Chuyên gia giải thích lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến sản xuất máy bay quân sự Nga
Các lệnh trừng phạt từ phương Tây đang 'bóp nghẹt' ngành hàng không quân sự Nga, khiến sản lượng máy bay chiến đấu hiện đại lao dốc. Nga đang đối mặt nguy cơ hụt hơi trước cuộc đua giành ưu thế trên không toàn cầu.

Máy bay Sukhoi Su-34 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đang dần siết chặt "mắt xích quan trọng" của nền công nghiệp hàng không quân sự Nga, khiến sản lượng máy bay chiến đấu tối tân của nước này suy giảm đáng kể. Thông tin này được chuyên gia hàng không Ukraine Bohdan Dolintse tiết lộ với hãng thông tấn độc lập UNIAN ngày 26/4, cho thấy một bức tranh ảm đạm về khả năng tái vũ trang và duy trì sức mạnh trên không của Moskva.
Mặc dù hàng không quân sự Nga được đánh giá là ít phụ thuộc vào linh kiện phương Tây hơn so với lĩnh vực dân dụng, ông Dolintse nhấn mạnh rằng các dòng máy bay hiện đại, xương sống của lực lượng không quân Nga, lại chịu ảnh hưởng nặng nề. "Hầu hết các máy bay hiện đại của Nga, bao gồm Su-30, Su-35, Su-34 và thậm chí cả Su-57, đều phụ thuộc rất nhiều vào các thành phần của phương Tây. Chúng ta đang nói đến bộ vi xử lý, chip và một số công nghệ dẫn đường, bởi ngay cả hệ thống định vị GLONASS của Nga cũng được xây dựng trên nền tảng công nghệ phương Tây", ông Dolintse phân tích.
Theo chuyên gia trên, các lệnh trừng phạt hiện hành đã "hạn chế đáng kể" khả năng của Nga trong cả việc sản xuất máy bay mới lẫn duy trì hoạt động của phi đội hiện có. Bằng chứng rõ ràng nhất là sự chênh lệch lớn giữa kế hoạch và thực tế sản lượng máy bay năm 2023. Cụ thể, Nga chỉ sản xuất được 28 trên tổng số 55 máy bay chiến đấu Su-35, Su-34 và Su-30 theo kế hoạch. Đáng chú ý, dòng máy bay ném bom Su-34 ghi nhận sự thiếu hụt nghiêm trọng nhất, chỉ đạt 6 chiếc so với mục tiêu 12 chiếc.
Ngay cả mẫu tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57, niềm tự hào của không quân Nga, cũng chỉ đạt 4 chiếc so với kế hoạch 7 chiếc. Ông Dolintse khẳng định: "Tất cả những điều này có liên quan trực tiếp đến các lệnh trừng phạt áp dụng đối với Liên bang Nga".
Tình hình thậm chí còn trở nên xấu hơn trong năm 2024. "Nếu chúng ta nói về sản lượng máy bay của Nga vào năm 2024, thì khối lượng thậm chí còn nhỏ hơn năm 2023, chỉ có hơn 10 chiếc được sản xuất, mặc dù theo kế hoạch, họ phải nhận được từ 40 đến 50 máy bay mới. Tôi thấy rằng các lệnh trừng phạt đang ảnh hưởng đến khả năng khôi phục hàng không quân sự của Nga", ông Dolintse nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng nhiều máy bay vận tải quân sự hiện đại của Nga cũng sử dụng các thành phần có nguồn gốc từ phương Tây, làm gia tăng thêm thách thức trong việc duy trì khả năng vận tải chiến lược.
Chuyên gia Dolintse kết luận rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt có "tầm quan trọng cực kỳ lớn" đối với Nga. Điều này không chỉ giúp Moskva tiếp cận các bộ phận, linh kiện cần thiết cho máy bay hiện có mà còn tạo điều kiện để tái vũ trang và khôi phục cơ sở sản xuất, bao gồm máy móc, vật tư tiêu hao và công cụ mà Nga hiện đang "không thể có được".
Trong bối cảnh Nga đang nỗ lực tăng cường phi đội tiêm kích tàng hình Su-57 Felon thế hệ thứ năm, Chris Osborne, Chủ tịch trung tâm hiện đại hóa quân sự Warrior Maven và là cựu nhân viên Lầu Năm Góc, cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng của Nga trong việc tạo ra thách thức đáng kể đối với ưu thế trên không của NATO. Những khó khăn trong sản xuất do lệnh trừng phạt gây ra càng làm gia tăng những hoài nghi này, cho thấy một tương lai đầy thách thức cho sức mạnh không quân Nga.