Kỷ vật - ký ức của chiến tranh

Những vỏ đạn pháo, chiếc bình tông, chiếc dép, chiếc khăn tay hay lá thư viết vội của người lính giữa lúc bom đạn ác liệt được trưng bày theo từng khu vực tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên là những chứng nhân lịch sử kể về những trận đánh ác liệt, về sự dũng cảm và kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua đó, giúp thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình.

Kỷ vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Kỷ vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

“Thày mẹ ạ! Vừa qua thày mẹ và các em chắc có nghe tin chiến thắng trên chiến trường toàn miền Nam và Ðông Dương do Ðài phát thanh Hà Nội chuyển đi rồi thì phải. Ðúng như vậy đó, chiến trường Trị Thiên - Huế mà con đang tham dự thì cũng giòn giã lắm. Suốt từ 6 giờ chiều ngày mồng 2 Tết đến nay chúng con liên tục tấn công mãnh liệt vào các điểm các cụm ác ôn, tề điệp và bọn bình định giành chính quyền làm chủ. Phong trào đấu tranh chính trị ở Huế cũng như các thành phố Sài Gòn, Ðà Nẵng và nông thôn đang cuốn dâng như vũ bão. Những chiến công đó thày mẹ sẽ phấn khởi chung và phấn khởi riêng với chiến công của con có nằm trong đó”… Ðây là trang thư xúc động của liệt sĩ Lê Trung Phụng, xã Thành Công (nay là xã Nguyễn Huệ, huyện Khoái Châu) gửi về hậu phương.

Năm 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, đồng chí Lê Trung Phụng xung phong nhập ngũ với nhiệt huyết của tuổi đôi mươi khát khao được cống hiến và chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sau 4 tháng huấn luyện ở miền Bắc, ngày 1/6/1971, đồng chí được điều đi B và trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Trị Thiên - Huế. Ngày 18/3/1972, đồng chí hy sinh tại huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cấp bậc Hạ sĩ khi mới bước sang tuổi 20.

Lá thư được liệt sĩ Lê Trung Phụng viết tại mặt trận Trị Thiên - Huế vào ngày 10 tháng Giêng Tết năm 1972. Bao nhiêu dòng thư là bấy nhiêu dòng tâm sự của người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, đất nước. Qua từng trang viết máu thịt trong bức thư của liệt sĩ Lê Trung Phụng giúp thế hệ trẻ hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống của thế hệ ông, cha, những người góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Trên tuyến lửa, dưới chiến hào, trong địa đạo, ngục tù hay giữa lòng hậu phương, từng kỷ vật thể hiện tinh thần yêu nước, tình yêu quê hương, gia đình, tình đồng chí, đồng đội, quân dân gắn bó keo sơn cùng sự hy sinh thầm lặng. Những kỷ vật như một phần máu thịt, được cán bộ, chiến sĩ và các gia đình cất giữ, nâng niu để khi hòa bình, đất nước thống nhất, đem những kỷ vật thân thương tặng Bảo tàng tỉnh. Chiếc hộp đựng thuốc cá nhân đã trở thành vật dụng bất ly thân của ông Nguyễn Như Trác (thị xã Mỹ Hào) trong những năm ông tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Hộp đựng thuốc là cuốn nhật ký thu nhỏ, trong đó chứa đựng nhiều kỷ niệm trong cuộc đời người lính của ông Trác. Hộp thuốc nhỏ thần kỳ đã giúp ông cứu sống biết bao đồng chí, đồng đội khỏi những cơn sốt rét trong rừng, băng bó cầm máu cho bao chiến sĩ. Ông quyết định trao tặng Bảo tàng tỉnh kỷ vật quý giá này với mong muốn lưu giữ kỷ niệm thời chiến tranh để thế hệ con, cháu hiểu được giá trị của hai tiếng “tự do” mà giờ đây đang được hưởng.

Kỷ vật mang ký ức chiến tranh được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh như: chiếc bình tông, ăng-gô; vỏ các loại đạn pháo; bản đồ thời chiến; những lá thư viết vội của người chiến sĩ gửi về hậu phương... Ðặc biệt, có rất nhiều chiến lợi phẩm được bộ đội ta sáng tạo làm thành những đồ dùng rất hữu ích, như: Chiếc lược, ca uống nước, dao găm được làm từ xác máy bay B-52 của Mỹ; quần áo, chăn gối khâu từ những tấm bạt dù; bình hoa làm bằng các loại vỏ đạn pháo. Mỗi hình ảnh, hiện vật ở Bảo tàng tỉnh đều gắn liền với những câu chuyện khác nhau. Những câu chuyện ấy như nhắc nhở mỗi chúng ta về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc, những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Chị Trần Thị Hải Hoài, thị trấn Văn Giang (Văn Giang) bày tỏ: Tôi đã nhiều lần đến tham quan Bảo tàng tỉnh và tôi thấy ấn tượng nhất là gian trưng bày hiện vật về chiến tranh. Mỗi hiện vật là những câu chuyện về lịch sử sống động để thanh niên chúng tôi ghi nhớ và biết ơn thế hệ cha, ông đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Qua đó, giúp thế hệ trẻ chúng tôi nhận ra mình cần phải làm nhiều việc thiết thực hơn, tốt đẹp hơn, sống có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội.

Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ gần 400 tài liệu, hiện vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những kỷ vật chiến tranh tại Bảo tàng tỉnh rất đa dạng, gồm nhóm kỷ vật quân đội trang bị cho bộ đội như: quân trang, quân dụng, vũ khí, khí tài; nhóm kỷ vật là đồ dùng cá nhân do người lính sáng tạo để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày; nhóm kỷ vật là chiến lợi phẩm thu được của địch và nhóm kỷ vật người lính được tặng thưởng.

Ðể có được những hiện vật, tài liệu, kỷ vật quý giá, các thế hệ cán bộ Bảo tàng tỉnh đã đi sưu tầm, bảo quản, lập lý lịch khoa học. Ðồng chí Phạm Văn Hợp, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh cho biết: Những kỷ vật chiến tranh lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh đều là những hiện vật có giá trị về lịch sử, thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Mỗi kỷ vật ở một giai đoạn cụ thể, gắn với một câu chuyện cụ thể, giúp người đến tham quan Bảo tàng hiểu thêm về thực tế cuộc sống nơi chiến trường, những gian khổ, hy sinh mà cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ta đã phải đánh đổi để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ðể các hiện vật đó phát huy giá trị, Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt trưng bày nhân ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn thường xuyên phối hợp với các địa phương, nhà trường tổ chức đợt trưng bày lưu động với mong muốn thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến ác liệt của dân tộc, qua đó giúp thế hệ trẻ yêu quý, trân trọng hòa bình, độc lập, tự do. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật, những câu chuyện, kỷ niệm, hiện vật và anh linh của các anh hùng liệt sĩ sẽ sống mãi với thời gian đối với thế hệ hôm nay và mai sau.

Phúc Hưng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ky-vat-ky-uc-cua-chien-tranh-3180826.html
Zalo