Đặc sản nức tiếng ở Tây Nguyên giá đắt đỏ, ăn béo ngậy, giòn giòn
Có vẻ ngoài kém hấp dẫn khiến không ít thực khách nhìn sợ 'xanh mắt' nhưng sâu và nhộng muồng lại được xem như đặc sản nức tiếng ở Tây Nguyên, vị béo ngậy và thơm.
Ở Tây Nguyên, sâu và nhộng muồng là món đặc sản dân dã mà phần lớn người bản địa đều thích. Chúng được tìm thấy ở các cây muồng mà người dân trồng ở bờ lô, bìa rẫy hay trong vườn cà phê.


Sâu muồng có sọc đen hai bên mình, phía dưới bụng màu xanh. Còn nhộng muồng là do những con sâu già lột xác hóa thành, có hình thoi, nhỏ hơn đầu đũa, màu xanh non. Ảnh: Tỷ đại, Ely B'yă
Từ đầu tháng 3 tới hết tháng 4 là lúc sâu và nhộng muồng phát triển mạnh nhất. Bà con địa phương chỉ cần vạch các tán lá muồng là thấy sâu, nhộng bám ken đặc, nhanh tay gỡ ra rồi đem về bán hoặc làm món ăn.
“Sâu muồng sau khi phát triển sẽ rời ngọn cây, di chuyển xuống các tán lá để thành kén. Từ các kén, chúng sẽ hóa thành bướm rồi bay đi.
Vì vậy, khi vào mùa sâu, người dân địa phương phải nhanh tay đi bắt chúng. Chỉ cần có mưa xuống là loại sâu này cũng không còn”, anh Y Sue Knul (sống ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) cho biết.

Sâu và nhộng muồng sau khi được trụng sơ với nước sôi sẽ chuyển sang màu vàng nhạt. Ảnh: Thiên Hè
Theo người đàn ông này, việc sơ chế món sâu và nhộng muồng khá đơn giản.
Sau khi bắt về, người ta để sâu khoảng 4-6 giờ trước khi chế biến cho chúng tự tiêu hóa và làm sạch ruột. Tiếp đến mới rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi rồi vớt ra, đem tẩm ướp gia vị hoặc chế biến tùy ý.
Sâu và nhộng muồng có thể biến tấu thành món luộc, chấm muối tiêu hoặc nướng, xào nhưng ngon nhất là rang mỡ.
Nguyên liệu sau khi sơ chế sạch sẽ, được cho vào chảo mỡ nóng, phi thơm cùng hành, tỏi băm rồi nêm nếm gia vị. Khi sâu chín thì rắc lá chanh thái nhỏ để món ăn thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Món này khi chín có màu vàng ươm, thơm nức mũi. Lớp vỏ giòn giòn, lạ miệng, còn bên trong béo ngậy, bùi bùi, khá giống nhộng tằm nhưng thơm hơn và không cảm giác ngấy.
Món sâu và nhộng muồng rang mỡ. Ảnh: Cuộc sống người Ê Đê
Anh Y Sue Knul tiết lộ, đầu và cuối vụ sâu muồng, loại đặc sản này có giá cao hơn thời điểm vào mùa, khoảng 200.000 – 250.000 đồng/kg.
Khi vận chuyển tới các tỉnh miền xuôi hay xa hơn, sâu và nhộng muồng được bán với giá 350.000 – 400.000 đồng/kg, đắt ngang hải sản nhưng vẫn hút khách mua và thưởng thức.
“Sâu và nhộng muồng là món ăn hấp dẫn với nhiều người dân và thực khách nhưng không phải ai cũng ăn được. Những người dễ dị ứng nên thận trọng, cân nhắc trước khi nếm thử món này”, anh nhấn mạnh.



Một số món ăn chế biến từ sâu, nhộng muồng. Ảnh: Nhỏ kem, Tây Nguyên Daily, Y Sue Knul
Chị Mai Hương (ở TPHCM) từng có dịp thưởng thức sâu, nhộng muồng rang mỡ khi đi công tác tại Đắk Lắk. Chị thừa nhận, thoạt nhìn món ăn trông rất sợ nhưng khi nếm thử, hương vị thơm ngon khó tin.
“Theo cảm nhận cá nhân, tôi thấy nhộng muồng ngon hơn sâu vì vỏ giòn, bên trong béo ngậy. Sau khi biết đến và có cơ hội thưởng thức món ăn này, tôi đã đặt mua mang về TPHCM.
Vì mỗi năm chỉ có một mùa nhộng và sâu nên vào mùa, tôi lại nhờ người quen lấy cho vài cân, đem về sơ chế rồi cấp đông, vừa để được lâu, vừa thuận tiện sử dụng khi muốn đổi bữa hay chiêu đãi khách quý”, chị nói.