Nga thoát thuế quan của Mỹ nhưng nền kinh tế vẫn gặp nguy vì một điểm yếu chí mạng
Giá dầu thô sụt giảm dự kiến sẽ khiến nền kinh tế Nga giảm tốc rõ rệt và gây áp lực lên ngân sách quân đội của Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Financial Times).
Điểm yếu lớn
Nga là một trong những nước hiếm hoi không chịu thuế quan đối ứng của Mỹ, nhưng Moscow vẫn rất dễ bị tổn thương bởi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump. Nguyên nhân được tóm gọn trong một từ: dầu mỏ.
Ngành dầu mỏ là động cơ chính của nền kinh tế Nga và do đó nó cũng là điểm yếu lớn của Điện Kremlin. Dầu mỏ và khí đốt chiếm khoảng 1/3 nguồn thu ngân sách của nhà nước Nga.
Giá dầu thô toàn cầu sụt giảm trong tháng này và có xu hướng biến động mạnh trong bối cảnh thị trường lo sợ thuế quan của Nhà Trắng sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái. Giá dầu Ural chủ lực của Nga dao động quanh ngưỡng 55 USD/thùng, thấp hơn hẳn giá mục tiêu trong ngân sách của Moscow là khoảng 70 USD/thùng.
Giới phân tích dự đoán nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp, nền kinh tế Nga có nguy cơ trở nên trì trệ. Đà giảm của giá dầu diễn ra đúng lúc Nga đang đàm phán với Mỹ về thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine.
Giá dầu ở mức hiện tại nhiều khả năng không đủ để thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin từ bỏ chiến dịch quân sự, nhưng một cú giảm sâu hơn nữa có thể sẽ buộc ông thay đổi tính toán.
Bà Elina Ribakova, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bình luận: “Nga đã bắt đầu cảm thấy nỗi khổ từ giá dầu mỏ thấp. Nếu điều này tiếp diễn, Moscow có thể buộc phải lựa chọn giữa chi tiêu cho quốc phòng hay các chương trình xã hội”.
Tuần trước, các nhà phân tích tại JPMorgan viết trong lưu ý rằng Moscow đang trở nên tách biệt hơn với các xu hướng toàn cầu bởi những lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng nước này khó tránh khỏi thiệt hại từ “cơn sóng thần gây ra bởi chính sách thương mại của Mỹ”.
Vai trò của dầu mỏ trong nền kinh tế Nga không chỉ xoay quanh ngân sách nhà nước. Ngành năng lượng bùng nổ sẽ đem lại lợi ích cho nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, các công ty khoan dầu cần thép cho các đường ống, các nhà máy lọc dầu cần cải tạo hạ tầng cho khu vực xung quanh.
Do đó, sự sụt giảm của giá dầu sẽ gây tác động lan tỏa tới toàn bộ những cộng đồng được tổ chức xung quanh hoạt động khai thác, chế biến dầu mỏ.
Ông Sergey Vakulenko, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, ước tính Nga sẽ mất khoảng 25 tỷ USD mỗi năm nếu giá dầu thô giảm 10 USD. Ông nhận xét: "Do đó, toàn bộ nền kinh tế Nga sẽ bị mất tiền khi giá dầu sụt giảm".
Nỗi lo của Moscow
Không lâu sau khi ông Trump nhậm chức, các quan chức Nhà Trắng đã ra hiệu rằng họ có thể buộc Moscow ngừng cuộc chiến bằng cách kêu gọi tăng cường sản lượng dầu tại Mỹ và Arab Saudi, qua đó đẩy giá đi xuống.
Hồi tháng 1, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine gợi ý giá dầu giảm xuống 45 USD/thùng có thể dẫn đến cái kết cho cuộc chiến Nga - Ukraine.
Khi ông Trump công bố danh sách thuế quan đối ứng vào ngày 2/4, tên của Nga thậm chí còn không được nhắc đến. Chính quyền ông Trump giải thích rằng hàng loạt lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga đã ngăn cản bất kỳ hoạt động thương mại đáng kể nào giữa hai nước.
Trong quá khứ, nền kinh tế Nga đã sống sót qua những cú sập nặng nề hơn của giá dầu mỏ, bao gồm trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 và đại dịch COVID-19.
Nhưng trong hơn ba năm qua, Điện Kremlin đã tìm cách che chắn cho người dân khỏi tác động của cuộc chiến bằng cách cung cấp việc làm và thúc đẩy thu nhập. Sự suy yếu của nền kinh tế có nguy cơ khiến công chúng bất mãn.

Goldman Sachs ước tính trung bình giá dầu Brent sẽ đạt 63 USD/thùng trong năm nay và 58 USD trong năm 2026. Do dầu Urals có mức chiết khấu đáng kể với giá dầu thô thế giới, dự báo trên ngụ ý giá dầu Nga có thể xuống dưới 50 USD/thùng.
Ngân hàng Nga Renaissance Capital dự báo nếu giá Urals trung bình chỉ đạt 50 USD/thùng trong năm nay thì tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ là 0,1%. Đó sẽ là cú sốc lớn tới nền kinh tế Nga.
Sau giai đoạn suy thoái ngắn trong năm 2022, chi tiêu khổng lồ của chính phủ cho quân đội đã thúc đẩy sản lượng kinh tế Nga và làm giảm tác động các lệnh trừng phạt của phương Tây. GDP Nga tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2023 và 2024.
Giới chức Nga hiểu rõ hệ lụy tiềm tàng từ cuộc chiến thương mại của ông Trump. Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga, phát biểu trong tháng này: “Nếu cuộc chiến thương mại tiếp diễn, điều đó nhiều khả năng sẽ khiến nền kinh tế thế giới sụt giảm và nhu cầu dành cho năng lượng của Nga đi xuống. Do đó, nước Nga cũng gặp rủi ro”.
Điện Kremlin tuyên bố: “Các nhà chức trách đang làm mọi cách để giảm thiểu hậu quả [của cuộc chiến thương mại] tới nền kinh tế Nga”.