Đà Nẵng: Triển khai hệ thống báo động cấp cứu trên toàn thành phố

Qua trường hợp bệnh nhân Lê H.D bị điện giật, được đưa về từ cõi chết một cách 'thần kỳ', Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đang triển khai hệ thống báo động cấp cứu trên toàn TP để rút ngắn thời gian, nâng cao khả năng cứu sống bệnh nhân.

Vai trò của cấp cứu ngoại viện

Theo TS,BS Lê Đức Nhân – Giám đốc Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, bệnh nhân Lê H.Dđược cứu sống dù đã ngưng thở, ngưng tim từ trên mái nhà trước hết là nhờ có cấp cứu tại chỗ ngay từ ban đầu của nhân viên y tế địa phương (phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Tiếp đó, trạm cấp cứu tại địa bàn của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng điều xe đến kịp thời, tích cực tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn liên tục trong quá trình chuyển bệnh nhân đến khoa Cấp cứu BV Đà Nẵng.

TS,BS Lê Đức Nhân (phải) và BSCKII Hà Sơn Bình (giữa) mô tả vai trò của cấp cứu ngoại viện trong việc rút ngắn thời gian, nâng cao khả năng cứu sống bệnh nhân.

TS,BS Lê Đức Nhân (phải) và BSCKII Hà Sơn Bình (giữa) mô tả vai trò của cấp cứu ngoại viện trong việc rút ngắn thời gian, nâng cao khả năng cứu sống bệnh nhân.

Tại BV Đà Nẵng, khâu cấp cứu ngay từ khi tiếp nhận bệnh nhân được tiến hành hết sức tích cực. Đặc biệt, các bác sĩ trẻ của khoa Cấp cứu không ngại bất kỳ điều gì, ngồi lên người bệnh nhân đã tử vong để tiếp tục cấp cứu. Và cuối cùng, quy trình báo động đỏ cấp cứu ngừng tuần hoàn ECMO được BV Đà Nẵng thiết lập một cách bài bản, nhanh chóng với sự tham gia của đa chuyên khoa cùng các phương tiện máy móc, kỹ thuật hiện đại nên đã cứu sống được bệnh nhân.

BS,CKII Hà Sơn Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (HSTCCĐ - BV Đà Nẵng) cho biết, qua gần 10 năm triển khai kỹ thuật ECMO, BV Đà Nẵng đã trở thành một trong những trung tâm ECMO lớn của cả nước, sau BV Bạch Mai và BV Chợ Rẫy. Đến nay BV Đà Nẵng đã thực hiện thành công gần 200 ca ECMO, trong đó có khoảng 30 trường hợp vừa cấp cứu ngừng tuần hoàn vừa làm ECMO.

“Trường hợp của bệnh nhân Lê H.D là nhờ làm tốt ngay từ cộng đồng. Bệnh nhân đã bị ngưng tim, ngưng thở những được Cấp cứu 115 Đà Nẵng đặt nội khí quản ngay tại hiện trường, ép tim đưa về BV Đà Nẵng. Đến khi thực hiện ECMO, đưa tim nhân tạo chạy thay cho tim bệnh nhân chỉ trong vòng chưa tới 1 giờ đồng hồ. Nói chung, hệ thống rất là tốt”, BS,CKII Hà Sơn Bình cho biết.

Theo BS,CKII Hà Sơn Bình, năm 2023, khoa HSTCCĐ (BV Đà Nẵng) đã làm đề tài tổng kết ECMO cho nhóm bệnh nhân ngừng tuần hoàn và nhóm bệnh nhân sốc tim, mang lại kết quả rất tốt. Qua đó xây dựng được quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn có ECMO trong nội viện nên triển khai rất nhanh và bài bản.

Hiện BV Đà Nẵng đang triển khai hệ thống lớn hơn, báo động cấp cứu trên toàn TP với bán kính địa bàn cách khoa HSTCCĐ tầm 20km; tiếp tục hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cấp cứu ngoại viện cho y tế cộng đồng. “Như thế sẽ có rất nhiều bệnh nhân được cứu sống, mang lại tính nhân văn rất lớn, thể hiện khoa học kỹ thuật của mình quá tốt để cứu sống bệnh nhân dù quá sức nặng”, BS,CKII Hà Sơn Bình nói.

Cả hệ thống cùng chạy đua cứu sống bệnh nhân

TS,BS Lê Đức Nhân cũng khẳng định, qua trường hợp của bệnh nhân Lê H.D, ngoài những nỗ lực của BV thì còn đề cao thêm nữa vấn đề kết nối giữa BV với y tế cộng đồng. BV Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai các đề án phối hợp đa chuyên khoa trong quy trình báo động đỏ để sẵn sàng ứng trực, cấp cứu người bệnh một cách tốt nhất.

Ông nói: “Trước đây BV Đà Nẵng đào tạo từng chuyên khoa thì bây giờ kết nối ê kip. Ví dụ, bệnh nhân tim mạch cần ê kip gì, đột quỵ cần ê kip nào, ngừng tuần hoàn thì ê kip như thế nào… Để khi gặp trường hợp cụ thể, chỉ cần kích hoạt một ê kip thì việc xử lý sẽ nhanh chóng, hiệu quả”.

Đồng thời BV Đà Nẵng tiếp tục làm việc với mạng lưới cấp cứu ngoại viện, tăng cường kết nối với Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Khi gặp bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện hoặc các trường hợp cần báo động đỏ, Cấp cứu 115 thông tin ngay cho BV Đà Nẵng để sẵn sàng triển khai thiết lập quy trình cấp cứu ECMO. Như vậy sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian và khả năng cứu sống bệnh nhân cũng sẽ tăng lên.

TS,BS Lê Đức Nhân nêu ví dụ, gặp trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ, việc được cấp cứu trước 4 giờ 30 phút và sau khoảng thời gian này có tỷ lệ tiên lượng và điều trị thành công khác hẳn nhau. Cho nên, BV Đà Nẵng sẽ hỗ trợ đào tạo nhóm Cấp cứu 115 chỉ cần xác định bệnh nhân bị đột quỵ thì đưa vào cơ sở y tế gần nhất chụp CT sọ não để tầm soát ban đầu, báo về cho BV Đà Nẵng kích hoạt ê kip đột quỵ sẵn sàng xử lý ngay khi bệnh nhân được chuyển về.

Theo ông, những trường hợp như nêu trên sẽ được cứu sống ngay, thay vì sẽ tàn tật thì sẽ được hồi phục hoàn toàn nhờ việc rút ngắn được thời gian cấp cứu. Như vậy, vấn đề là không những làm tốt tại BV mà còn hướng tới hệ thống y tế tại cộng đồng, nâng cao khả năng xử lý của y tế tại chỗ để có thể chạy đua thời gian trong các trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

“Muốn chạy đua thì không chỉ một mình BV Đà Nẵng mà phải kết nối với nhiều BV, kết nối với từ trạm y tế cơ sở đến hệ thống cấp cứu ngoại viện để rút ngắn thời gian từ khi bệnh nhân được sơ cấp cứu ban đầu đến khi vào BV, từ đó sẽ nâng cao hơn nữa cơ hội cứu sống bệnh nhân”, TS,BS Lê Đức Nhân nói.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/da-nang-trien-khai-he-thong-bao-dong-cap-cuu-tren-toan-thanh-pho/20241128092438089
Zalo