Đảm bảo phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước theo ngành

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 13-2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu tập trung phân tích nhiều nội dung cụ thể được quy định tại dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh tới quy định về vấn đề phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong các dự thảo luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thảo luận tại tổ 15 với đoàn ĐBQH các tỉnh Lai Châu, Quảng Trị

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thảo luận tại tổ 15 với đoàn ĐBQH các tỉnh Lai Châu, Quảng Trị

Cơ chế phân cấp thực hiện chưa rõ ràng

Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng, mặc dù về nguyên tắc, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương được xác định rõ ràng, nhưng khi triển khai thực hiện vẫn còn nhiều thủ tục phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương. Điều này khiến cho việc thực hiện các dự án, chính sách ở địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo đại biểu Vũ Ngọc Long, dự thảo luật mới chỉ thu hẹp và gọn lại các quy định cũ về tổ chức chính quyền địa phương, mà chưa có cơ chế thực hiện rõ ràng. Điều này dẫn đến việc thực hiện vẫn khó khăn, như trường hợp của TP. Hồ Chí Minh khi được cấp "cơ chế đặc thù" tức là phân cấp, phân quyền cho địa phương rất là rõ nhưng khi thực hiện cũng không nhanh hơn được.

Tổng kết có mấy trăm thủ tục vẫn phải xin Trung ương. Đơn cử như khi làm dự án liên quan đến rừng, liên quan đến chuyển đổi rừng phải có ý kiến của bộ, ngành; có những thủ tục đơn giản như thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực trong một cụm công nghiệp nhỏ cũng phải từ cấp bộ, trong khi thực tế những điều kiện để cấp vẫn là Sở Công Thương và chính quyền địa phương xác nhận, chịu trách nhiệm.

Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Vũ Ngọc Long đề nghị cần rà soát toàn diện các luật, quy định liên quan để đảm bảo phân cấp, phân quyền không chỉ về mặt lãnh thổ mà còn về quản lý nhà nước theo ngành. Đồng thời, cần có cơ chế thực hiện cụ thể để địa phương có thể triển khai hiệu quả. Đại biểu cũng đề nghị cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền địa phương, từ quản lý hồ sơ cán bộ đến các thủ tục hành chính, nhằm giảm thiểu các thủ tục rườm rà, phức tạp hiện nay.

Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận

Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận

Liên quan đến dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Đây là cơ hội lớn để thực hiện cải cách mạnh mẽ về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hiện nay.

Theo đại biểu Phan Viết Lượng, các cơ quan đã dày công nghiên cứu và đưa ra dự thảo ban đầu, sau đó qua nhiều lần thảo luận, điều chỉnh. Tuy nhiên, việc cuối cùng "dừng lại" trong lần này được cho là quá tiếc nuối. Chính phủ cần báo cáo rõ hơn với Quốc hội về các đề xuất đưa vào và rút ra, đồng thời khẩn trương tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể để thực hiện đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Thành lập tổ chức hành chính là hướng về cuộc sống người dân

Về nguyên tắc tổ chức đơn vị hành chính và điều kiện thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quy định tại Điều 9 dự thảo luật, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị cân nhắc lại quy định: Việc tổ chức đơn vị hành chính phải phù hợp với năng lực quản lý của bộ máy chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số...

Theo đại biểu quy định như vậy không phù hợp và cũng không thống nhất với điểm b, khoản 1 của điều này, đó là: Tổ chức đơn vị hành chính phải phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của từng đơn vị hành chính.

Đại biểu Phan Viết Lượng nhấn mạnh: Vấn đề lớn nhất đặt ra trong việc thành lập tổ chức hành chính, chính là hướng về phát triển, hướng về cuộc sống người dân; không phải vì năng lực của tổ chức hành chính đó, không vì năng lực của chuyển đổi số mà đòi hỏi việc tổ chức lại đơn vị hành chính.

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phát biểu thảo luận

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phát biểu thảo luận

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Trong đó đề xuất: Nghiên cứu quy định về điều khoản về đối tượng áp dụng; quy định cụ thể, hợp lý về thời hạn hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế...

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/169117/dam-bao-phan-cap-phan-quyen-ve-quan-ly-nha-nuoc-theo-nganh
Zalo