Đề nghị bổ sung yêu cầu về thực hành sư phạm và kinh nghiệm thực tế

Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, ĐBQH đề nghị, cần bổ sung yêu cầu về thực hành sư phạm, kinh nghiệm thực tế, khắc phục tình trạng dạy chay, học chay.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo với 6 nhóm chính sách đã được thể hiện trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Việc xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về Nhà giáo cho thấy cách tiếp cận mới, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo - những người làm việc trong lĩnh vực nghề nghiệp có tính đặc thù và có tác động lớn đến sự phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, phát triển con người.

Qua đó, góp phần hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Góp ý cụ thể về đối tượng áp dụng của Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần làm rõ và mở rộng đối tượng, không chỉ bao gồm những người có nhiệm vụ giảng dạy mà còn cả những người có nhiệm vụ giáo dục trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời cần xem xét việc đưa các nhóm viên chức quản lý và giảng viên đại học (có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng) vào đối tượng áp dụng.

Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ "không ngừng học hỏi, trau dồi tư tưởng, đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn", vì đây là nghĩa vụ cần thiết đối với nghề giáo. Bên cạnh đó, nhà giáo cần có nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân của người học, không được tiết lộ thông tin như điểm số lên mạng xã hội.

Về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu tỉnh Lâm Đồng bày tỏ đồng tình với việc giao thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho cơ quan giáo dục. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung yêu cầu về thực hành sư phạm và kinh nghiệm thực tế, đặc biệt đối với giảng viên đại học, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và khắc phục tình trạng "dạy chay, học chay".

 Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH Bắc Ninh).

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH Bắc Ninh).

Góp ý quy định về đạo đức nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo; công tác đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH Bắc Ninh) nhấn mạnh, thời nào cũng vậy, giáo viên luôn gánh trên mình trọng trách vinh quang, lớn lao, nhưng rất đỗi nhọc nhằn. Đó là trách nhiệm “trồng người”.

Người thầy không chỉ cần có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm mà cần cả cái “tâm” với nghề. Điều này khiến mỗi giáo viên phải ý thức được tầm quan trọng của việc thường xuyên trau dồi về mọi mặt, nhất là phẩm chất đạo đức.

Ngoài ra, người thầy luôn được coi là tấm gương sáng để các thế hệ học sinh noi theo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số vụ việc giáo viên có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, có những hành vi phản cảm trong môi trường sư phạm tôn nghiêm, vi phạm đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh cũng như làm giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Những sự việc này có thể do giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu kiên nhẫn trong giáo dục học sinh, chưa có ý thức giữ gìn phẩm chất, danh dự nhà giáo và cũng có thể công tác đào tạo giáo viên chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất đạo đức và rèn luyện kỹ năng sư phạm.

Đại biểu đề nghị, các chế tài xử lý đối với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn. Tại Điều 34 quy định về bồi dưỡng nhà giáo, Dự thảo mới tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn hoặc năng lực quản lý, mà chưa có nội dung về bồi dưỡng đạo đức nhà giáo.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung quy định nội dung về đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức, hành vi cho nhà giáo.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-nghi-bo-sung-yeu-cau-ve-thuc-hanh-su-pham-va-kinh-nghiem-thuc-te-post709356.html
Zalo