Chuyện giải phóng Côn Đảo và bữa cơm tự do mừng chiến thắng
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có dịp trò chuyện với cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Xuân Bột - người sĩ quan Hải quân từng chỉ huy đánh đuổi tàu USS Maddox (1964), cũng là người chỉ huy đội tàu ra giải phóng Côn Đảo (3/5/1975) và đưa 250 tù chính trị đợt đầu tiên trở về đất liền. Câu chuyện ông kể thật cảm động và mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Xuân Bột ( thứ ba trừ trái sang) chụp ảnh cùng các tướng lĩnh, sỹ quan cựu chiến binh Hải quân tỉnh Nam Định trong Lễ kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ
Chốt chặt các cửa biển không cho địch rút chạy
Giữa những ngày Chiến dịch mùa Xuân 1975 đang như triều dâng thác đổ, Trung đoàn 172 Hải quân được lệnh: "Trên bờ lục quân chiếm đến đâu, dưới nước Trung đoàn phải chốt các cửa biển đến đó, không cho địch rút chạy ra lối biển". Lực lượng của Trung đoàn gồm 2 tàu 100 tấn, trang bị pháo 37 ly 2 nòng, 1 tàu ngư lôi, 3 tàu quét mìn, 3 tàu thủy lôi, 1 tàu há mồm, tàu Đại Khánh chở đạn và 2 tàu tên lửa. Lúc này, ông Bột là Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng, nhưng trực tiếp chỉ huy chiến đấu dưới nước (còn Trung đoàn trưởng đi vào theo đường bộ).
Với tinh thần "thần tốc, táo bạo", Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng và chốt giữ các cảng Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh. Đúng 23 giờ ngày 30/4, biên đội 1 của Trung đoàn đã vào vụng Ô Cấp - một cửa ngõ quan trọng không cho các loại tàu địch rút chạy sau khi Sài Gòn thất thủ. Từ đây, Trung đoàn 172 tiến vào làm chủ cảng Rạch Dừa. Trên đường vào cảng, tàu thuyền của địch ngổn ngang, cái nổi cái chìm thật là thê thảm.
Côn Đảo đã tự giải phóng
Côn Đảo gồm 16 đảo, là nơi giam giữ 2.500 tù binh chính trị, được bố phòng cẩn mật với đủ các phương tiện hiện đại, có bến cảng, sân bay, pháo binh lục quân. Sau khi Sài Gòn được giải phóng, thông tin liên lạc với Côn Đảo cũng bị cắt đứt. Trưa ngày 2/5, Trung đoàn 172 Hải quân được giao nhiệm vụ khẩn cấp cùng tiểu đoàn bộ binh của Bà Rịa - Vũng Tàu ra giải phóng Côn Đảo và đưa tù chính trị về đất liền. Hai phương án đã được đặt ra: Một là, đưa tối hậu thư bắt địch đầu hàng. Hai là, nếu địch không hàng, thì Hải quân và Lục quân sẽ đổ bộ chiếm đảo, nhưng cố gắng không để tù chính trị phải hy sinh.
Cựu chiến binh, Đại tá Hải quân Nguyễn Xuân Bột sinh đúng năm Đảng ra đời (1930) - năm nay 95 tuổi, đang sống tại quê nhà (xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng Huân chương Quân công hạng Hai, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý.
“Tôi được giao chỉ huy Trung đoàn 172 chở quân ra Côn Đảo, gồm tàu Đại Khánh, tàu Nhật Lệ, 2 tàu chở nước, 2 tàu pháo và 2 tàu tên lửa sẵn sàng tấn công sân bay, kho tàng của địch ở Côn Đảo. Việc đưa tối hậu thư được giao cho đồng chí Luật ở Cục Chính trị Hải quân. Đồng chí Nam Ninh - Tỉnh đội trưởng Bà Rịa - Vũng Tàu được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đổ bộ.
Đến 17 giờ 30 phút, tôi ra lệnh xuất phát, đường dài 100 hải lý, ròng rã 16 giờ tàu chạy mới đến Hòn Chim, rồi rẽ vào vụng Cá Mập. Tàu giảm tốc, cảnh giác cao, vì sinh mạng bao nhiêu người trên tàu và trên đảo. Từ xa nhìn vào, Côn Đảo im lặng đáng sợ. Tôi cho tàu tắt máy tiếp tục quan sát. Trinh sát lên nóc tàu phát hiện sau hàng dương, thấp thoáng bóng cờ nửa đỏ nửa xanh. Rồi có 3 người chạy thuyền ra cho chúng tôi biết, Côn Đảo đã tự giải phóng rồi.
Ngay sau đó, chúng tôi đổ quân lên đảo, chốt giữ các mục tiêu. Trên đường đi, tôi gặp đại tá ngụy tên là Dậu - chỉ huy 180 lính canh trên đảo. Người này kể, chúa đảo Chín Khương cùng vợ con bỏ chạy bằng xuồng máy. Phó đảo là ác ôn đã bỏ chạy vào rừng. Trước khi chạy, chúa đảo giao Dậu gài mìn vào các nhà tù để đợi lệnh thủ tiêu tù nhân. Nhưng Dậu đã tháo toàn bộ hệ thống mìn và cùng tù nhân giải phóng đảo”, Đại tá Nguyễn Xuân Bột kể.
Bữa cơm tự do và 250 tù nhân trở về đầu tiên
Trong cuộc họp giữa bộ đội với Ủy ban Mặt trận đảo, đại diện của các nhà tù, gần 100 người. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Côn Đảo Lê Câu (trung tá quân đội mới bị địch bắt) giới thiệu một người tên là Nam báo cáo tình hình, khẳng định Ủy ban Mặt trận đảo đã cùng các tù chính trị giải phóng đảo, chỉ rõ âm mưu ác độc của chúa đảo và đại tá Dậu chính là người tháo toàn bộ hệ thống mìn quanh các nhà tù trên đảo. Khi đó, Côn Đảo có 2.500 tù nhân, trong đó có các đồng chí là xứ ủy, cán bộ cao cấp của Đảng. Các nhà tù đã được mở cửa tự do, nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng và cơ cấu tổ chức. Ủy ban Mặt trận đảo đã tổ chức lực lượng tự vệ đảo, giám sát những tên ác ôn, quản lý tù thường phạm.
Sau đó, cuộc họp bàn 2 việc: chọn 250 tù chính trị về đất liền đợt đầu tiên và có tổ chức bữa cơm mừng chiến thắng hay không? Việc chọn 250 người tù chính trị, thống nhất tập trung vào 4 thành phần: người có án tử hình mà địch chưa kịp hành quyết; người bị địch giam lâu nhất ở Côn Đảo; người bị giam ở chuồng cọp, thùng vôi đau yếu; phụ nữ già yếu.
Việc có tổ chức bữa cơm liên hoan mừng chiến thắng hay không được bàn rất nghiêm túc. Cuối cùng đã thống nhất liên hoan mừng thắng lợi. Nhưng liên hoan phải hết sức tiết kiệm, vì đảo, đất nước vừa giải phóng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Vừa được giải phóng, sau bao ngày đói khát, thế mà chỉ một bữa liên hoan mừng thắng lợi, mừng cuộc đời từ cõi chết trở về cũng phải bàn bạc cho thấu tình đạt lý và lo cho tương lai của đảo, của đất nước.
Chỉ sau 3 tiếng, 250 tù nhân theo danh sách đã xét duyệt về đợt đầu đã có mặt. Nhìn những người tù ốm đau, gầy yếu sau bao nhiêu tra tấn đánh đập, đói khát nơi "địa ngục trần gian", tâm lý ai chẳng muốn nhanh được về đất liền, nhưng tôi quan sát thấy việc lập danh sách, xét duyệt rất đúng với 4 tiêu chuẩn đặt ra, không có ai thắc mắc, kiến nghị hay xin về thêm. Đúng 250 người, không thừa, không thiếu.
“Chứng kiến bữa cơm liên hoan mừng đảo, mừng đất nước giải phóng và đợt tù nhân đầu tiên về đất mẹ, tôi thực sự không cầm được nỗi xúc động. 50 năm rồi, mỗi khi nhớ lại chuyện này, trong tôi vẫn trào dâng một sự cảm kích lớn lao. Qua đó mới hiểu, vì sao mọi thủ đoạn tra tấn, mọi sự đày đọa ác độc của kẻ thù đã không khuất phục được tinh thần những người tù cộng sản yêu nước. Cái chất của người cộng sản được tôi luyện trong tù ngục là như thế! Nên tôi nghĩ, hai câu chuyện hoàn toàn có thực này sẽ mãi còn ý nghĩa đối với hôm nay và mai sau, là bài học làm người, bài học của những người cán bộ vì nước, vì dân quên mình!”.
- Cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Xuân Bột
Tổ quốc thân yêu rợp bóng cờ sao
250 tù chính trị về đợt đầu được xếp lên tàu Đại Khánh và Nhật Lệ. Nhìn anh em tù, ai cũng gày gò ốm yếu, nhiều người bị giam ở chuồng cọp, thùng vôi còn bẩn thỉu, hôi hám, đi không vững.
Chuyến trở về lịch sử đó, rất may "trời yên, biển lặng". Ngồi trên đài chỉ huy, tôi nghĩ, chắc sự đau đớn đến tột cùng của những người tù Côn Đảo đã động đến cả trời biển, nên biển trời đã hiền hòa, giữ cho mọi người một đêm yên tĩnh để trở về với quê hương.
Mới 4 giờ sáng, mặt trời tháng 5 đã nhô lên vàng óng một góc trời. Gần vào đến cảng, nhiều anh em tù nhân lên mặt boong, mọi con mắt đổ dồn vào bờ, nhiều người òa khóc như trẻ nhỏ, có người rút ra lá cờ mặt trận giải phóng. Đến khi nhìn thấy đất liền tung bay cờ hoa, những người tù mới thực sự tin là mình đã thoát chết. Rồi một cảnh tượng cảm động rơi nước mắt: cả đoàn tù nhất loạt đứng dậy, ném xuống sông những manh chiếu rách, những chiếc cóng bò đã han gỉ, như ném đi cuộc sống nơi "địa ngục trần gian" để trở về giữa lòng Tổ quốc thân yêu đã rợp bóng cờ sao.