Đại sứ Vũ Thanh Huyền: Sáu thập kỷ chia sẻ tương đồng, Việt Nam và Tanzania cùng hướng đến phát triển phồn vinh

Theo Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Vũ Thanh Huyền, với vị trị địa chính trị - kinh tế quan trọng, Việt Nam và Tanzania đang thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hướng tới sự phát triển, phồn vinh chung cho quốc gia và khu vực.

Đại sứ Vũ Thanh Huyền tiếp kiến Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)

Đại sứ Vũ Thanh Huyền tiếp kiến Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tanzania (14/2/1965-14/2/2025), Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Vũ Thanh Huyền đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam những điểm nhấn của quan hệ song phương trong sáu thập kỷ qua, đồng thời chỉ ra tiềm năng hợp tác giữa quốc gia Đông Nam Á và quốc gia Đông Phi trong tương lai.

Năm 2025 đặc biệt khi Việt Nam và Tanzania kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đâu là điểm nhấn của quan hệ Việt Nam-Tanzania trong sáu thập kỷ qua, thưa Đại sứ?

Có thể nói, Việt Nam là một trong những người bạn đầu tiên của Tanzania bởi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 14/2/1965, rất sớm sau khi thành lập nước Tanzania vào ngày 26/4/1964.

Hai nước đã xây dựng và phát triển tình hữu nghị truyền thống lâu đời bắt nguồn từ những nhà lãnh đạo lỗi lạc và đầu tiên khi đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Julius Nyerere. Từ trong quá khứ, châu Phi nói chung và Tanzania nói riêng luôn coi Việt Nam là biểu tượng cổ vũ cho phong trào đấu tranh giành độc lập cho các dân tộc bị áp bức, tiếp theo là hình ảnh thành công của việc tái thiết và phát triển đất nước.

Sáu thập kỷ qua, Việt Nam và Tanzania luôn ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU), ASEAN, Cộng đồng Đông Phi (EAC)... đồng thời luôn tăng cường trao đổi, phối hợp lập trường trong các vấn đề toàn cầu.

Dù thuộc hai châu lục khác nhau, Việt Nam và Tanzania chia sẻ nhiều điểm tương đồng từ trong lịch sử dựng xây và phát triển đất nước. Cùng chung vận mệnh đấu tranh chống ngoại xâm trong hàng ngàn năm lịch sử; cùng thoát khỏi ách đô hộ thực dân, đế quốc trong thời hiện đại; chia sẻ các nguyên tắc chung về quyền tự quyết, quyền độc lập, quyền chọn bạn… của Phong trào Không liên kết (NAM) và cùng có xuất phát điểm phát triển đất nước theo đường hướng xã hội chủ nghĩa. Điểm thú vị nữa là cả hai nước đều hướng ra phía Đông đại dương hai châu lục là phía Đông của châu Á và phía Đông của châu Phi.

Ngày nay, cả hai nước đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân, củng cố an ninh quốc phòng, mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế lên hàng đầu. Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, đặc biệt là quan hệ tốt đẹp giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cách mạng Tanzania (CCM), cũng như việc duy trì các cuộc tiếp xúc, trao đổi thường xuyên giữa hai nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở tất cả các cấp đã và đang tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại hai nước.

Về hợp tác song phương, hai bên tích cực phối hợp xây dựng các hành lang pháp lý cho việc hợp tác; Hiệp định hợp tác thương mại (10/2001); MOU về chương trình hợp tác nông nghiệp (3/2002); Hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ (12/2004); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ (3/2010); Xây dựng cơ chế tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao; Hiệp định vận tải biển (10/2014); MOU hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan xúc tiến đầu tư Tanzania (3/2016). MOU giữa hai Bộ Thông tin và Truyền thông (tháng 12/2022)...

Từ góc độ châu lục, Việt Nam giữ vai trò rất quan trọng khi nằm ở vị trí huyết mạch của nền kinh tế khu vực, là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á nên có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực.

Trong khi đó, Tanzania được đánh giá nắm giữ vị trí quan trọng trong khu vực, là cửa ngõ để tiếp cận các thị trường lớn như EAC, Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và châu Phi nói chung. Hơn nữa, Tanzania là một trong những nền kinh tế chủ chốt trong khu vực Đông Phi, là thành viên trách nhiệm, có vai trò và tiếng nói trong các diễn đàn khu vực và trong AU.

Bên cạnh tình bạn truyền thống vốn có giữa hai quốc gia, hai dân tộc thì vị trị địa chính trị-kinh tế quan trọng đã, đang và sẽ giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai đất nước để đưa đến sự phát triển, phồn vinh chung cho quốc gia và khu vực.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và hợp tác Đông Phi Tanzania Cosato David Chumi tại trụ sở Bộ Ngoại giao ngày 3/12/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và hợp tác Đông Phi Tanzania Cosato David Chumi tại trụ sở Bộ Ngoại giao ngày 3/12/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã và đang triển khai những hoạt động, sự kiện gì trong năm đặc biệt này?

Để chuẩn bị kỷ niệm mốc son 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tanzania, các nỗ lực thực hiện đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất đang được triển khai hết sức tích cực.

Về trao đổi đoàn, Đại sứ quán đang chuẩn bị triển khai đón đoàn công tác do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu vào Tanzania cuối tháng 2/2025 cũng như đoàn công tác của Bộ trưởng Ngoại giao Tanzania Mahmoud Thabit Kombo thăm Việt Nam dự kiến trong tháng 3/2025.

Đặc biệt, Lãnh đạo hai nước đang mong đợi chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Samia Suluhu Hassan đến Việt Nam trong năm 2025, đánh dấu mốc son kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Đây cũng là nội dung trao đổi trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brazil vừa qua.

Về sự chuẩn bị tại địa bàn, Đại sứ quán dự kiến tổ chức chuỗi các hoạt động gồm giao lưu, quảng bá văn hóa dân tộc dưới nhiều hình thức (triển lãm, giới thiệu ẩm thực Việt, trình diễn nghệ thuật, các sản phẩm truyền thống...) cùng các hoạt động truyền thông, thiện nguyện tại sở tại. Qua đó, tôn vinh hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và khắc họa rõ nét mối quan hệ bang giao gần gũi, gắn kết giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Đặc biệt, Đại sứ quán đang dành nhiều tâm huyết để triển khai tạo dựng Không gian Hồ Chí Minh và Không gian văn hóa Việt tại trụ sở của Đại sứ quán. Tại đây, hình ảnh Bác Hồ với châu Phi và các hoạt động đối ngoại nổi bật của Lãnh đạo Việt Nam với Tanzania sẽ được tái hiện rõ nét và cũng là nơi để cộng đồng người Việt được quảng bá, thể hiện văn hóa, hình ảnh đất nước ở sở tại.

Với Không gian văn hóa Việt, sẽ trưng bày các sản phẩm truyền thống dân tộc nhằm giới thiệu quảng bá tới bạn để thêm hiểu biết, thêm gần gũi với nhân dân, đất nước Việt Nam.

Đồng thời, Đại sứ quán dự kiến tổ chức sự kiện kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao quan trọng này trong dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam năm nay (2/9/1945-2/9/2025) với sự tham dự của đại diện hai nước và bạn bè quốc tế tại sở tại.

Đại sứ Vũ Thanh Huyền dự Đại hội bất thường Đảng Cách mạng cầm quyền Tanzania (CCM) tháng 1/2025. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)

Đại sứ Vũ Thanh Huyền dự Đại hội bất thường Đảng Cách mạng cầm quyền Tanzania (CCM) tháng 1/2025. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)

Như Đại sứ vừa chia sẻ rằng Việt Nam và Tanzania có rất nhiều điểm tương đồng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có vị trí mang tính kết nối trong khu vực, vậy tiềm năng hợp tác giữa quốc gia Đông Nam Á và quốc gia Đông Phi nằm ở những lĩnh vực nào?

Điểm chung giữa quốc gia Đông Nam Á và quốc gia Đông Phi là đều ưu tiên vào phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết khu vực và liên khu vực để từ đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, đầu tư, thương mại, du lịch, trao đổi văn hóa, nhằm tranh thủ thế mạnh của nhau, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước, mỗi khu vực. Điểm mấu chốt nữa là hai bên dù có nhiều điểm tương đồng nhưng lại không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ khuyết cho nhau.

Phía quốc gia Đông Phi có nhu cầu tranh thủ đầu tư, viện trợ, công nghệ, trao đổi kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy hội nhập, liên kết kinh tế góp phần giải quyết những tồn tại sau chiến tranh, nỗ lực chống đói nghèo, dịch bệnh. Đây cũng là khu vực có sức mua lớn với các yêu cầu không quá khắt khe và khá lý tưởng vì nhu cầu phù hợp với trình độ sản xuất và khả năng cung ứng của Việt Nam về chất lượng, mẫu mã, giá cả như gạo, hàng dệt may, giày dép, sản phẩm điện, điện tử, cơ khí...

Khu vực Đông Phi cũng là nơi có thế mạnh cung cấp các nguyên liệu thô mà Việt Nam có nhu cầu như dầu thô, nông sản thô, khoáng sản, kim loại quý... Đặc biệt, với nhiều nước châu Phi nói chung, Việt Nam luôn được coi là hình mẫu cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nhanh chóng thoát nghèo và phát triển thành công kinh tế-xã hội.

Đối với nhiều quốc gia ở khu vực Đông Phi cũng như Tanzania thì nông nghiệp được coi là trụ cột của nền kinh tế, giúp giải quyết các thách thức về xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, bảo đảm an ninh lương thực, xây dựng chiến lược chuyển đổi nông nghiệp phù hợp với điều kiện của đất nước. Tanzania hiện đã phát triển Hành lang Tăng trưởng nông nghiệp phía Nam, thương mại hóa nông nghiệp, triển khai Kế hoạch phát triển quốc gia Tanzania “Tầm nhìn 2050”…

Dựa trên những nền tảng đó, Tanzania rất mong muốn tăng cường hợp tác với các nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời như Việt Nam để tìm kiếm những kinh nghiệm, quy trình canh tác kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên và năng lực của nông dân châu Phi. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kiến thức sản xuất nông nghiệp cho nhiều nước châu Phi trong chương trình hợp tác Nam - Nam, được coi là hình mẫu điển hình trong hợp tác giữa các nước đang phát triển, thời gian qua Việt Nam còn đẩy mạnh hợp tác song phương về xuất khẩu lúa gạo, phát triển cây cà phê, điều, rau quả, nuôi trồng thủy sản...

Với sự ra đời của Khu vực thương mại tự do châu Phi (AFCFTA), trao đổi thương mại của Việt Nam với thị trường châu Phi dự kiến tăng đáng kể.

Tanzania hiện kỳ vọng thúc đẩy chính sách “hướng Đông”, mong muốn mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực hợp tác với Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng mà Tanzania có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển, thu hút đầu tư từ Việt Nam như công nghiệp hóa, viễn thông, chuyển đổi số, dệt may, chế biến nông sản, chăn nuôi, sản xuất lúa gạo, thủy lợi…mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Tanzania cũng như tăng cường nhập khẩu các hàng hóa mà Tanzania có thế mạnh như bông, khoáng sản...

Đại sứ Vũ Thanh Huyền gặp và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác Đông Phi Tanzania Mahmoud Thabit Kombo. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)

Đại sứ Vũ Thanh Huyền gặp và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác Đông Phi Tanzania Mahmoud Thabit Kombo. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Tanzania)

Bước qua “ngưỡng cửa” 60 năm, Đại sứ có kỳ vọng gì vào sự phát triển quan hệ song phương trong kỷ nguyên mới?

Trải qua hơn sáu thập kỷ, từ nền tảng bạn bè truyền thống quan hệ hai nước đã và đang phát triển lên đối tác hợp tác tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, cả bình diện song phương và đa phương.

Với chủ trương và quyết tâm chính trị của Lãnh đạo hai nước, với nguồn lực và tiềm năng hợp tác, với mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp được hun đúc và thử thách trong sáu thập kỷ qua, tôi tin tưởng rằng quan hệ Việt Nam-Tanzania tiếp tục đơm hoa kết trái trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế thương mại và đầu tư, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của hai khu vực và hai châu lục.

Mặc dù có khoảng cách xa về địa lý, nhưng hai nước đã có những bước tiến đáng kể và còn nhiều dư địa để hợp tác các mặt và thúc đẩy giao lưu, kết nối doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư.

Để tạo động lực, đột phá mới trong quan hệ hợp tác song phương, nhất là về thương mại - đầu tư, tại buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao và hợp tác Đông Phi Tanzania Cosato David Chumi vào tháng 12/2024, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn định hướng hai bên cần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực viễn thông, nông nghiệp, khoáng sản, dệt may, nâng cao kim ngạch thương mại giữa hai nước, nhất là các mặt hàng như hạt điều nguyên liệu, bông, sản phẩm dệt may, máy móc nông nghiệp...

Về đầu tư, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đề nghị chính phủ Tanzania tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho tập đoàn Viettel đầu tư, kinh doanh, tham gia vào các dự án chuyển đổi số, chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến... tại Tanzania. Việt Nam khẳng định sẵn sàng cử chuyên gia sang hỗ trợ Tanzania về nông nghiệp, y tế theo mô hình đã triển khai thành công với nhiều nước châu Phi khác.

Những nội dung được hai bên thống nhất tại Kỳ họp lần thứ nhất Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (tháng 12/2024) sẽ là kim chỉ nam những nội dung hợp tác thực tế và thiết thực để Đại sứ quán tiếp tục triển khai đạt mục tiêu trong phát triển quan hệ song phương thời gian tới.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Đại sứ Vũ Thanh Huyền là Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Thống nhất Tanzania, kiêm nhiệm Cộng hòa Kenya, Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, Cộng hòa Rwanda, Cộng hòa Uganda, Cộng hòa Burundi, Cộng hòa Dân chủ Somalia và Đại diện của Việt Nam tại Liên minh châu Phi.

Kỳ họp lần thứ nhất Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao tại Hà Nội, ngày 3/12/2024. (Ảnh: Quang Hòa)

Kỳ họp lần thứ nhất Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao tại Hà Nội, ngày 3/12/2024. (Ảnh: Quang Hòa)

(thực hiện)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-vu-thanh-huyen-sau-thap-ky-chia-se-tuong-dong-viet-nam-va-tanzania-cung-huong-den-phat-trien-phon-vinh-304166.html
Zalo