Dai dẳng những bi kịch từ rượu
Rượu bia được xem là thức uống phục vụ nhu cầu giải trí của con người nhưng nếu lạm dụng nó lại mang đến vô vàn hệ lụy. Khép lại cuộc vui đôi khi là nỗi buồn hoặc sự mất mát, điều đó dường như chưa bao giờ làm các 'đệ tử lưu linh' biết sợ hãi mà chùn bước. Đa số những vụ ngộ độc rượu gây chết người hoặc để lại di chứng nặng nề cũng bắt nguồn từ rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả, rượu pha hóa chất... được sản xuất, bán mua nhan nhản khắp nơi.
Một lần lạc lối “thần sầu”
Vụ ngộ độc rượu thương tâm xảy ra tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 8 năm ngoái của nhóm bạn trẻ, trong đó 2 người tử vong, 6 người còn lại may mắn sống sót nhưng phải mang di chứng nặng nề trong suốt quãng đời sau này. Khi nhắc lại câu chuyện buồn vì rượu, không phải để dè bỉu hay bêu riếu, mà để thêm một lần cảnh tỉnh nỗi buồn mà “thần sầu” gây ra.
Sau chầu nhậu kinh hoàng và trải qua quãng thời gian điều trị tích cực trong bệnh viện, cho đến giờ, Y.N, ngụ TP Thủ Đức vẫn chưa thôi ám ảnh và sợ hãi. N. không muốn nhắc lại quá khứ sai lầm đó nữa, vì nó gợi nhớ ký ức đau buồn khi cô vĩnh viễn mất đi 2 người bạn còn quá trẻ của mình. Riêng N. vẫn còn những di chứng nặng nề, cô phải đi thăm khám thường xuyên, uống thuốc điều trị các bệnh về thần kinh, máu não và tim mạch. N. từng ước mơ sau khi tốt nghiệp đại học sẽ sang Hàn Quốc theo ngành ẩm thực, vì cô đam mê nấu nướng. Nhưng, có lẽ, giấc mơ ấy mãi xa vời với cô gái vừa tròn 20 tuổi, phải mang trong mình nhiều tổn thương sức khỏe và tinh thần. N. cho biết, bản thân vô cùng đau khổ và tiếc nuối cho 2 người bạn chung bàn rượu chẳng may qua đời hôm đó. Họ còn trẻ, con đường tương lai rộng dài phía trước, gia đình đặt hết niềm tin và hy vọng thế mà cuối cùng phải giã từ mọi thứ chỉ vì một chút ngẫu hứng, vui thú của tuổi trẻ. Bản thân nhóm bạn đều là những đứa con ngoan, chăm chỉ và biết sống tự lập. Trong thời gian theo học, họ đều tự kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. “Chỉ một lần “lạc lối” mà hóa định mệnh. Chết vì rượu chỉ là tai nạn nhưng cuộc đời thật quá bất công với 2 người bạn của tôi”, N. chia sẻ. Bây giờ, hễ ai đó nhắc đến từ “rượu” hay đi nhậu là N. cảm giác gai ốc trong người nổi lên, cô sợ hãi như có ai sắp làm hại mình.
Cùng cảm giác như N. là N.V, 20 tuổi, ngụ P. Phước Long B, TP Thủ Đức. Sức khỏe đã ổn định, lại được gia đình quan tâm chăm sóc, ở bên cạnh động viên đã giúp V. vực dậy tinh thần. V. tiếp tục theo học và đã kiếm được công việc làm thêm. Nhắc đến vụ ngộ độc rượu của mình, V. không nói nên lời mà chỉ lắc đầu, buồn bã, rơi nước mắt. V. nói rằng, bản thân không đủ tư cách để khuyên một ai đó đừng uống rượu, nhưng cậu muốn mọi người hãy nhìn vào tấm gương của mình, của bạn mình để dừng lại hoặc biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân. “Rượu bây giờ không an toàn, nó được pha chế quá liều lượng các hóa chất công nghiệp khiến cho người uống vào bị phá hủy sức khỏe. Rượu bia chỉ là gia vị cho cuộc vui, chúng ta hoàn toàn có thể dùng gia vị khác an toàn và lành mạnh hơn”, V. phân tích.
Khép lại cuộc vui là nỗi buồn và sự mất mát, không chỉ nhóm bạn trẻ trải qua tai nạn ngộ độc rượu công nghiệp có chứa quá nhiều hàm lượng methanol, mà đa số những vụ ngộ độc rượu gây chết người hoặc để lại di chứng nặng nề cũng bắt nguồn từ rượu không rõ nguồn gốc, rượu giả, rượu pha hóa chất...
Những vụ ngộ độc rượu gây dư chấn trong lòng xã hội, khiến các nhà quản lý phải vào cuộc một cách quyết liệt và nghiêm túc. Sau vụ 8 người ngộ độc rượu nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, Ban đã thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu, truy xét nguồn gốc xuất xứ, chất lượng...; triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề kiểm tra an toàn thực phẩm. Đồng thời, Ban Quản lý cũng có chuyên đề riêng tuyên truyền cho người dân sử dụng đồ uống an toàn, đảm bảo, khuyến cáo sử dụng những sản phẩm cồn có nơi sản xuất kinh doanh, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nhưng...
Cuộc vui “ngắn chẳng tày gang”
Trong khi vấn đề rượu giả đang trở thành tâm điểm luôn nằm trong phạm vi cảnh báo của các chuyên gia sức khỏe thì các cơ quan quản lý đang “hụt hơi” chạy theo và tìm cách đối phó với các mánh khóe làm rượu giả, rượu kém chất lượng ngày càng tinh vi của những kẻ làm ăn bất chính. Ruột rượu bị làm giả khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Vì thế, sau khi sử dụng cồn công nghiệp không qua xử lý độc tố để pha với nước thành rượu, người làm rượu giả tìm cách “phù phép” về mặt hình thức để qua mặt các cơ quan chức năng cùng người tiêu dùng.
Mặt khác, công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng rượu, bia thủ công còn rất khó khăn do việc sản xuất rượu, bia thủ công đơn giản, nhất là mặt hàng rượu thủ công được thực hiện chủ yếu tại các hộ gia đình hoặc các cơ sở chui, không giấy phép. Việc mua bán đối với mặt hàng này cũng được thực hiện một cách dễ dàng. Trong khi đó, nguyên nhân từ các vụ ngộ độc rượu lại chủ yếu đến từ việc sử dụng, lạm dụng mặt hàng này trong đời sống sinh hoạt của người dân. Thực trạng rượu không an toàn đã được cảnh báo, bất cứ ai uống rượu đều biết điều đó nhưng họ vẫn uống, vẫn sử dụng bất chấp hậu quả.
Đó là liên tiếp nhiều vụ ngộ độc rượu đã xảy ra tại Cà Mau trong thời gian gần đây. Vào cuối tháng 4, tại xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) xảy ra vụ ngộ độc rượu khiến 5 người nhập viện cấp cứu. Khi nhập viện, có 3 người nguy kịch, phải lọc máu liên tục, 1 người do quá nặng nên không qua khỏi.
Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 9/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau tiếp nhận 2 ca ngộ độc rượu liên quan đến cồn công nghiệp methanol. Bệnh nhân ngộ độc rượu hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Theo nhân chứng, 2 bệnh nhân này uống rượu chung với 2 người khác. Do không biết chai cồn (sát khuẩn tay nhanh), sau khi uống hết rượu nên lấy chai cồn pha để uống. Sau khi ăn uống 1 ngày, tất cả đều đau đầu, mệt, nôn ói nhưng không đi khám. Đến khi có 1 người nặng quá, tử vong tại nhà thì gia đình mới đưa 2 người còn lại nhập viện.
Bác sĩ điều trị Lê Diễm Hà, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết: “Những bệnh nhân ngộ độc rượu đến đây đều có diễn tiến nặng, bắt buộc phải thở máy và lọc máu liên tục. Với mức độ nguy hiểm này, người dân cần sử dụng rượu rõ nguồn gốc, không tự ý pha cồn vào rượu, khuyến khích không nên uống rượu, bia nhiều. Khi bệnh nhân ngộ độc rượu đến khi có triệu chứng nhìn mờ (diễn biến nặng) sẽ tổn thương thị giác và có khả năng mù vĩnh viễn. Vì thế, người dân hết sức cân nhắc khi uống rượu”.
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm. Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong. Nghiên cứu cho thấy, ngay sau khi được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu tiến hành hoạt động đào thải rượu bia ra ngoài. Khoảng 10% được thải ra ngoài qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được hấp thu và chuyển hóa ở gan. Song, gan chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Uống rượu bia thời gian dài sẽ có thể dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột, đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan.
Đối với hệ tim mạch, uống rượu, bia gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra, uống nhiều rượu bia còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần.
Người bán thì luôn quảng cáo đó là “rượu quê”, rượu nhà nấu hoặc được sản xuất từ các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, thực tế không ai kiểm chứng các loại rượu bán lẻ, người bán cứ bán, khách thì hồn nhiên mua và vô tư uống.
Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh nhân nam C.A.P., 40 tuổi, trú tại Bình Dương trong tình trạng rối loạn tri giác, mờ mắt. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó, gia đình tổ chức liên hoan cùng bạn bè, người thân và có uống rượu. Sau khi uống vài ly, bệnh nhân cảm thấy say nên về nhà nghỉ. Đến tối cùng ngày, người đàn ông mệt nhiều hơn, nôn ói.
Sáng hôm sau, người bệnh mệt nhiều nên gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám. Những người khác cùng cuộc nhậu cũng bị ngộ độc phải nhập viện.
BS. Chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Khánh - Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân nhập viện sau 2 ngày uống rượu. Qua tiền sử khai thác được, các bác sĩ nghi ngờ người đàn ông bị ngộ độc rượu methanol. Sau khi xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân có tình trạng toan chuyển hóa nặng, tổn thương thận cấp. Xét nghiệm nồng độ methanol trong máu và nước tiểu vẫn rất cao. Điều này chứng tỏ bệnh nhân uống rất nhiều rượu. Các bác sĩ đã kết luận người này bị ngộ độc methanol. Sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần từ “ma men”, anh P. chia sẻ: “Tôi đỡ mệt hơn, chỉ còn dạ dày hơi đau do ói nhiều. Tôi sợ lắm rồi, sẽ bỏ rượu luôn, không dám đụng đến”.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam thống kê, mỗi năm có tới gần 300 triệu lít rượu thủ công được tung ra thị trường với tình trạng không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng. Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi, làm thất thu nguồn thuế rất lớn của Nhà nước, làm tăng chi phí chăm sóc y tế cũng như thiệt hại về mặt tính mạng con người và tăng nguy cơ mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị Bộ Công thương sớm xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về rượu nói chung và rượu thủ công nói riêng để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu thực hiện và cũng là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các vi phạm.