Nghệ thuật ngoại giao của Tổng thống Trump

Trong 3 tháng đầu nhiệm kỳ hai, Tổng thống Donald Trump khuấy động bàn cờ thế giới với chiến lược táo bạo: từ xung đột Nga - Ukraine, thuế quan với Trung Quốc tới vấn đề Trung Đông và thương mại toàn cầu. Liệu phong cách ngoại giao này sẽ giúp Tổng thống Trump tạo kỳ tích hay đẩy Mỹ vào hỗn loạn?

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 3 tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump đã chứng kiến sự xáo trộn mạnh mẽ trên bàn cờ ngoại giao toàn cầu, với những động thái táo bạo và khó lường. Theo bình luận của trang tin Freebeacon.com mới đây, khác với phong cách truyền thống, ông Trump lựa chọn "tung hứng" nhiều vấn đề cùng lúc, từ cuộc chiến Ukraine, quan hệ với Nga hay Trung Quốc, đến Trung Đông và các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, liệu chiến lược này có mang lại thành công, hay chỉ tạo thêm hỗn loạn?

Theo đó, Tổng thống Trump kỳ vọng nhanh chóng đạt thỏa thuận với Nga, tách nước này khỏi Trung Quốc, xoa dịu Trung Đông, tái cấu trúc thương mại và áp thuế Trung Quốc. Nhưng thực tế không diễn ra suôn sẻ. Cuộc chiến Ukraine vẫn tiếp diễn và mối quan hệ Nga-Trung có dấu hiệu xích lại gần hơn. Ở Trung Đông, lệnh ngừng bắn ở Gaza tan vỡ, lực lượng Houthi tiếp tục tấn công và Iran không hề nao núng. Các đồng minh châu Âu cũng tỏ ra dè dặt với các động thái của chính quyền Trump.

Thuế quan mà Trump áp đặt cũng gây ra nhiều tranh cãi. Thị trường chứng khoán và trái phiếu biến động mạnh, và việc miễn trừ thuế cho hàng điện tử Trung Quốc cho thấy chính quyền Mỹ không sẵn sàng chịu đựng thiệt hại kinh tế lớn. Thay vì cô lập Trung Quốc, thuế quan dường như lại tạo cơ hội cho Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng ngoại giao ở châu Á.

Tuy nhiên, không phải mọi chỉ trích đều có cơ sở. Việc cho phép Israel trừng phạt Hamas có thể tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán sau này. Việc điều động lực lượng quân sự đến Trung Đông cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ tới Iran.

Điều quan trọng cần nhớ là ngoại giao cần thời gian. Như ông Trump viết trong cuốn "Nghệ thuật đàm phán": "Tôi không bao giờ quá gắn bó với một thỏa thuận hay một cách tiếp cận. Tôi giữ nhiều quả bóng trên không, vì hầu hết các thỏa thuận đều thất bại, bất kể chúng có vẻ hứa hẹn như thế nào lúc đầu". Việc "tung" nhiều vấn đề cùng lúc tạo ra cả cơ hội và thách thức.

Một mặt, Tổng thống Trump có thể tận dụng lợi thế để tạo ra những đột phá. Các nhà đàm phán Nhật Bản đã đến Washington, và Tokyo có thể nhượng bộ về thương mại. Iran cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, và việc gây áp lực có thể mang lại kết quả.

Mặt khác, chiến lược này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu Tổng thống Trump tỏ ra quá vội vàng, đối thủ có thể tận dụng để gây áp lực ngược lại. Việc không đạt được các mục tiêu đề ra có thể bị coi là thất bại. Và việc theo đuổi quá nhiều chính sách cùng lúc có thể khiến chính quyền Trump phải trả giá đắt mà không thu được kết quả tương xứng.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đạt được một số thành công nhất định, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình hiện tại phức tạp hơn nhiều. Các đối thủ của Mỹ mạnh hơn, và thế giới trở nên khó lường hơn.

Nhìn chung, chiến lược ngoại giao hiện tại của ông Trump là một canh bạc lớn. Nó có thể mang lại những kết quả đột phá, nhưng cũng có thể dẫn đến thất bại nặng nề. Thành công hay thất bại phụ thuộc vào khả năng của Tổng thống Trump trong việc cân bằng các lợi ích, và khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nghe-thuat-ngoai-giao-cua-tong-thong-trump-20250427194728500.htm
Zalo