Đa dạng các biện pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững
Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng được cải thiện. Đó là kết quả từ cách làm linh hoạt, sáng tạo trong công tác xóa đói, giảm nghèo của các địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trong lao động, sản xuất.

Ông Lâm Sà Rươl chăm sóc đàn bò sinh sản, giúp gia đình có thu nhập ổn định. Ảnh: Phan Bình
Có dịp đến xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng (nay thuộc xã Mỹ Hương, thành phố Cần Thơ) - xã nghèo có hơn 93% đồng bào Khmer sinh sống, chúng tôi được nghe đồng bào Khmer nơi đây kể về những câu chuyện thoát nghèo và tận mắt chứng kiến bộ mặt nông thôn đang ngày càng thay đổi tích cực.
Gia đình ông Lâm Sà Rươl, ấp Sóc Xoài, xã Phú Mỹ (cũ) đã vươn lên thoát khỏi hộ cận nghèo, có cuộc sống ổn định vào năm 2024. Gia đinh ông chỉ có 2 công đất rẫy theo phương pháp truyền thống nên năng suất không cao. Sau khi được tham gia các lớp chuyển giao khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, ông Rươl đã áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả. Vào đầu năm 2022, được người quen giới thiệu về giống hẹ Hàn Quốc cho năng suất cao, ông mua một ít về trồng, đồng thời nghiên cứu về đặc tính sinh trưởng và kỹ thuật trồng hẹ; sau 4 tháng chăm sóc, các luống hẹ phát triển xanh tốt và cho thu hoạch. Để có nguồn hẹ thu nhập đều đặn, ông chia ra làm nhiều giồng, “bắt đất xoay vòng”.
Ngoài trồng hẹ, gia đình ông Rươl còn xây chuồng nuôi bò sinh sản. Ông Rươl cho biết: “Nhận thấy mô hình nuôi bò rất thích hợp với điều kiện kinh tế gia đình nên gia đình tôi gom góp tiền tích lũy và mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ. Đến nay, đàn bò phát triển tốt, tăng được 5 con”.
Bà Thạch Thị Kim Lê, nguyên Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Mỹ Tú (cũ) cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719) đã giúp bà con người dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách của Nhà nước; những mô hình của các hội, đoàn thể triển khai đã góp phần tích cực trong công tác phát triển kinh tế - xã hội”.
Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc... được triển khai kịp thời, hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên. Xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu (nay thuộc xã Hồng Dân, tỉnh Cà Mau) có đông đồng bào Khmer sinh sống. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tìm phương cách đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện thu nhập. Nhiều mô hình giảm nghèo của xã đã chứng minh tính hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phan Bình
Điển hình là gia đình bà Danh Thị Hoa Rây, ở ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa (nay là ấp Tà Ky, xã Hồng Dân) trước đây chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ 2 công đất rẫy canh tác không hiệu quả, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tạo điều kiện giúp bà Rây vay 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ. Có vốn, bà khoan giếng, mua máy bơm, cải tạo đất... Bà ưu tiên trồng các loại rau, cải vì có thể canh tác quanh năm, thời gian gieo hạt đến khi thu hoạch chỉ khoảng 30 ngày. Hiện nay, mỗi ngày bà thu hoạch khoảng 30-40kg rau các loại, giá bán từ 12.000-15.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày.
Ông Danh Cáo, nguyên Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hồng Dân (cũ) cho biết, giai đoạn 2021-2024, huyện đã triển khai lồng ghép Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gắn với hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm và hỗ trợ vốn tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số được hơn 7 tỷ đồng; tổ chức mở 135 lớp dạy nghề cho 1.783 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 2.628 lao động. Riêng năm 2024, nhiều đơn vị không chỉ hỗ trợ vốn, mà còn hỗ trợ cây, con giống, phương tiện sản xuất cho người dân, phương tiện đi lại cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với trị giá hàng tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bạc Liêu đã được phân bổ hơn 235 tỷ đồng; trong đó, tỉnh ưu tiên thực hiện các chương trình, chính sách nâng cao đời sống đồng bào như tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Ông Tô Thành Phương, nguyên Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu (cũ) cho biết: “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ở Bạc Liêu. Từ việc tích cực triển khai hỗ trợ người dân thụ hưởng dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững, nhiều hộ khó khăn đã từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Với sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của các cấp, các ngành, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Khởi, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng (cũ) cho biết: Kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn. Hiện nay, người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng lên.
Có thể thấy, từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của các địa phương đã giúp diện mạo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Cùng với đó là góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đưa kinh tế vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển.