Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh góp ý đối với Dự án Luật Nhà giáo
Sáng 20/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của đợt 2 với phiên thảo luận tại hội trường. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu góp ý đối với Dự án Luật Nhà giáo.
Đại biểu khẳng định: Nhà giáo là nghề rất đặc biệt, bởi sản phẩm nhà giáo tạo ra là tri thức, người thầy có ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm mà người thầy tạo ra. Do vậy, rất cần những chính sách đặc biệt cho nhà giáo.
Để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh góp ý:
Về quyền nghiên cứu khoa học của nhà giáo, theo đại biểu, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục không chỉ là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn là hoạt động tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, tạo ra quy trình giảng dạy hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục là con đường hiệu quả nhất để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phát triển năng lực sư phạm của mỗi người làm công tác giảng dạy và giáo dục. Nghiên cứu khoa học còn là tiêu chí đánh giá chất lượng trường. Dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định nhà giáo được quyền nghiên cứu khoa học (tại khoản c và khoản g Điều 8).
Tuy nhiên, thực tế, kinh phí cho nhà giáo nghiên cứu khoa học trong các nhà trường còn khó khăn, kinh phí dành cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp rất thấp, chủ yếu từ tiết kiệm chi, từ cơ chế hợp tác công tư, nhất là nhóm đề tài về kỹ thuật yêu cầu thí nghiệm, thử nghiệm cần nguồn kinh phí để thực hiện, nếu kinh phí đầu tư như hiện tại sẽ khó khả thi. Trong khi các quy định việc nghiên cứu khoa học không chỉ được mà còn là bắt buộc nên khó khăn cho nhà giáo và nhà trường trong tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học.
Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các trường THPT. Quỹ này hoạt động với phương châm không lợi nhuận, được Nhà nước cấp kinh phí, hoạt động xã hội hóa, thu học phí... Đồng thời, có hướng dẫn các cơ sở thực hiện quỹ này và bổ sung vào Điều 6 (Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo), các chính sách đủ mạnh hỗ trợ nghiên cứu khoa học như: được miễn, giảm thuế, được hỗ trợ kinh phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được cấp kinh phí thực hiện đề tài, hội thảo... Như vậy, nhà giáo sẽ thực hiện được quyền của mình quy định tại Điều 8, đồng thời khuyến khích được nhà giáo tham gia nghiên cứu khoa học.
Về chính sách thu hút nhà giáo (Điều 29): Thực tế hiện nay, hầu hết tỉnh miền núi phía Bắc thiếu số lượng giáo viên so với định biên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều năm qua, ngành giáo dục khó tuyển và giữ chân giáo viên công tác tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Thêm vào đó, hằng năm, ngành giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo quy định. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì, đẩy mạnh phổ cập và việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Do vậy, việc dự thảo luật đưa các chính sách thu hút nhà giáo là cần thiết.
Tuy nhiên, các nội dung quy định tại Điều 29 còn chung chung, chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân nhà giáo và tạo sức hút để đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc... làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khi chỉ được hưởng ưu tiên về tuyển dụng và chế độ phụ cấp, trợ cấp thu hút nhưng chưa rõ phụ cấp, trợ cấp thu hút ở mức độ nào hoặc chế độ lương, đãi ngộ như thế nào? Sau thời gian công tác theo chính sách thu hút này mà chưa được chuyển vùng thì có được tiếp tục hưởng chính sách hay không? (Nghị định 76/2019/CP quy định 5 năm công tác mà chưa được chuyển vùng cũng không tiếp tục được hưởng chính sách thu hút). Bên cạnh đó, dự thảo luật cần làm rõ như thế nào gọi là người có trình độ cao, người có tài năng và có tiêu chí xác định cụ thể để đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Về vấn đề nhà ở công vụ cho giáo viên khi biệt phái, điều động công tác tại vùng khó khăn (khoản 2 Điều 29), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu: Dự thảo luật quy định bố trí nhà ở công vụ hoặc thuê nhà ở công vụ theo Luật Nhà ở. Thực tế, các vùng khó khăn, vùng dân tộc và miền núi không có đủ nhà ở công vụ cho nhà giáo. Theo báo cáo đánh giá tác động, hiện cả nước thiếu 10.794 nhà ở công vụ với diện tích 24 m2/căn khép kín dành cho 1 giáo viên ở nên việc bố trí nhà rất khó khăn. Nếu quy định như luật thì địa phương sẽ tiếp tục bổ sung nhà ở công vụ; nếu xây dựng nhà ở tập thể để bố trí miễn phí cho giáo viên (khoảng 4 giáo viên/căn diện tích 24 m2) thì tổng kinh phí xây dựng là 504 tỷ đồng. Để xây dựng được số lượng nhà ở còn thiếu cũng cần nguồn vốn bố trí (dự kiến 50% ngân sách, 50% xã hội hóa) và có thời gian thực hiện.
Do vậy, đại biểu đề nghị, ngoài quy định nêu trên, cần bổ sung quy định hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở cho nhà giáo, như vậy vẫn đảm bảo linh hoạt với thực tế là nơi nào có nhà công vụ thì bố trí, nơi nào có nhà ở xã hội thì thuê theo Luật Nhà ở, nơi nào không có thì hỗ trợ kinh phí nhà giáo tự thuê nhà. Ngoài ra, cũng cần quan tâm bố trí sớm nguồn vốn để các địa phương xây dựng nhà ở công vụ còn thiếu...