Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị góp ý các dự án luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay 20/5, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo. Theo đại biểu, trong bối cảnh Quốc hội đang nỗ lực gỡ bỏ mọi rào cản cho kinh tế tư nhân thì những nội dung sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là rất cần thiết. Đại biểu Hà Sỹ Đồng đồng tình với cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không yêu cầu thêm các điều kiện hay hồ sơ trong quá trình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Tức là không “tiền kiểm” đối với vấn đề này.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: TS

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Ảnh: TS

Thực tiễn Luật Doanh nghiệp trong gần ba thập kỷ qua đã chứng minh việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, dễ dàng là một trong những quy định quan trọng giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu cho rằng, cơ quan nhà nước cần tăng cường hậu kiểm những trường hợp có nghi ngờ về việc thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Để làm tốt công tác hậu kiểm, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro, thay vì kiểm tra tùy tiện, gây mất thời gian của doanh nghiệp và dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

Theo đó, cơ quan nhà nước cần phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, chấm điểm rủi ro và đi kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp.

Ngoài ra, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đánh giá việc bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi để phù hợp với các cam kết về phòng chống rửa tiền là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh đây là vấn đề khó. Vì tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi là chưa thực sự rõ ràng.

Đại biểu cho rằng, mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 cũng đã đề cập đến khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi, Chính phủ đã quy định chi tiết nội dung này tại Nghị định 19/2023/NĐ-CP áp dụng cho các giao dịch của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, qua quá trình tham vấn các tổ chức tín dụng thì các tiêu chí này vẫn rất chung chung và khó tuân thủ.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng cơ bản vẫn phải dựa trên cơ sở tự khai báo của khách hàng, chủ tài khoản, chưa có biện pháp hữu hiệu để xác minh các thông tin liên quan. Do đó, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đề nghị trước mắt những trường hợp đã được xác định rõ ràng (như quan hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn trở lên) cần quy định bắt buộc phải khai báo. Nếu không khai báo thì sẽ bị xử phạt.

Đối với các trường hợp mà tiêu chí xác định mang tính định tính (như cá nhân có quyền chi phối) cũng cần phải có quy định yêu cầu khai báo, nhưng trước mắt không xử phạt khi doanh nghiệp khai báo không đầy đủ. Sau này, khi cơ quan nhà nước có quy định hoàn thiện hơn về khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi thì mới áp dụng quy định xử phạt khi khai báo không đầy đủ.

Liên quan đến vấn đề điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, Dự thảo có bổ sung quy định dư nợ không quá 5 lần vốn chủ sở hữu, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định: đây là vấn đề đã gây tranh cãi rất nhiều khi soạn thảo phần Luật chứng khoán trong Luật sửa đổi 09 luật thuộc lĩnh vực tài chính, cũng như tranh luận trong quá trình soạn thảo Nghị định về trái phiếu riêng lẻ.

Trong Luật sửa đổi 09 luật thuộc lĩnh vực tài chính cũng giao Chính phủ quy định chi tiết chứ không quyết định cứng. Đại biểu đánh giá đây là phương án hợp lý, vì vấn đề hệ số nợ bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào các quy định pháp lý khác quản lý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Bên cạnh đó, nếu các quy định khác về điều kiện phát hành, điều kiện người mua chặt chẽ, thì có thể không cần giới hạn hệ số nợ hoặc mức giới hạn cao.

Ngược lại, nếu các quy định khác được nới lỏng thì cần phải siết chặt hệ số nợ. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, việc quy định cứng tỷ lệ 05 lần vốn chủ sở hữu trong luật sẽ gây khó khăn cho Chính phủ trong việc soạn thảo các quy định khác về phát hành chứng khoán riêng lẻ. Vì thế, đại biểu đề nghị xem xét quy định theo cách tiếp cận tại Luật Chứng khoán, theo đó, giao Chính phủ quyết định vấn đề này. Điều này cũng đúng theo tinh thần soạn thảo pháp luật mới, tức là Quốc hội không quyết định các vấn đề chưa ổn định, cần được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tiễn.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ. Tổ số 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bình Thuận, Bình Phước, Quảng Trị, Vĩnh Phúc đã tập trung thảo luận một số nội dung về các dự thảo: Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự, Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Tham gia vào dự thảo Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm nhóm đối tượng “Người tham gia tố tụng” tại Điều 55. Bởi vì quy định này chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn như người đầu thú, tự thú, người biết việc.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Ảnh: TS

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Ảnh: TS

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 119 về các căn cứ để tạm giam bị can, bị cáo còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có căn cứ nào để xác định rõ như thế nào là “có dấu hiệu bỏ trốn” hay “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội”. Hiện nay, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể đánh giá một cách chủ quan để áp dụng biện pháp tạm giam đối với người phạm tội, nếu áp dụng không đúng sẽ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.

Vì vậy, nên có quy định cụ thể đối với hai trường hợp này để áp dụng pháp luật đúng, không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người phạm tội. Liên quan đến quy định tại khoản 9, Điều 1 sửa đổi khoản 1 Điều 149 dự thảo có quy định “Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố". Tuy nhiên, nội dung của khoản 2 chưa được sửa đổi hoặc bổ sung để phù hợp với quy định mới tại khoản 1.

Điều này có thể tạo ra sự thiếu đồng bộ trong quy định về trình tự, thủ tục phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung thêm khoản 2 để đảm bảo tính thống nhất và đầy đủ trong quy định.

Nội dung sửa đổi đề xuất như sau: “... cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát phải gửi quyết định phục hồi cho cơ quan điều tra có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố”. Giúp đảm bảo các đối tượng liên quan đều nhận được thông tin kịp thời về quyết định phục hồi giải quyết, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra và xét xử.

Bên cạnh đó, theo quy định tại là khoản 25, Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 268 BLTTHS thì: “Tòa án nhân dân khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng...”, thì VKSND khu vực sẽ có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với những vụ án nêu trên.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng: hầu hết những vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng thường có tính chất phức tạp, khả năng cao thường phải gia hạn tạm giam và gia hạn thời hạn điều tra. Vì vậy, Ban soạn thảo cần xem xét quy định VKSND khu vực có thẩm quyền gia hạn điều tra lần thứ nhất, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với những vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tại buổi thảo luận Tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tham gia góp ý đối với Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Tại Khoản 2, Điều 1 của Dự thảo bổ sung quy định Điều 198a vào Điều 198 có quy định: “3. Chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng,...c) Thông báo cho bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm (nếu có).” Theo đại biểu, trên thực tiễn, không phải trường hợp nào Tổ chức tín dụng cũng biết về việc có bên khác cùng nhận bảo đảm đối với Tài sản bảo đảm. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định trên thành: “...c) Thông báo cho bên bảo đảm, bên cùng nhận bảo đảm và người đang giữ tài sản bảo đảm (nếu có).”

Đối với quy định tại Khoản 2, Điều 1 của Dự thảo bổ sung quy định Điều 198c vào Điều 198, theo đại biểu, việc được nhận lại tài sản bảo đảm là quyền của bên nhận bảo đảm, do đó để hạn chế thủ tục hành chính không cần thiết, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh như sau: “2. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu,...người ra quyết định tạm giữ thực hiện các thủ tục trả tang vật, phương tiện cho bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài và tổ chức mua bán, xử lý nợ.”, việc điều chỉnh này sẽ bổ sung thêm đối tượng của bên nhận bảo đảm là “văn phòng đại diện nước ngoài” đảm bảo dự án Luật sẽ bao trùm hơn, đồng thời phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 2 của Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15./.

Trường Sơn – Thanh Tuân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-gop-y-cac-du-an-luat-193775.htm
Zalo