Cùng em sánh bước - Kỳ cuối: Người địa phương 'gieo hạt' cho quê hương

(Báo Quảng Ngãi)- Những thầy, cô giáo giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở nơi mà họ đã từng sinh ra và lớn lên vẫn thường được gọi là: Người địa phương “gieo hạt” cho quê hương. Với sự gắn bó từ trong tâm thức, những thầy, cô giáo như vậy luôn thầm lặng ngày đêm, hy sinh cả tuổi xuân để chăm lo cho học sinh nơi quê nhà.

Thầy giáo Đinh Văn Tim - Chủ nhiệm lớp 4B, Trường Tiểu học và THCS Sơn Tinh (Sơn Tây), là người dân tộc Hrê. Đến nay, thầy Tim có gần 30 năm gắn bó với học trò xã Sơn Tinh. “Những năm đầu về công tác, cuộc sống người dân địa phương còn rất thiếu thốn. Đường sá đi lại khó khăn nên chuyện học hành của con em hầu như không được quan tâm. Chuyện học sinh (HS) bỏ học không có gì là lạ. Vì vậy, ngoài việc dạy học, giáo viên (GV) còn gánh thêm trọng trách là gọi trò ra lớp”, thầy Tim cho hay.

Thầy giáo Đinh Văn Tim, Trường Tiểu học và THCS Sơn Tinh (Sơn Tây), đến nhà thăm hỏi gia đình học sinh Đinh Văn Manh, ở thôn Xà Ruông, xã Sơn Tinh.

Thầy giáo Đinh Văn Tim, Trường Tiểu học và THCS Sơn Tinh (Sơn Tây), đến nhà thăm hỏi gia đình học sinh Đinh Văn Manh, ở thôn Xà Ruông, xã Sơn Tinh.

Câu chuyện HS bỏ học giữa chừng, đi học giã gạo là vấn đề không mới của ngành giáo dục các huyện miền núi. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa đót, mùa cau... HS lại bỏ học để lên rừng hái cau, chặt đót. Trong muôn vàng khó khăn ấy, ngành giáo dục đã chọn giải pháp rất phù hợp với thực tiễn, đó là phát huy vai trò của GV người địa phương trong việc vận động và duy trì sĩ số HS đến lớp.

Chúng tôi đến Trường Tiểu học và THCS Sơn Tinh lúc chiều muộn, khi những cơn mưa rừng trút xuống ào ạt. Thầy Tim cùng một số đồng nghiệp đón chúng tôi trong căn phòng nhỏ. Khi bắt đầu câu chuyện với mùa cau đang được giá, các thầy, cô giáo chia sẻ, cau được giá thì mừng cho người dân, nhưng chúng tôi thì... lo.

Nhờ những giáo viên như thầy Đinh Văn Tim mà học sinh Trường Tiểu học và THCS Sơn Tinh (Sơn Tây) có điều kiện nghỉ ngơi, học tập ngày càng tốt hơn.

Nhờ những giáo viên như thầy Đinh Văn Tim mà học sinh Trường Tiểu học và THCS Sơn Tinh (Sơn Tây) có điều kiện nghỉ ngơi, học tập ngày càng tốt hơn.

Sở dĩ có nỗi lo trên là vì, thầy Tim đã có hàng chục năm đối mặt với tình trạng HS đi học giã gạo vào mùa cau, mùa đót. Thầy Tim và đồng nghiệp đã không biết bao lần phải băng rừng, lội suối để tìm và đưa HS ra lớp. Thầy kể, thời điểm HS bỏ học nhiều nhất là sau tết Nguyên đán, Tết mừng lúa mới, hay mùa keo, mùa đót. Khi ấy, GV lại phải đi vận động các em ra lớp. Đặc biệt, sau tết Nguyên đán, tất cả GV phải trở lại trường từ rất sớm để vận động HS đi học.

Gần 30 năm công tác, thầy Tim có 8 năm dạy học ở 3 điểm trường lẻ. Ở các điểm trường này, GV phải phụ trách việc đảm bảo sĩ số HS. Thầy Tim không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần băng rừng, lội suối đến từng thôn, xóm để vận động học trò ra lớp. “Năm 2010, tôi dạy học tại Điểm trường lẻ thôn Bà He. Lúc đó, có 1 HS thường xuyên không đến lớp vì theo cha mẹ lên rẫy. Tôi phải tìm lên tận rẫy xin phụ huynh cho cháu về ở với hàng xóm để tiện đưa đón cháu đi học", thầy Tim kể.

Không chỉ vận động HS đến lớp, thầy Tim còn thay cha mẹ chăm sóc các em lúc ốm đau. Như năm 1999, khi thầy Tim được phân công đưa HS của trường về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Sơn Tây để thi tốt nghiệp, nhưng có 1 em bất ngờ bị đau nặng phải cấp cứu. Vậy là, thầy Tim theo hỗ trợ chăm sóc học trò. Ngày ấy, đường sá khó khăn, từ trung tâm huyện Sơn Tây, thầy Tim phải đi bộ mất một ngày để đưa HS xuống Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà cấp cứu. Sau đó, xe cấp cứu đưa em xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Thầy Tim không thể liên lạc được với gia đình HS, nên đã ở lại chăm sóc em suốt 5 ngày.

Suốt bao năm qua, quê hương, HS luôn có vị trí đặc biệt trong tim người thầy tận tụy này. Cũng vì vậy, thầy Tim đã dành cả tuổi trẻ, niềm tin và tấm lòng của mình đưa con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số, dẫu đã từng có lúc nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Giờ đây, nhìn thấy các em đến trường với bộ đồng phục tinh tươm, có bếp ăn tại trường, cái nghèo dần qua đi, trong ánh mắt thầy Tim ánh lên niềm hạnh phúc. Bởi hơn ai hết, thầy Tim là người con của miền sơn cước này và cũng đã trải qua thời niên thiếu thiếu ăn, thiếu mặc...

Chúng tôi gặp thầy giáo Hồ Thanh Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Minh Long, khi tiếng trống trường vừa vang lên báo hiệu hết tiết 5 của buổi học. Sinh ra và lớn lên ở miền núi huyện Minh Long, thầy Trung đã có 24 năm gắn bó với giáo dục địa phương. Thầy là một trong những người đặt nền móng cho việc mở lớp dạy bậc THCS tại xã Long Môn (Minh Long). Thầy Trung nhớ lại, năm 2000, tôi tốt nghiệp bậc cao đẳng, ngành sư phạm Hóa - Địa, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi (nay là Trường Đại học Phạm Văn Đồng) theo diện cử tuyển. Từ đó, tôi trở về quê hương Minh Long để gieo chữ cho HS người địa phương. “Tôi là đồng bào dân tộc Hrê, mà phần lớn HS nơi tôi dạy cũng là người Hrê, nên giữa thầy và trò có sự kết nối, sẻ chia dễ dàng”, thầy Trung chia sẻ.

Thầy Trung đã kinh qua nhiều trường học trên địa bàn huyện. Song, khoảng thời gian đáng nhớ nhất đó là năm 2001, khi Trường Tiểu học Long Môn bắt đầu có lớp nhô 6 và 7. Vì vậy, thầy Trung đã xung phong lên Long Môn - xã xa xôi nhất của huyện miền núi Minh Long, để đảm nhận việc giảng dạy lớp nhô 6 và 7. “Lúc đó, đường sá đi lại rất khó khăn, cứ đến chiều Chủ nhật, tôi mang theo gạo và thức ăn đủ cho 1 tuần để đi bộ hơn 10km đường núi từ xã Thanh An lên xã Long Môn. Đến chiều thứ 6, tôi lại lội bộ trở về nhà. Tôi cùng 1 thầy giáo khác lên dạy lớp nhô 6 và 7 ở tất cả các môn. Tôi vui vì có thể đóng góp sức trẻ để khởi đầu một bậc học mới ở xã Long Môn”, thầy Trung tâm sự.

Thầy giáo Hồ Thanh Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Minh Long, sẻ chia những câu chuyện đẹp đến với học sinh.

Thầy giáo Hồ Thanh Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Minh Long, sẻ chia những câu chuyện đẹp đến với học sinh.

Lúc đó, Trường Tiểu học Long Môn chưa tổ chức bán trú. Một số HS ở xa phải trọ lại nhà người quen gần trường. Phần lớn HS lớn tuổi, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên có ý nghĩ thôi học để phụ giúp gia đình. “Tôi cùng đồng nghiệp thường xuyên trò chuyện để nắm bắt tâm tư của HS, kịp thời chia sẻ khó khăn. Cùng với đó là, tăng cường phụ đạo thêm, giúp các em nắm vững kiến thức để không nảy sinh tâm lý chán nản”, thầy Trung nói. Sau 5 tháng cống hiến, thầy Trung quay trở lại Trường Phổ thông cơ sở Long Mai (cũ) tiếp tục công tác.

Thầy giáo Hồ Thanh Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Minh Long cùng các thầy, cô giáo qua các thế hệ luôn nỗ lực trong sự nghiệp trồng người.

Thầy giáo Hồ Thanh Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Minh Long cùng các thầy, cô giáo qua các thế hệ luôn nỗ lực trong sự nghiệp trồng người.

Năm 2022, thầy Trung được điều động về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Minh Long. Điều đặc biệt là, thầy Trung từng là HS của ngôi trường này. Hơn nữa, cha của thầy Trung cũng từng là hiệu trưởng của trường, nên thầy Trung càng nỗ lực cống hiến để không phụ lòng những thế hệ đi trước. Trong quá trình giảng dạy, thầy Trung luôn đổi mới phương pháp dạy học, truyền lửa cho HS để các em có thêm ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập. Năm 2024, thầy Trung được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Minh Long.

Chất lượng giáo dục của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Minh Long dần được nâng lên.

Chất lượng giáo dục của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Minh Long dần được nâng lên.

Trong cuộc sống, mỗi người đều chọn hướng đi phù hợp với bản thân. Riêng thầy Trung đã chọn quay về cống hiến cho ngành giáo dục quê nhà. Thầy Trung chia sẻ, những việc thầy làm chưa phải lớn lao, nhưng nhìn lại hành trình đã qua, thầy hạnh phúc vì những gì mình đã trao đi.

Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG - X.THIÊN

Trình bày: VÕ VĂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202411/emagazine-cung-em-sanh-buoc-ky-cuoi-nguoi-dia-phuong-gieo-hat-cho-que-huong-f8d42cf/
Zalo