Tâm tư của Giáo hoàng Francis về cuộc khủng hoảng môi trường
Khủng hoảng môi trường ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và chất vấn lương tâm chúng ta. Chúng ta không thể giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.
Thật là một cảnh tượng đáng lo âu khi chứng kiến sự tàn phá rừng rậm và đại ngàn, những vùng đất mà suốt hàng thế kỷ, thậm chí là hàng thiên niên kỷ, các dân tộc bản địa đã biết cách tôn trọng và bảo vệ. Ngày nay, những vùng đất ấy và những dân tộc ấy đang bị hủy hoại chóng mặt bởi một sự tiến bộ sai lầm.

Giáo hoàng Francis nhận một chậu cây do một người bản địa Amazon tặng khi cử hành Thánh lễ bế mạc Thượng hội đồng về Amazon, 27/10/2019 tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican. Ảnh: Vatican Media.
Những con sông từng chứng kiến trẻ em bơi lội đùa vui và từng nuôi dưỡng các thế hệ ông bà và cha mẹ các em nay bị ô nhiễm, bẩn thỉu và chết dần. Có lẽ chưa bao giờ các dân tộc bản địa bị đe dọa nhiều đến thế trên chính lãnh thổ của mình như bây giờ.
Trong những chuyến tông du của tôi đến Temuco, giữa dân tộc Mapuche, hay đến Puerto Maldonado, giữa những người Amazon, hoặc ở Chiapas và hội nghị Aparecida, tôi đã cảm nhận được sự khôn ngoan, kiến thức và những vết thương sâu sắc nơi những người nam nữ đó, những người biết cách sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên như một nguồn sống, như ngôi nhà chung và bàn thờ để nhân loại cùng chia sẻ.
Thế nhưng, quá nhiều lần, và theo cách có hệ thống và cơ cấu, những dân tộc đó đã bị hiểu lầm và gạt ra lề xã hội. Nhiều người coi thường giá trị, văn hóa và truyền thống của họ. Nhiều người khác, u mê trước cơn khát quyền lực và tiền bạc, đã tước đoạt đất đai của họ, bóc lột, gây ô nhiễm và hủy hoại chúng. Như lời của nữ ca sĩ và thi sĩ người Chile, Violeta Parra:
"Arauco có một nỗi đau mà thôi không thể lặng im / Đó là những bất công kéo dài hàng thế kỷ mà ai cũng thấy vẫn đang diễn ra".
Arauco - vùng đất của người Mapuche, Dân tộc của Đất - có một nỗi đau mà tôi không thể im lặng, đó là những bất công hàng thế kỷ mà mọi người đều thấy. Những nỗi đau, những mất mát và những bất công đó là điều mà nhân loại cần phải xin ơn tha thứ.
Nhầm lẫn giữa sự hợp nhất và sự đồng nhất là một cám dỗ quái ác. Sự hợp nhất không phải là một hình thức hòa nhập cưỡng ép hay là sự loại trừ được ngụy trang bằng vẻ hòa hợp. Đúng hơn, đó là sự đa dạng được hòa giải. Sự hợp nhất của những người biết lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau là vũ khí duy nhất chúng ta có để chống lại "nạn phá rừng", và trước hết là sự tàn phá cánh rừng của hy vọng và lương tâm. Sự thật, một sự thật bi thảm và cấp bách, là hôm nay chúng ta rất cần sự khôn ngoan, hiểu biết ấy của họ, và ngay cả kho báu đau thương chứa đựng những vết thương đó.
Vì điều này, tôi đã nói đầy khẩn thiết với các bạn trẻ của các dân tộc bản địa rằng: đừng chấp nhận những gì đang xảy ra. Đừng từ bỏ cuộc sống và những ước mơ của các bạn. Hãy chuẩn bị, học hỏi, nhưng xin đừng từ bỏ di sản của ông bà, tổ tiên các bạn. Bởi thế giới này đang rất cần các bạn, và chúng tôi cần các bạn như các bạn vốn là.
Hãy trở thành những người thầy của chúng tôi: cuộc khủng hoảng môi trường mà chúng ta đang trải qua, một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử, cùng những gốc rễ mang tính con người và xã hội của nó, đều ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và chất vấn lương tâm chúng ta. Chúng ta không thể giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.