Thuyền trưởng tàu không số kể chuyện 18 lần vượt biển thành công

Trong thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có sự đóng góp và hy sinh to lớn của những con tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển.

Câu chuyện 18 lần vượt biển thành công của thuyền trưởng Vũ Trung Tính cùng đồng đội phần nào nói lên được sự sáng tạo, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện vũ khí cho tiền tuyến miền Nam.

Thuyền trưởng tàu không số Vũ Trung Tính.

Thuyền trưởng tàu không số Vũ Trung Tính.

Đã lên đường là chấp nhận hy sinh

Nói chấp nhận hy sinh bởi mỗi chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam của tàu không số là cuộc đối đầu, đấu trí, đấu lực giữa những chiếc tàu nhỏ bé với lực lượng dày đặc Hải quân Hạm đội 7 của Mỹ, Hải quân ngụy Sài Gòn, phòng tuyến cảnh giới lục soát của hệ thống radar đối hải quét dọc bờ biển từ Cửa Việt đến Hà Tiên, cùng các đồn bốt, trạm kiểm soát cửa ngõ luồng lạch ven biển của địch... Trước mỗi chuyến đi, các cán bộ, chiến sỹ tàu không số xác định sẵn sàng hy sinh nếu tàu, vũ khí rơi vào tay giặc.

Sau những lời tâm huyết đó, cựu chiến binh Vũ Trung Tính, nguyên hàng hải số 1, thuyền phó, thuyền trưởng tàu không số Đoàn 125 tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển kể lại một vài chuyến đi trong 18 chuyến vượt biển thành công mà ông cùng đồng đội ghi nhớ suốt đời.

“Chuyến đi đầu tiên khởi hành vào tháng 6/1964, tàu 42 chở 60 tấn vũ khí từ cảng K15, Đồ Sơn (Hải Phòng), điểm cập bến là Vàm Lũng (Cà Mau). Lúc đó, tôi ở vị trí là hàng hải số 1, suốt một tuần lênh đênh trên biển, gặp rất nhiều tàu địch, nhưng đã luồn lách tránh được. Khi vào gần bờ thấy những ánh sáng nhấp nháy cả một vùng, tưởng là thành phố, nhưng khi bắt được liên lạc với bến mới biết đó là những đàn đom đóm phát quang trên rừng đước. 1 giờ sáng, tàu 42 cùng các đồng chí ở bến bốc hàng xong, thấy cơ hội liền quay ngay ra Bắc. Vạn sự khởi đầu nan, chuyến đi đầu tiên thành công ngoài mong đợi”, ông Tính kể.

Đoàn 125 tàu không số có 3 tàu được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, cựu chiến binh Vũ Trung Tính vinh dự được làm nhiệm vụ trên 2 con tàu Anh hùng là 42 và 154. Vô lăng tàu 42 Anh hùng được trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân.

Chuyến đi thứ 3, tàu 42 tiếp tục chở 60 tấn hàng và đã cập bến Cà Mau an toàn. “Khi quay ra Bắc, ngày 5/8/1964, gần đến vĩ tuyến 17 thì được tin Mỹ ném bom các căn cứ hải quân sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường, sông Mã, Bãi Cháy, Hòn Gai, chúng tôi càng thấy những chuyến vượt biển mang vũ khí cho miền Nam có ý nghĩa đến nhường nào”, cựu chiến binh Vũ Trung Tính nói.

Chuyến đi tháng 11/1964, tàu 42 tiếp tục nhận được lệnh chở vũ khí vào Cà Mau. Vừa rời K15 Đồ Sơn thì gió mùa Đông Bắc tràn xuống, sóng to gió lớn nhiều cán bộ và thuyền viên say sóng. Nhưng tàu vẫn vào Cà Mau giao hàng trót lọt.

Khi quay ra Bắc, tàu được đồng chí Bông Văn Dĩa - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân đầu tiên của Đoàn 125 tàu không số, người đi tàu gỗ đầu tiên từ Nam ra miền Bắc (năm 1961) xin vũ khi và vận chuyển vào Nam an toàn - tặng Vườn Bách thú Hà Nội con rái cá tinh khôn. Tàu ra gần quần đảo Trường Sa thì gặp bão số 6. Mặt biển đen thẳm, tới tấp những con sóng cao 2-3 mét hất tàu lên rồi lại dìm xuống. Không nấu được cơm, cả tàu phải nhịn đói, mỗi người thay nhau lái 10 phút. Nhiều lúc, tàu “vặn mình” răng rắc như gãy tung. Mấy ngày đêm liền, tàu 42 tả tơi hứng trọn cơn bão biển kinh hoàng. Con rái cá không ăn uống được gì, nên đã chết, cả tàu xót xa mãi.

Tái mở đường sau sự kiện Vũng Rô

Sau sự kiện Vũng Rô đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ diện, từ tháng 2/1965 đến tháng 10/1965, Đoàn 125 tổ chức nhiều chuyến tàu chở vũ khí vào Nam, nhưng không một tàu nào vào được, hoặc phải quay về, hoặc chiến đấu hy sinh cả tàu, cả người cùng vũ khí. Biết bao đồng chí cùng những con tàu đầy vũ khí mãi mãi yên nghỉ dưới đáy biển sâu.

Trong khi đó, chiến trường miền Nam liên tục yêu cầu vũ khí. Trước tình hình này, Quân ủy Trung ương giao Quân chủng Hải quân và Đoàn 125 tìm phương thức vận chuyển mới. Đoàn 125 đã chọn tàu 42 thực hiện chuyến đi tái mở đường Hồ Chí Minh trên biển sau sự kiện Vũng Rô.

Sau 3 tháng chuẩn bị, 22 giờ ngày 15/10/1965, tàu 42 với nước sơn mới màu ngọc bích, như tàu đánh cá một số nước Đông Nam Á, trên tàu chở 60 tấn vũ khí, trong đó có 4 quả thủy lôi MKP của Liên Xô, mỗi quả nặng hơn một tấn, đã rẽ sóng vượt biển chi viện cho chiến trường. Để giữ bí mật, tàu đi bằng phương pháp thiên văn, dựa vào mặt trăng, mặt trời và các vì sao để xác định kinh vĩ độ là chính, nên đòi hỏi người cán bộ hàng hải phải tính toán những bài toán thiên văn chính xác, linh hoạt nhất.

Đến quần đảo Bầy Sư (Trung Quốc), tàu vừa chuyển hướng theo kế hoạch thì gặp tàu khu trục Hạm đội 7 sát trên đầu, máy bay trinh sát Mỹ quần đảo, nhìn thấy cả phi công. Nguy cơ tàu bị bắt sống là rất rõ. Trước căng thẳng này, tàu chuyển hướng ngược về phía đảo National (Indonesia) rồi đi về hướng cảng Subic (Philippines) - căn cứ quân sự của Mỹ. Tàu cử một thuyền viên lên mặt boong uống bia, ăn chuối và vẫy chào phi công, đồng thời tất cả tàu, súng đạn cùng các vị trí kíp nổ sẵn sàng thực hiện cho nổ tàu, hoặc đâm cả tàu vào khu trục địch (lúc này tàu 42 chỉ cách tàu khu trục Mỹ 185 m).

Trong Chiến dịch Hồ chí Minh, sáng 30/4/1975, Vũ Trung Tính tham gia giải phóng Sài Gòn, tiếp quản Sở Chỉ huy Hải quân ngụy, cảng Bạch Đằng, Xưởng Đóng tàu Ba Son, Tân cảng Sài Gòn. Tham gia thay số hiệu các tàu hải quân ngụy từ Cửa Việt đến Cà Mau. Sau tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân ra tàu khu trục Mỹ ở Nam đảo Nam Châu (Hải Phòng) ký kết nghị định thư về việc Mỹ phải rà phá hết thủy lôi, bom mìn đã thả xuống cửa sông, luồng lạch ở Vịnh Bắc bộ và 3 lần sang giúp Campuchia giải phóng đất nước.

Địch bám suốt từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối. Mặc địch, tàu vẫn đi. Đến lúc trời tối hẳn, cả tàu khu trục và máy bay trinh sát mới buông. Tuy vậy, tàu vẫn giả vờ đánh lưới, câu cá quanh quần đảo National, xuống đến vịnh Thái Lan và dừng liên lạc với cấp trên. Sau 4 ngày đêm thấy êm, tàu 42 xin lệnh chuyển hướng vào bến. Tàu đã cập bến rạch Kiến Vàng Cà Mau và chuyển toàn bộ vũ khí lên bờ an toàn.

Thế là, sau 8 tháng vắng bóng, những con tàu của Đoàn 125 không số, tàu 42 mang quyết tâm của Trung ương, miền Bắc với miền Nam trong giai đoạn cực kỳ khó khăn ác liệt và đã hoàn thành trọng trách tái lập đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau tàu 42 là các tàu 68, 69, 100... đã vượt biển thành công, tiếp viện vũ khí, nhất là vũ khí hạng nặng cho miền Nam đánh giặc.

Chuyến đi đặc biệt lập công dâng Bác

Ngày 17/9/1969, tàu 154 lên đường mang 58 tấn vũ khí vào Cà Mau. Đây là chuyến đi sau sự kiện Bác mất, thể hiện quyết tâm sắt đá chi viện hết mình của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, nên tàu được bố trí lực lượng đặc biệt, gồm 19 thành viên, trong đó có 4 thuyền trưởng là Đỗ Văn Bé, Vũ Trung Tính, La Minh Tốt, Nguyễn Minh Đức, một thuyền phó là Nguyễn Xuân Quế do đồng chí Đỗ Văn Bé làm thuyền trưởng, Lê Văn Viễn là chính trị viên, Vũ Trung Tính thuyền phó hàng hải. Qua 10 ngày đêm “chiến đấu” với sóng to gió lớn, với các lực lượng địch, tàu 154 đã vượt qua mặt địch, đưa hàng vào bến Vàm Hố Cà Mau an toàn rồi quay ra Bắc, lập chiến công dâng Bác kính yêu.

Chiến công có một không hai

Ngày 24/8/1970, tàu 154 chở 58 tấn vũ khí, chở tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 Lê Quốc Thân và 4 đồng chí đặc công nước. Tàu bị hải quân Mỹ bám riết, sau gần một tuần luồn lách tránh địch vào gần bờ thì trời gần sáng, nhưng lại không bắt được liên lạc với bến. Chỉ huy tàu thống nhất không còn đủ thời gian quay ra hải phận quốc tế và rất dễ bị địch bắt, quyết định là vào bờ để giao vũ khí, nếu bị lộ thì chiến đấu hủy tàu. 5 giờ sáng tàu đang vào sâu cửa Gành Hào, vừa ngụy trang tàu xong, thì máy bay trinh sát OB-10 bay đến lượn ba vòng không phát hiện được gì liền bay thẳng.

Thật táo bạo, bất ngờ, giữa ban ngày, tàu không số đã vào cửa ngõ đồn Gành Hào, giao vũ khí trót lọt rồi ra Bắc an toàn. Đây là chiến công có một không hai của đoàn tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển mà tàu 154 đã thực hiện thành công.

Nghỉ hưu vẫn đêm ngày “ bám biển”

Về nghỉ hưu tại làng biển Hải Ninh, nay là phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), cựu chiến binh, thuyền trưởng tàu không số Vũ Trung Tính gánh vác nhiệm vụ Trưởng ban Liên lạc Hải quân huyện Tĩnh Gia, Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thanh Hóa. Ông cùng gia đình phát triển mặt hàng lưới vó, “hậu cần” cho nghề biển, tiếp tục là chỗ dựa cho những con tàu khai thác thủy sản, gìn giữ biển đảo quê hương. Với cựu chiến binh Vũ Trung Tính, biển đảo quê hương là một phần máu thịt không thể rời xa.

Lã Quý Hưng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuyen-truong-tau-khong-so-ke-chuyen-18-lan-vuot-bien-thanh-cong-d274978.html
Zalo