Đàn ông gây tai nạn nhiều hơn, sao lại bỉ bôi 'bán xăng cho phụ nữ là tội ác'?
Nhiều tài liệu cho thấy đàn ông chiếm đa số trong các tài xế gây tai nạn, sao lại nhắc mãi câu nói đầy định kiến 'bán xăng cho phụ nữ là tội ác'?
Đọc bài viết “Vợ tôi lái ô tô chỉ để đua đòi, tháng nào cũng mất cả đống tiền vì va quệt”, bên dưới có không ít bình luận chế giễu việc phụ nữ ngồi sau vô lăng, tôi thấy ngạc nhiên và tức giận. Tôi cũng là phụ nữ, đã lái ô tô nhiều năm nay, bạn bè, đồng nghiệp nữ của tôi hiện giờ phần lớn cũng tự lái và không có vấn đề gì đáng chê bai cả. Những trường hợp như vợ của tác giả bài viết đúng là có, nhưng không chiếm đa số và không đại diện cho các nữ tài xế.
Đàn ông hay là đàn bà, chỉ cần học đủ sâu, lái xe đủ lâu, rèn luyện đủ nhiều thì chắc chắn tay lái sẽ nâng cao và trở nên "cứng" hơn. Đã đến giữa thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21 rồi mà các quý ông còn tự mãn nhắc đi nhắc lại câu nói đầy định kiến “Bán xăng cho phụ nữ là tội ác” thì quả là quá phiến diện.
Phát ngôn này không chỉ thiếu tôn trọng phụ nữ mà còn thể hiện sự ích kỷ, tính nhỏ mọn, gia trưởng. Có lẽ khi nói như vậy, nhiều người muốn hạ thấp phụ nữ để tìm cảm giác nâng mình lên và có được cảm giác nhìn từ trên cao. Trong khi đó, lái xe là một kỹ năng được rèn luyện qua thực hành, dĩ nhiên năng khiếu cá nhân có ảnh hưởng nhưng đàn ông hay phụ nữ cũng đều có.
Tôi tự tin mình lái xe giỏi không kém gì chồng, tất cả là nhờ kinh nghiệm lái lâu năm, từ khoảng 10 năm trước, khi tôi mới tốt nghiệp đại học. Thời điểm đó, ở công ty tôi, nhiều người coi việc một cô gái vừa ra trường đã thành thạo lái xe đi làm là điều đáng để ý, và tôi cũng gặp một vài điều khó chịu.
Một số đồng ngiệp xì xào nói tôi là hậu bối mà thích thể hiện. Còn khi đi hẹn hò làm quen, có quý anh biết tôi đi làm bằng xe 4 bánh mỗi ngày đã lên lớp rằng "phụ nữ lái xe làm gì nguy hiểm lắm em".
Khi đi trên đường, gặp trường hợp va chạm giao thông, không ít lần tôi nghe ai đó nói "chắc do quý bà nào ngồi sau vô lăng đây mà", hoặc nếu thấy một bên là nữ thì mặc định luôn tài xế nữ có lỗi dù chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện thế nào.
Tôi cũng nhiều lần nghe cánh đàn ông cười cợt, bảo "bán xăng cho phụ nữ là tội ác", nhưng đã dùng thực tế 10 năm qua để chứng minh điều này sai. Tôi thầm cảm ơn bản thân vì đã có bằng lái từ sớm và không ngừng học hỏi để nâng cao tay lái. Nhờ biết lái xe, tôi luôn có thể chủ động trong công việc, bất chấp điều kiện thời tiết nắng hay mưa, cũng như giúp đỡ gia đình khi có việc cần.
Chồng tôi mới lái xe được 6 năm, sau khi kết hôn. Mỗi khi anh nhậu say, tôi lại đóng vai trò tài xế đón anh về. Khi nhà nội có việc mà chồng bận, tôi vẫn lái xe đưa đón bố mẹ chồng. Những lần ngồi sau vô lăng, tôi cũng linh hoạt, quyết đoán và vững tâm lý không kém gì tài xế nam.
Và quan trọng là, tôi chưa một lần gây ra va quệt, những lần có đụng chạm trên đường thì bên có lỗi không phải là tôi.
Các anh chê bai nữ tài xế với định kiến chị em lái kém và dễ gây tai nạn, nhưng đó đâu phải là sự thật. Theo phân tích của tờ The Guardian, ở Anh, nguy cơ gây va chạm khiến người đi bộ bị thương hoặc tử vong ở các nam tài xế cao gấp 3 lần nữ tài xế. Dữ liệu về tai nạn và hành trình đường bộ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, có khoảng 4.300 nam tài xế liên quan đến các vụ tai nạn giao thông, trong khi con số này ở phụ nữ là 1.400.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Anh, năm 2021, trong các vụ tai nạn giao thông có tài xế thiệt mạng, 78% tài xế là nam giới. Tỷ lệ đàn ông lái ô tô quá tốc độ cũng cao gấp 3 lần phụ nữ. Một cuộc khảo sát cho thấy, 30% nam giới thường chạy trên 100 km/h, trong khi con số này ở phụ nữ là 9%.
Tại Pháp, theo Trung tâm Giám sát an toàn giao thông, đàn ông chịu trách nhiệm cho 84% số vụ tai nạn giao thông gây tử vong tại nước này, đồng thời chiếm 75% số vụ tai nạn giao thông gây thương tích nghiêm trọng và 93% số vụ tai nạn do tài xế say rượu.
Nếu như ai đó nghĩ rằng con số trên không mang nhiều ý nghĩa vì số phụ nữ lái xe thấp hơn nam giới, thì hãy xem con số thống kê này: Phụ nữ chiếm tới 42% tổng số tài xế có bằng lái của Pháp. Quãng đường đi được hàng năm của các nữ tài xế trung bình là 11.200km, không thấp hơn bao nhiêu so với đàn ông, 12.500km.
Còn ở Mỹ, theo dữ liệu từ Cục An toàn đường cao tốc, mỗi năm nam giới nước này gây ra khoảng 6,1 triệu vụ tai nạn, còn phụ nữ gây ra 4,4 triệu vụ. Tỷ lệ có bằng lái của 2 giới tương đương nhau. Các nghiên cứu chỉ ra, nam tài xế dễ có hành vi lái xe nguy hiểm hơn (như uống rượu, không thắt dây an toàn, chạy quá tốc độ...). Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ, năm 2019, khoảng 81% số người bị bắt vì điều khiển xe trong tình trạng say xỉn là nam giới.
Một nghiên cứu khác chỉ ra, các nam tài xế hay lái xe trong lúc buồn ngủ nhiều hơn phụ nữ. Trong khi đó, những người ngủ ít hơn 4 tiếng mỗi ngày có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao gấp 11,5 lần bình thường.
Nguyên nhân khiến tài xế nam nguy hiểm hơn tài xế nữ có lẽ một phần xuất phát từ tính tự mãn của các quý ông trong chuyện xe cộ, như lời ông McConnell, Giám đốc trường đào tạo lái xe cho thanh thiếu niên Dave's Driving School tại Mỹ: “Các cô gái thường dễ dạy hơn bởi họ muốn học cách trở thành tài xế giỏi, còn các chàng trai thì thực sự nghĩ rằng họ đã biết mọi thứ”.
Rõ ràng, nếu cần điền vào chỗ trống ở câu "Bán xăng cho... là tội ác" thì từ cần điền là đàn ông chứ không phải phụ nữ. Tất nhiên, đây chỉ là cách nói tu từ, vì quan điểm của tôi luôn là, năng lực lái xe và mức độ an toàn không do giới tính quyết định.
Là một tài xế nữ, tôi tự tin khẳng định rằng lái xe không có gì khó cả. Chị em hãy cứ mạnh dạn học, mạnh dạn thi lấy bằng và mạnh dạn lái ra đường, đừng vì những định kiến mang tính hù dọa mà từ bỏ cơ hội cũng như sở thích cầm vô lăng của mình. Nếu đã trải qua kỳ sát hạch gắt gao và được trao bằng lái, bạn hoàn toàn đủ tiêu chuẩn điều khiển xe, hoàn toàn xứng đáng được công nhận và tôn trọng.