Đại thắng mùa Xuân 1975 - biểu tượng của khát vọng hòa bình và thống nhất non sông
Hòa bình, độc lập, thống nhất không chỉ trở thành sự nghiệp đấu tranh của toàn dân mà còn là khát vọng, mục tiêu của quân, dân Việt Nam khi chống chọi với các chiến lược chiến tranh thực dân mới của Mỹ và tay sai. Sau Hiệp định Paris năm 1973, khát vọng, mục tiêu đó càng cháy bỏng và chỉ có thể đạt được bằng sự tiếp tục con đường cách mạng bạo lực, thực hiện tổng tiến công và nổi dậy...
Hòa bình thống nhất - một khát vọng, một sự nghiệp đấu tranh
Ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc”. Một ngày sau khi Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước, xác định: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”. Sau đó, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở toàn dân “kiên quyết phấn đấu để thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình”.
Hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ vừa là khát vọng của dân tộc, vừa là ý chí, sự nghiệp đấu tranh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam từ Bắc chí Nam trong hàng chục năm kháng chiến. Khát vọng ấy thể hiện qua cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt, kiên quyết chống các chiến lược chiến tranh thực dân mới của Mỹ và tay sai của các giai đoạn, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973).

Nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng chiến thắng, tháng 5-1975.Ảnh tư liệu
Cơ hội pháp lý Hiệp định Paris và con đường cách mạng bạo lực
Hiệp định Paris được ký kết đã mở ra bước ngoặt mới cho việc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ với thực tế “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông sau 18 năm đánh bại các chiến lược chiến tranh trên thực địa chiến trường, nay có thêm pháp lý Hiệp định Paris.
Tuy nhiên, chiến tranh hiện đại của Mỹ là đế quốc toàn cầu, không dễ dàng chấp nhận thua trước cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Đây còn là chiến tranh thực dân mới với những công cụ ngụy quyền và ngụy quân tay sai được nuôi dưỡng, rèn luyện hàng chục năm, có sức kháng cự lớn. Để kết thúc chiến tranh, việc sử dụng pháp lý hiệp định phải được thực hiện theo yêu cầu của cách mạng bạo lực. Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (đợt 1, giữa năm 1973) đã chỉ rõ: “Hòa bình vẫn chưa thật sự được lập lại” và “tình trạng nửa chiến tranh nửa hòa bình hiện nay còn kéo dài và có thể phát triển theo hai khả năng”; nhưng “con đường tiến lên giành thắng lợi của cách mạng miền Nam chỉ có thể là con đường bạo lực diễn ra dưới hình thức này hay hình thức khác”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10-1973) nêu rõ: Phương hướng chủ động tích cực, có lợi nhất cho sự nghiệp cách mạng của cả nước trong giai đoạn này là luôn luôn giương cao ngọn cờ hòa bình và chính nghĩa, đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao, buộc địch phải thi hành hiệp định để thắng địch. Đồng thời hội nghị xác định: “Chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn”.
Từ chỉ đạo thực tiễn đúng đắn và kịp thời ấy, khát vọng hòa bình thực sự để tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước đòi hỏi phải thực hiện hai yêu cầu nhiệm vụ cơ bản của chiến tranh trong giai đoạn cuối. Một là, tích cực và chủ động đấu tranh cho pháp lý Hiệp định Paris bằng việc buộc đối phương phải thi hành hiệp định và trừng trị địch vi phạm hiệp định. Hai là, tích cực xây dựng thực lực cách mạng, nhất là lực lượng vũ trang để tạo ra so sánh lực lượng áp đảo nhằm chủ động kết thúc chiến tranh.
Nam Bộ và các chiến trường ở miền Nam từ cuối năm 1973 đã đẩy mạnh chống phá bình định lấn chiếm của địch. Đó cũng là quá trình xây dựng các quân đoàn chủ lực với các sư đoàn thiện chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam đứng chân trên các địa bàn chiến lược.
Ba bước thăm dò và trinh sát chiến lược cho đòn tiến công và nổi dậy
Để thực hiện kế hoạch tổng thể giải phóng miền Nam, ta tổ chức trận thăm dò thứ nhất ở Thượng Đức (Quảng Nam, tháng 7-1974) thăm dò khả năng và so sánh lực lượng hai bên ta-địch. Kết quả là ta giải phóng hoàn toàn quận Thượng Đức, địch không có khả năng tái chiếm. Trận thăm dò này vừa có ý nghĩa chiến thuật (lối đánh chủ lực) vừa có ý nghĩa chiến lược (quy mô giải quyết cấp quận), nhưng rõ ràng mới là bước thấp, chưa phản ánh đầy đủ so sánh lực lượng.
Bước vào mùa xuân 1975, một trận thăm dò thứ hai được ráo riết thực hiện ở miền Đông Nam Bộ. Trận thăm dò này - Chiến dịch Đường 14-Phước Long kết thúc với việc địch cam chịu thất thủ hoàn toàn tỉnh Phước Long, địch không đủ sức phản công tái chiếm cho thấy sự suy yếu nghiêm trọng của chúng trên chiến trường miền Nam, ngụy quyền Sài Gòn đã đến hồi suy sụp. Hơn nữa, đây còn mang tính chất trận trinh sát chiến lược khi điều “mấu chốt nhất phải cân nhắc là liệu Mỹ có trở lại miền Nam hay không” đã được trả lời: Mỹ không còn khả năng đưa quân quay lại can thiệp vào miền Nam Việt Nam.
Thăm dò lần thứ hai đưa đến kết luận: “Chúng ta nhất trí phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976” và “chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”.
Đầu tháng 3-1975, vẫn cần một trận thăm dò chiến lược thứ ba ở ngay Mặt trận Tây Nguyên trong khuôn khổ cuộc tiến công chiến lược-Chiến dịch Tây Nguyên. Giống như trận mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13-3-1954 tiến công Him Lam (một trung tâm đề kháng mạnh gồm 3 cứ điểm nằm trên 3 quả đồi sát kề nhau bên Đường số 41, làm rúng động toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp, trận Buôn Ma Thuột (ngày 10 và 11-3-1975) làm rúng động toàn bộ Tây Nguyên, đẩy địch đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, trước hết là trên toàn chiến trường Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ, tác động trực tiếp đến chiến trường Nam Bộ.
Thăm dò lần thứ ba đưa cuộc tiến công chiến lược với kế hoạch hai năm 1975-1976 chuyển thành tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường với kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Khát vọng hòa bình, thống nhất đến đây thậm chí đã có thể lượng hóa được khá chính xác với “quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian sớm nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”.
Ngày 30-4: Cách kết thúc Sài Gòn còn nguyên vẹn
Khi đại quân với hàng vạn người có đủ vũ khí quân, binh chủng, chia thành 5 cánh quân và cài thế chiến lược chiến tranh nhân dân kết hợp tổng tiến công và nổi dậy, chiến trận ở Sài Gòn sẽ kết thúc theo những kịch bản nào?
Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn từng lớn tiếng hù dọa về “một ngày tắm máu” khi cộng sản vào Sài Gòn. Chúng từng thực hiện chiến tranh phá hoại với dã tâm đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá và ném bom rải thảm sao cho hai viên gạch không còn dính với nhau; vậy nên họ lên “kịch bản” kết thúc chiến tranh theo cách trả thù và tàn sát đối phương, làm cho nhiều binh lính, sĩ quan và nhân viên ngụy quyền Sài Gòn hoảng sợ ùa đi di tản.
Có thể có một số toan tính từ bên ngoài muốn kéo dài cuộc chiến hoặc không muốn kết thúc bằng sự thất bại hoàn toàn; nhưng họ không thể lôi kéo Tổng thống ngụy Dương Văn Minh khi ông ta đã kịp nhận ra thực chất của vấn đề: “Chúng ta đã bán nước cho Mỹ rồi. Bây giờ họ lại bắt chúng ta bán nước cho một nước thứ ba nữa”.
Các nhà báo nước ngoài có mặt ở Sài Gòn tháng 4-1975 đã mường tượng và chép lại việc kết thúc chiến tranh bằng "Cuộc tháo chạy tán loạn" (Frank Snepp) hay "55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ" (Alan Dawson). Còn Borries Gallasch chủ biên cuốn "Thành phố Hồ Chí Minh giờ khắc số 0-Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm"... Tất cả đều không ai hình dung ra cách kết thúc chiến tranh như thực tế ngày 30-4-1975; họ không thể ngờ đến việc Sài Gòn vẫn còn gần như nguyên vẹn khi kết thúc cuộc chiến ác liệt ấy.
Chỉ những ai có khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc mới nói đến cách kết thúc chiến tranh bằng biện pháp hòa bình, thống nhất non sông. Nghệ thuật quân sự Việt Nam được phát triển lên đỉnh cao mới trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó độc đáo nhất là việc giải phóng Sài Gòn mà thành phố vẫn gần như nguyên vẹn. Với lực lượng tập trung đủ các quân, binh chủng, 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn thực hiện phương án đánh nhanh, dứt điểm nhanh theo phương châm “thần tốc, táo bạo”, nhằm vào những mục tiêu quân sự trọng điểm đã lựa chọn, bảo đảm chắc thắng; làm cho đối phương dù còn rất đông quân và vũ khí, phương tiện chiến tranh rất hiện đại, cũng không thể “tử thủ”, không thể tiến thoái và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu hàng không điều kiện.
Đội quân cách mạng với khát khao hòa bình, thống nhất, cùng dân tộc tạo nên sức mạnh “một ngày bằng hai mươi năm” đủ sức giành lấy hòa bình, thống nhất. Đội quân cách mạng ấy lúc này đủ sức đánh tiêu diệt toàn bộ lực lượng còn lại của địch, hình thành thế trận bao vây, tiêu diệt, làm tan rã chủ lực của địch ở vòng ngoài; nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ven đô, đập tan lực lượng địch tại vòng trong; đột kích bằng cơ giới mạnh đánh thẳng vào các mục tiêu quan trọng nhất trong nội đô. Đặc biệt còn có lực lượng nổi dậy của quần chúng nhân dân ở hầu khắp các quận, huyện nội, ngoại thành, ngay cả địa bàn trung tâm và các cửa ngõ quan trọng của Sài Gòn, quần chúng đông đảo nổi dậy và tiếp sức cho hàng chục sư đoàn quân cách mạng ập vào từ 5 hướng giải phóng Sài Gòn.
Nhưng trước giờ phút sinh tử của ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn, đội quân chiến thắng ấy đã thực hiện “mở đường hiếu sinh” (như "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi đã viết), bắt buộc và cho phép đối phương “cởi giáp ra hàng”. Việc lấy đại nghĩa làm trọng, thực hiện khoan dung đã giải thích rõ bản chất sự việc đầu hàng không điều kiện của Tổng thống ngụy Dương Văn Minh trưa 30-4-1975 là việc làm cần thiết, kịp thời, không chỉ có ý nghĩa logic đến việc giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn mà còn trực tiếp kết thúc cuộc chiến nhanh nhất, làm mất ý chí và điều kiện của những thế lực chống đối muốn “tử thủ”; đồng thời dập tắt mọi hy vọng về “thương lượng đàm phán” vốn đã bị Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn chà đạp, phá hoại ngay sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực.
Hội nghị hiệp thương chính trị - hòa bình thống nhất non sông
Thế kỷ 20, thế giới có một số trường hợp chia cắt và đấu tranh thống nhất đất nước nhưng đến năm 1975 mới chỉ có một trường hợp chiến tranh thống nhất đất nước thành công. Việt Nam ngày 30-4-1975, non sông đã liền một dải, Bắc-Nam đã sum họp một nhà, hòa bình đã thực sự trở về sau hàng chục năm trường kỳ kháng chiến. Sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, thống nhất Tổ quốc đã đi được chặng đường dài, còn lại một đoạn ngắn cuối cùng là thống nhất về mặt nhà nước.
Từ ngày 15 đến 21-11-1975, Hội nghị hiệp thương chính trị hai miền Nam-Bắc được tổ chức. Hội nghị tập trung thống nhất giải quyết những vấn đề cơ bản về yêu cầu và nội dung của sự nghiệp thống nhất nước nhà, tầm quan trọng, tính cấp bách, những bước đi và biện pháp của việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước, trong đó, công việc trung tâm là tiến tới tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Theo đó, đến ngày 25-4-1976, cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI đã được tiến hành đúng kế hoạch; Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI (từ ngày 24-6 đến 3-7-1976) đã diễn ra đúng dự kiến. Đến đây, Việt Nam đã hoàn tất toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước; đồng thời ngăn chặn những toan tính từ bên ngoài muốn kiềm chế thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thực địa cũng như về pháp lý.