Đánh thức tiềm năng du lịch sông nước
Bao đời nay, các hoạt động ven sông thuộc địa phận tỉnh An Giang diễn ra tấp nập, mang nét văn hóa độc đáo của vùng châu thổ Cửu Long. Thế nhưng, hiện nay, việc khai thác loại hình du lịch (DL) này chỉ dừng lại đi ghe, thuyền ngắm cảnh trên sông, các hoạt động trải nghiệm chưa đặc sắc đối với du khách.
Ghe xuồng tấp nập
Mờ sáng, con đò nhỏ tròng trành đưa chúng tôi xuôi dòng Hậu Giang để khám phá hoạt động của người dân miền Tây trên sông nước. Bên bờ sông, chợ Long Xuyên tấp nập ghe xuồng cặp bến trao đổi mua bán hàng hóa nông sản của tiểu thương. Anh Nguyễn Văn Hồng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thứ bảy, gia đình anh đi xe xuống Long Xuyên rất sớm, thuê đò chở tham quan chợ nổi Long Xuyên. “Sáng sớm, khung cảnh sông nước thật yên bình. Đến đây, tôi được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp bức tranh sông nước nhộn nhịp” - anh Hồng bày tỏ.
Mặt trời vừa leo qua khỏi mặt sông, từng chiếc đò dọc chở khách chạy xuôi ngược tham quan chợ nổi. Không khí buôn bán trên sông diễn ra càng sôi động. Anh Lành (lái đò dọc) nói rằng, ngày thường, khách quốc tế tham quan chợ nổi nhiều. Riêng, thứ bảy, chủ nhật, anh Lành chở chủ yếu du khách nội địa rong ruổi trên sông. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, số lượng ghe đậu tại khúc sông này ngày càng giảm do phương tiện đi lại bằng đường bộ phát triển mạnh. Các hoạt động “ăn theo” cũng thưa dần. Rồi đây, hoạt động chở khách DL sẽ mai một. Theo nhiều du khách, cần có một mô hình khác biệt hoạt động trên sông vào lúc bình minh hoặc chiều muộn thì du khách sẽ đến chợ nổi ngày càng đông. Bởi lẽ, vào sáng sớm, tiết trời mát dịu, khung cảnh chợ nổi thanh bình và nên thơ. Vào buổi chiều muộn, mặt trời lặn qua bên kia sông, du khách sẽ được cảm nhận nét đẹp chân quê trên chợ nổi.
Ngược dòng sông Hậu điểm đến thứ 2 rất hấp dẫn là ngã ba sông Châu Đốc. Ven bờ sông thuộc địa phận trị trấn Đa Phước (huyện An Phú) là làng bè đa sắc được sơn phủ “chiếc áo mới” với nhiều gam màu sặc sỡ, trông rất “độc lạ”. Từ sáng tinh mơ đã thấy những du khách nội địa và quốc tế trên chiếc ghe bầu loại lớn du ngoạn trên sông nước. Chúng tôi quan sát thấy những anh “thông ngôn” giới thiệu về vùng đất và con người nơi đây, các du khách người Pháp chăm chú lắng nghe.
Khai thác tốt hơn tiềm năng
Sau thời gian khám phá làng bè nổi, du khách quốc tế ghé tham quan làng Chăm Đa Phước. Gặp vợ chồng ông Mohamad Isa, người bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở làng Chăm đang nhiệt tình mời khách quốc tế tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm. Ông Mohamad Isa vui vẻ nói, mỗi ngày, nhà ông tiếp nhiều du khách quốc tế đến tham quan, mua sắm sản phẩm dệt của đồng bào Chăm. Ai đến đây gặp sản phẩm thổ cẩm đều thích, có người mặc thử chụp hình lưu niệm, khoe với bạn bè.
“Gia đình tôi duy trì nghề dệt thổ cẩm đã 15 năm. Có những ngày cao điểm, gia đình tôi đón 100 khách trong nước và quốc tế đến tham quan và mua sắm sản phẩm thổ cẩm. Tới đây, nhà tôi sẽ thiết kế những món ăn của đồng bào Chăm, như: Cà ri, cơm nị, tung lò mò, lẩu chua… để phục vụ lữ khách đến làng Chăm tham quan, DL” - ông Mohamad khoe.
Là người chuyên nghiên cứu loại hình DL sông nước ở An Giang, Ths. Mai Thị Minh Thuy - giảng viên Khoa Du lịch và Văn hóa - Nghệ thuật (Trường Đại học An Giang) nhận định, hiện nay, việc khai thác DL sông nước ở An Giang dừng lại ở mức du khách di chuyển bằng phương tiện đường thủy, tham quan, ngắm cảnh dọc các tuyến đường thủy. Các hoạt động trải nghiệm DL sông nước chưa đặc sắc, phong phú. Do đó, muốn phát triển DL sông nước cần phát triển cơ sở kỹ thuật, hạ tầng giao thông đường thủy, như: Bến tàu kiên cố, khang trang, có thể được bố trí như một trạm dừng chân, điểm tham quan, chụp ảnh được thiết kế hài hòa với môi trường sông nước tự nhiên, dễ tiếp cận từ giao thông đường bộ, kết hợp kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đặc sản.
Phương tiện ghe, tàu DL phải an toàn, rộng rãi, hài hòa mới môi trường, cảnh quan tự nhiên, du khách có thể tham gia trải nghiệm ẩm thực, tham gia cooking class (lớp dạy nấu ăn) một số món ăn đặc sản địa phương, thưởng thức biểu diễn nghệ thuật ngay trên tàu. Ngoài ra, chúng ta cần mạnh dạn phát triển các tour DL đường thủy kết hợp nhiều điểm tham quan (làng văn hóa dân tộc, làng bè, chợ nổi, chợ truyền thống, các làng nghề thủ công, các điểm tham quan di tích, vườn cây ăn trái trên bờ). Kết hợp di chuyển đường sông tham quan di tích, trải nghiệm văn hóa dân tộc, tham gia lễ hội, trải nghiệm đời sống cộng đồng tại chợ hay các địa điểm sinh hoạt cộng đồng, ẩm thực địa phương.
Ngoài ra, khi tổ chức tham quan cảnh quan sông nước phải kết hợp các điểm đến trên bộ, như: Vườn trái cây, khu canh tác nông nghiệp, trải nghiệm các hoạt động câu cá, đánh bắt thủy sản trên sông. Kết hợp di chuyển bằng tàu thủy với các hoạt động chèo kayat, chèo sup, tắm sông, tắm đồng mùa nước nổi. Nhiều phương tiện vận chuyển, như: Di chuyển đường thủy tham quan cảnh quan trên sông, ven bờ sông kết hợp các điểm dừng chân đường bộ, tham quan các điểm hấp dẫn bằng việc đi bộ, xe đạp, xe ngựa, thậm chí kết hợp ôtô khi điểm kết nối có khoảng cách xa hơn.
Ths. Mai Thị Minh Thuy đề xuất, tổ chức tour DL đường sông rất cần xây dựng cốt truyện, với chủ đề hấp dẫn cho từng tuyến tham quan để mang lại những ý nghĩa đặc biệt, hấp dẫn du khách. Khai thác các chất liệu dân gian, như: Giai thoại, sự tích, truyện kể về địa phương để lồng ghép vào các bài thuyết minh giúp du khách hiểu rõ hơn và có ấn tượng sâu sắc hơn về địa phương. Chọn lọc một số điểm nhấn trên tuyến tham quan đường sông để du khách chụp ảnh “check-in” khi tham gia tour. Các điểm “check-in” cần có cảnh quan đẹp, dễ nhận diện, hài hòa với môi trường tự nhiên, có thể tạo thành hình ảnh điểm đến của tour đường sông An Giang.
Nếu làm tốt những yếu tố này, DL sông nước ở An Giang sẽ được đánh thức, mở ra cơ hội phát triển hơn nữa cho loại hình đầy tiềm năng này.