Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền

Sáng nay 14-2, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường. Thảo luận về Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi, nhiều đại biểu đề xuất làm rõ việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ…

Các đại biểu thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi sáng 14-2. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi sáng 14-2. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại hội trường, đa số đại biểu đồng tình với việc sửa Luật tổ chức Chính phủ để phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Đề cập đến các Điều 6, Điều 7, Điều 8 dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị, nguyên tắc phân quyền phải rạch ròi giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nếu không đưa vào luật thì phải đưa vào nghị định để người được phân quyền, ủy quyền, giao thẩm quyền dám làm và chịu trách nhiệm về công việc.

Luật quy định khung, nghị định Chính phủ phải rành mạch, rõ ràng. Ngoài ra, cùng với phân quyền phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: quochoi.vn

Phân tích về các nguy cơ về vấn đề phân quyền, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) chỉ ra một số chồng chéo quyền lực, nguy cơ cát cứ quyền lực.

Phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến chồng chéo giữa Trung ương và địa phương ở một số nhiệm vụ trọng yếu (quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường) hoặc chính quyền địa phương có thể lạm quyền mà thiếu kiểm soát.

Việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích địa phương, không nhất quán với chính sách chung.

Một số tỉnh, thành phố giàu tài nguyên hoặc có kinh tế mạnh có thể tận dụng phân quyền để thiết lập các chính sách ưu đãi riêng, gây bất bình đẳng với các địa phương khác.

Ngược lại, các địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện, gây trì trệ khi thực hiện.

Do vậy, đại biểu đề xuất, bổ sung nguyên tắc “phân quyền có điều kiện”, chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền…

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam).

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam).

“Phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương và trách nhiệm giải trình để tránh chồng chéo và cát cứ quyền lực”, đại biểu Trần Văn Khải nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương), bày tỏ, Điều 7 nói phân quyền nhưng chưa định nghĩa rõ quyền nào của Trung ương, quyền nào của địa phương.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: quochoi.vn

Do vậy, đại biểu kiến nghị luật quy định rõ về phân quyền, trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền.

Phát biểu tại phiên thảo luận hội trường sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình làm rõ thêm ý kiến các đại biểu nêu.

Dự luật hoàn thiện được nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền theo hiến định và chủ trương của Đảng. Từ đó, tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hệ thống hành chính Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Đồng thời, tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ rào cản, phân quyền, phân cấp và phân định nhiệm vụ cụ thể đang hiện hữu trong các luật chuyên ngành.

“Vấn đề giao thoa giữa Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ được giải quyết căn bản trong lần sửa đổi này”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: quochoi.vn

Theo Bộ trưởng, trong quá trình rà soát 257 luật có tới 177 luật quy định cụ thể trách nhiệm quyền hạn của bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, HĐND các cấp… Đây sự chồng chéo, khó để thực hiện phân cấp, phân quyền.

Dự luật đã quy định điều khoản rất quan trọng đó là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải căn cứ vào nguyên tắc phân cấp, phân quyền khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Châu Anh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-lam-ro-viec-phan-cap-phan-quyen-uy-quyen-693206.html
Zalo