Tháo gỡ kịp thời những 'nút thắt' để chuyển đổi số mạnh mẽ
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, dù đã đạt nhiều kết quả, quá trình chuyển đổi số vẫn còn những 'nút thắt' cần được tháo gỡ kịp thời để bứt phá mạnh mẽ hơn.
33 địa phương đạt trạng thái “Xanh” trên bản đồ giám sát
Cục Chuyển đổi số - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng, vừa cập nhật tình hình triển khai Kế hoạch 02 ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gọi tắt là Ban chỉ đạo Trung ương).
Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương cho thấy, việc triển khai “Kế hoạch 02 ngày 19/6/2025 về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” đang đạt được những bước tiến đáng kể, báo hiệu tiến độ thực hiện tốt các mục tiêu trước ngày 1/8.

Quá trình chuyển đổi số của các địa phương theo Kế hoạch 02 được Ban chỉ đạo Trung ương giám sát, theo dõi qua bản đồ tiến độ.
Tính đến ngày 15/7, đã có 33/34 tỉnh, thành phố đạt trạng thái “Xanh” (tỉnh, thành phố sẵn sàng) trên bản đồ giám sát theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch 02; không có địa phương nào bị xếp loại “Đỏ” (tỉnh, thành phố chậm), và chỉ còn duy nhất 1 tỉnh đang ở trạng thái “Vàng” (tỉnh, thành phố cảnh báo).
Kết quả thực thi nhiệm vụ tại Kế hoạch 02 của các địa phương.
Kết quả ấn tượng với 33/34 tỉnh, thành phố đạt trạng thái “Xanh” đã phản ánh rõ quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương trong hành trình chuyển đổi số toàn diện. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong công tác chuyển đổi số.
Thông tin về hiện trạng chuyển đổi số tại 3.320 xã, phường trên cả nước cũng đã được cải thiện rõ rệt, theo cập nhật trên bản đồ giám sát theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch 02. Đáng chú ý, có 9 tỉnh, thành phố đã phủ “Xanh” hơn 50% số xã, phường; trong đó có 5 tỉnh, thành phố đạt trên 70%.
Cần tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng và dịch vụ công
Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương cũng chỉ ra rằng, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình chuyển đổi số vẫn còn những "nút thắt" cần được tháo gỡ kịp thời để có thể bứt phá mạnh mẽ hơn. Đó là, tiến độ phủ “Xanh” cấp xã, phường còn chậm; Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến chưa đồng đều; và vẫn còn nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Cụ thể, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương, việc đảm bảo các điều kiện cơ bản để vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tại cấp xã, phường vẫn còn chậm trễ; vẫn còn 9/34 tỉnh, thành phố có chưa đến 10% số xã, phường được phủ “Xanh”. Nhiều vướng mắc được ghi nhận liên quan đến hệ thống phần mềm, dịch vụ công, kết nối, cơ sở dữ liệu, chữ ký số, con dấu và thiếu quy trình đang cản trở tiến độ.
Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt nhưng tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến lại rất thấp. Nguyên nhân chính là do phần mềm không đồng bộ, thiếu ổn định, gây khó khăn cho người dân khi thực hiện thủ tục trực tuyến.
Đơn cử, có địa phương mặc dù có nền tảng hạ tầng kỹ thuật khá tốt nhưng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chỉ đạt khoảng 10%, trong khi nhiều địa phương khác đã đạt trên 90%; có địa phương ghi nhận tổng số hồ sơ trực tuyến ở cấp tỉnh thấp hơn đáng kể so với mức trung bình ngày trong tháng 6/2025.
Việc này khiến hạ tầng và cơ sở vật chất được đầu tư tốt nhưng không phát huy hiệu quả. Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến thấp và các đơn vị có liên quan cần rà soát, tìm nguyên nhân tháo gỡ để nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến.
Ngoài ra, theo thống kê, vẫn còn 11 nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa được hoàn thành, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các bộ, ban, ngành, địa phương, cụ thể: 5 nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện thể chế và kiến trúc pháp lý; 3 nhiệm vụ liên quan đến xây dựng hạ tầng số và các cơ sở dữ liệu trọng yếu; 2 nhiệm vụ liên quan đến thống nhất nền tảng, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp; và 2 nhiệm vụ liên quan đến phát triển nguồn lực.

Những điểm tích cực, điểm yếu cần tháo gỡ, khuyến nghị cảnh báo của Ban chỉ đạo Trung ương.
Để đẩy nhanh tiến độ và khắc phục những hạn chế, Ban Chỉ đạo Trung ương đã đưa ra các khuyến nghị quan trọng và yêu cầu toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay hành động, trong đó có yêu cầu về cơ chế giám sát độc lập kết quả đầu ra của từng nhiệm vụ nhằm đảm bảo tính chính xác và hiệu quả.
Các bộ, ban ngành, địa phương phải khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đang thực hiện quá hạn và báo cáo lên Hệ thống giám sát, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 57. Các nhóm công tác số 2 và số 3 cần khẩn trương đôn đốc các đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến hạ tầng số và các cơ sở dữ liệu trọng yếu ngay trong tháng 7/2025.
Về đầu tư cho Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, phường, Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu rà soát và đầu tư đầy đủ các điều kiện vận hành hiệu quả như chữ ký số, chứng thư số, nhân sự hỗ trợ, sử dụng lại dữ liệu đã số hóa, phần mềm dịch vụ công, phần mềm hộ tịch...; đồng thời có giải pháp đôn đốc, triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn nữa và báo cáo lên hệ thống.
“Đây là thời điểm đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của mỗi cơ quan, mỗi địa phương, từng cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân nhằm vượt qua khó khăn, thách thức, hướng tới một Việt Nam số hóa toàn diện, mang lại cuộc sống tiện ích và tốt đẹp hơn cho mọi người”, báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương nêu rõ.