Đại tá Phùng Bá Đam và ký ức tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng
'Ký ức cùng chỉ huy và đồng đội vận động và chứng kiến tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Bởi để có được giây phút ấy, biết bao đồng đội phải gửi lại xương máu nơi chiến trường'.
Đã qua nửa thế kỷ, nhưng với Đại tá Phùng Bá Đam (sinh năm 1948, tại xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội), thời khắc lịch sử vào trưa 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập vẫn như vừa xảy ra. Đó là giây phút vỡ òa cảm xúc, là niềm hạnh phúc trào dâng khi tận mắt chứng kiến đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, nhân dân thoát khỏi cảnh ly tán, đớn đau vì chiến tranh. Bởi thế, khi vừa được gợi hỏi, câu chuyện ấn tượng, hào khí từ nhiều năm trước cứ theo dòng cảm xúc, ùa về nguyên vẹn trong ông.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Phùng Bá Đam là Trưởng Tiểu Ban cán bộ của Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) - đơn vị thuộc binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2, đánh vào nội đô Sài Gòn với mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập.
Tiến vào Dinh Độc Lập
Ngày 27-4-1975, sau khi giải phóng căn cứ Nước Trong, Quân đoàn 2 quyết định thành lập “lực lượng thọc sâu chiến dịch” với binh chủng hợp thành gồm: Lữ đoàn Xe tăng 203, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304), Đại đội bộ binh của Trung đoàn 18 cùng một số đơn vị công binh, pháo binh, pháo cao xạ. Lực lượng này được giao nhiệm vụ tiến công theo hướng Đông Nam, đánh vào trung tâm Sài Gòn, với mục tiêu chiếm giữ đài phát thanh, căn cứ hải quân và Dinh Độc Lập.
5 giờ ngày 30-4, Trung úy Phùng Bá Đam cùng đơn vị của mình (Trung đoàn 66) hành tiến trên quãng đường xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn dài gần 4km, cùng các cánh quân trên 4 hướng chiến dịch đồng loạt tiến công vào nội đô Sài Gòn. Dọc đường hành tiến, đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2 quét sạch các đồn, bốt, tuyến phòng ngự chốt chặn của đối phương.

Cựu chiến binh, Đại tá Phùng Bá Đam cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm chiến đấu trong những ngày tháng Tư lịch sử.
Khi đến sát cầu Sài Gòn, đơn vị của Trung úy Đam gặp sự phản kích dữ dội của địch. Nhưng trước sự phối hợp hỏa lực hiệu quả và các mũi tiến công của quân ta, địch phải bỏ vũ khí, tháo chạy.
Sau đó, binh đoàn gặp phải tuyến phòng ngự cuối cùng của địch tại cầu Thị Nghè. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân ta nhanh chóng làm chủ trận địa. Công binh lập tức khắc phục vật cản, mở đường cho xe tăng và bộ binh vượt cầu, tiến đến mục tiêu cuối cùng của chiến dịch. Đi đầu đội hình tiến vào Dinh Độc Lập là xe tăng, sau đó là xe chở Trung úy Đam cùng chỉ huy và các đồng đội.
“Trong xe lúc ấy gồm: Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66; tôi; Trung úy Nguyễn Văn Nhu, Trợ lý Tham mưu Trung đoàn 66; 2 chiến sĩ thông tin Bàng Nguyên Thất và Nguyễn Huy Hoàng cùng một số chiến sĩ khác”, cựu chiến binh, Đại tá Phùng Bá Đam nhớ lại.

Cựu chiến binh Phùng Bá Đam và đồng đội chụp ảnh cùng chiếc xe từng di chuyển trong ngày 30-4-1975. Ảnh: NVCC
Khi đội hình thọc sâu tiến đến Dinh Độc Lập, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy, lao vào húc đổ cổng chính của dinh. Ngay phía sau, chiếc xe jeep mang số hiệu 15770 do quân ta thu được sau chiến thắng ở Đà Nẵng chở Trung úy Đam và chỉ huy cùng các đồng đội (do chiến sĩ Đào Ngọc Vân điều khiển) lập tức vượt qua cổng, tiến nhanh vào sân dinh. Trong khi Đại đội trưởng Bùi Quang Thận trèo lên nóc dinh kéo lá cờ Giải phóng lên, thì Trung úy Phùng Bá Đam cùng các chỉ huy và chiến sĩ khẩn trương tiến vào bên trong dinh.
Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện
Khi bước lên tầng 2, Trung úy Phùng Bá Đam cùng đồng đội gặp một người mặc quân phục cộc tay, tự giới thiệu là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng thống Dương Văn Minh, báo cáo rằng: Toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn đang chờ sẵn cấp chỉ huy ở phòng Khánh tiết.
“Đi theo Nguyễn Hữu Hạnh, chúng tôi tới phòng họp thì đã thấy người ngồi kín trong một căn phòng rộng. Thấy chúng tôi, không ai bảo ai, tất cả họ đều đứng dậy, như lời chào và sự tôn trọng dành cho Quân giải phóng”, Đại tá Phùng Bá Đam cho biết.

Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 gặp chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh tại tầng 1 của Dinh Độc Lập. Ảnh: NVCC
Theo lời kể của ông Đam: Lúc đó, ông Dương Văn Minh bước tới, nói rằng: "Báo cáo cấp chỉ huy, chúng tôi đã chờ sẵn cấp chỉ huy vào để bàn giao". Nhưng nghe tới đó, Đại úy Phạm Xuân Thệ kiên quyết: "Các ông đã thua, không có gì để bàn giao. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện".
Trước diễn biến dồn dập và căng thẳng của chiến sự, để giảm tổn thất xương máu của đồng bào, đồng chí, Quân Giải phóng đã thống nhất yêu cầu tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng ngay. Đại úy Phạm Xuân Thệ dõng dạc nói: "Các ông phải ra ngay Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng".
Nghe tiếng súng vẫn còn vang vọng ngoài phố, Dương Văn Minh tỏ ra hoang mang, nét mặt căng thẳng. Ông ta ngồi xuống ghế, thở dài: "Xin cấp chỉ huy cho tuyên bố đầu hàng tại đây, ra ngoài phố lúc này không an toàn".
Không chần chừ, Đại úy Thệ đáp dứt khoát: "Sài Gòn đã giải phóng, chúng tôi bảo đảm an toàn cho các ông". Nghe thấy thế, tổng thống Dương Văn Minh đồng ý cùng Quân Giải phóng tới Đài Phát thanh Sài Gòn.

Quân Giải phóng đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra xe để tới Đài Phát thanh Sài Gòn. Ảnh: NVCC
Ngay sau đó, chiếc xe jeep mang số hiệu 15770 nhanh chóng lăn bánh rời Dinh. Trong xe, tổng thống Dương Văn Minh ngồi giữa, bên phải là Đại úy Phạm Xuân Thệ, bên trái là tài xế Đào Ngọc Vân, chiến sĩ Đại đội 14 (Trung đoàn 66). Trung úy Phùng Bá Đam ngồi hàng ghế sau cùng thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Trung úy Nguyễn Văn Nhu, Trợ lý Tham mưu Trung đoàn 66. Hai bên thành xe là các chiến sĩ bảo vệ đoàn.
“Khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203, chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng xong thì đồng hồ chỉ 11 giờ 30 phút. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng, đỡ đổ máu cho đồng bào đồng chí, đỡ thiệt hại cho nhân dân”, Đại tá Phùng Bá Đam xúc động.

Tổng thống Dương Văn Minh chuẩn bị ghi âm tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trong ảnh: Trung úy Phùng Bá Đam đứng thứ 6 từ trái qua. Ảnh: Tư liệu, NVCC
Là một trong những người lính đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975, tận mắt chứng kiến tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, giờ đây mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc lịch sử ấy, Đại tá Phùng Bá Đam lại ngân ngấn lệ. Với những người lính như ông, tháng Tư không chỉ là tháng của bản hùng ca ngân vang khúc lịch sử bi tráng, mà còn là tháng của những hoài niệm về chiến trường xưa, đồng đội cũ, về giấc mơ sum họp giản dị.
“Hôm ấy, người dân đã đổ ra đường đông lắm, giương cao cờ và hoa, vẫy chào Quân Giải phóng, không khí nhộn nhịp như ngày hội. Được có mặt trong giây phút lịch sử ấy, lòng tôi trào lên nhiều cảm xúc: Mừng vì còn sống để có ngày trở về, nhưng cũng nghẹn lại khi nghĩ tới những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường”, ông Đam nghẹn ngào.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 9-1975, Trung úy Phùng Bá Đam được cử đi học lớp Chính ủy Trung đoàn đầu tiên của thời bình. Hoàn thành khóa học, ông trở thành Trưởng ban Cán bộ, Cục Hậu cần (nay là Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Quân khu 2). 5 năm sau, ông chuyển công tác về Phòng Cán bộ của Học viện Quân y.
Năm 1991, ông được Học viện Quân y cử đi học lớp Cán bộ cao cấp tại Học viện Chính trị Quân sự (nay là Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng). Kết thúc khóa học, ông trở thành Chủ nhiệm Khối Đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến dịch, Học viện Chính trị Quân sự (nay là Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng). Hơn 10 năm giảng dạy tại đây, ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ cán bộ chủ chốt của quân đội.

Cựu chiến binh, Đại tá Phùng Bá Đam tự hào bên Kỷ niệm chương 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi gần đến tuổi nghỉ chế độ, ông thi tuyển và bắt đầu giảng dạy môn Giáo dục công dân tại Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Sau khi được nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2003 với quân hàm Đại tá, thầy Đam tiếp tục giảng dạy môn Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng-an ninh tại Trường THPT Đông Đô, và nghỉ hẳn vào năm 2023.
“Trở thành giáo viên là cơ hội để tôi truyền đạt truyền thống dân tộc, quân đội và tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ. Suốt nhiều năm, tôi đã kể câu chuyện ngày 30-4-1975 cho hàng vạn học sinh, sinh viên Hà Nội. Với sự thông minh, kiến thức và khả năng tiếp cận đa dạng nguồn sử liệu, tôi tin tưởng các em sẽ hiểu sâu sắc giá trị truyền thống, học tập tốt, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Đại tá Phùng Bá Đam nhấn mạnh.

Đại tá Phùng Bá Đam (thứ ba, từ phải sang) cùng đồng đội chụp ảnh với Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, năm 2012. Ảnh: NVCC
Từ người lính xông pha nơi chiến trường khói lửa tới người thầy gieo mầm lý tưởng cho bao thế hệ học trò, Đại tá Phùng Bá Đam đã sống trọn một đời cống hiến. Giờ đây, khi đã rời bục giảng, ông vẫn luôn đau đáu với việc giữ gìn ký ức lịch sử, truyền lửa cho người trẻ. Bởi với ông, chiến thắng không chỉ là những khoảnh khắc hào hùng của quá khứ, mà còn là hành trình tiếp nối, gìn giữ hòa bình qua trí tuệ, niềm tin và những nỗ lực bền bỉ của thế hệ hôm nay.