năm 2025, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng TP Hồ Chí Minh nên sớm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất.
Ông Lê Hoàng Châu.
Cần có sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền về rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành. Điều này nhằm không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững. Đối với các quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch (còn lại) cần thực hiện phổ biến hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư khai thác, kinh doanh quỹ đất này có thời hạn; tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án thu gom nước thải đô thị đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung, kết hợp với kè bờ kênh rạch.