Hà Nội cần tăng trưởng hai con số để dẫn dắt cả nước

Tiếp tục cho ý kiến về mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội 8% năm 2025, chiều ngày 15/2, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường, bổ sung giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó có ý kiến cho rằng 'Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng trưởng hai con số để kéo cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8%'.

Trước đó, đã có 77 ý kiến thảo luận tổ vào chiều ngày 14/2, hầu hết các đại biểu đều cho rằng đây là mục tiêu khó nhưng bắt buộc phải có.

Chiều ngày 15/2, tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng việc giao KPI phát triển cho các địa phương là hợp lý, sáng tạo, tuy nhiên cần phải có địa phương mang tính động lực như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

“Tôi thấy giao chỉ tiêu cho các địa phương thì cần có địa phương mang tính động lực, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng 2 con số được không? Đây là sức ép nhưng cũng là động lực cho các địa phương, nếu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng 2 con số thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt mục tiêu.”

Đại biểu Trịnh Xuân An nêu ý kiến.

Cũng liên quan tới các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông cho rằng “thể chế đang là điểm nghẹt của điểm nghẽn” vì thế cần phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, thúc đẩy đầu tư tư nhân,...

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông.

“Chúng ta cần đẩy mạnh triển khai hiệu quả quy hoạch điện VIII. Tôi trân trọng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án năng lượng tái tạo mà hiện nay đang đứng yên như một dấu chấm than lớn giữa trời đất và gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội."

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp được các đại biểu quan tâm cho ý kiến đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà trong đó là đảm bảo tỷ suất sinh thay thế. Lấy bài học của Nhật Bản khi có 33 năm tăng trưởng trên 10% nhưng 29 năm trì trệ, tăng trưởng không quá 1% do không đảm bảo mức sinh thay thế trong 50 năm. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nguyên nhân là do mức lương tối thiểu của người đi làm không đủ nuôi con.

“Tôi lấy ví dụ Thành phố Hồ Chí Minh là vùng 1, một gia đình hai người đi làm phải có từ 20 – 21 triệu đồng mới nuôi được 2 con theo thống kê. Vậy lương đủ sống của một người là 10,5 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định lương tối thiểu vùng 1 là 4,96 triệu đồng. Vậy chúng ta phải tăng gấp đôi lương tối thiểu mới đủ để một gia đình hai vợ chồng nuôi sống 2 con. Nếu không tăng lương dẫn tới nguy cơ không đảm bảo tỉ suất sinh thay thế."

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân lấy ví dụ.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.

Từ đó đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chuyển mức lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu và có lộ trình từ 2025 – 2030 hoặc 2025 – 2035 để đảm bảo bền vững về con người gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Tiếp thu ý kiến, giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ có giải pháp, chính sách cụ thể trong lĩnh vực đầu tư tư nhân, phát triển nguồn nhân lực,… góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội 8% trở lên trong năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên vào cuối kỳ họp.

Phúc Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-can-tang-truong-hai-con-so-de-dan-dat-ca-nuoc-303021.htm
Zalo