Đại biểu Quốc hội: Người từ 16 tuổi góp vốn mở quán trà sữa được không?
Ngày 20-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị sửa đổi thêm một nội dung, đó là độ tuổi cá nhân được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết theo quy định hiện hành, cá nhân phải đủ từ 18 tuổi trở lên mới được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp. Vị đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị hạ độ tuổi này xuống 16 tuổi, tức là 16 tuổi sẽ được quyền tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu. Ảnh: Phạm Thắng
Lý giải cho đề xuất này, ông Hiếu cho biết hệ thống luật pháp hiện nay quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. "Như vậy, 16 tuổi trở lên thì không còn là trẻ em nữa. Xét về độ tuổi lao động, hiện quy định đủ 15 tuổi trở lên đã có quyền lao động"- đại biểu Hiếu dẫn chứng các quy định của pháp luật hiện nay.
Về năng lực, hành vi dân sự, theo đại biểu Hiếu, người chưa đủ 18 tuổi chưa có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Dân sự. Nhưng khoản 4 Điều 21 đã quy định "người từ đủ 15 tuổi trở lên đã có thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trừ quyền sử dụng đất và bất động sản phải đăng ký".
Như vậy, những người đủ từ 15 tuổi trở lên có tiền thì họ hoàn toàn đã có quyền tự mình nhân danh và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch dân sự.
"Một học sinh cấp hai có định hướng nghề nghiệp, học trường cao đẳng nghề, góp vốn mở một cửa hàng bán trà sữa, tại sao không cho họ có quyền này?"- ông Phan Đức Hiếu đặt vấn đề và đề xuất người từ 16 tuổi trở lên được tham gia góp vốn lập doanh nghiệp.
Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng cần cân nhắc kỹ nội dung này. Theo ông Ba, Luật Doanh nghiệp hàng chục năm qua từng bước hoàn thiện quy định về quyền gia nhập thị trường của các tổ chức, cá nhân.
Với cá nhân, cần phân biệt rất rõ 3 quyền: Quyền thành lập; quyền quản lý hay quản trị, tham gia vào bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp; quyền góp vốn. Đối với quyền thành lập và quyền quản trị, theo ông Đồng Ngọc Ba, quy định đòi hỏi người phải trưởng thành, phải có những điều kiện kể cả về mặt nhận thức cũng như về mặt tư cách đạo đức, các điều kiện khác có liên quan để chống các xung đột lợi ích.
Mặt khác, tại Điều 17 của Luật Doanh nghiệp hiện hành đã phân biệt rất rõ quyền thành lập, quản lý, góp vốn của các chủ thể. Theo ông Ba, luật từ lâu đã không cấm việc góp vốn vào doanh nghiệp, ai có tài sản đều có thể góp vốn.
Còn trong trường hợp người 16 tuổi có quyền tham gia thành lập doanh nghiệp, ông Đồng Ngọc Ba cho rằng người thành lập doanh nghiệp là sáng lập viên. Nếu họ là những người chưa thành niên, việc quản lý, điều hành sẽ khó khăn, đặc biệt khi tham gia vào các giao dịch kinh tế, do đó cần cân nhắc kỹ.